Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 20:11
Thứ ba, 28/05/2024 07:05
TMO - Bộ Công Thương yêu cầu các địa phương ưu tiên bố trí quỹ đất cho phát triển các công trình năng lượng, khoáng sản theo quy định của pháp luật về đất đai; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư thực hiện việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, di dân, tái định cư cho các dự án theo quy định.
Bộ Công Thương vừa có văn bản đề nghị tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các quy hoạch ngành trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản. Ngay sau khi các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch được ban hành, Bộ Công Thương đã kịp thời tổ chức các Hội nghị triển khai Quy hoạch, Kế hoạch với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, Tập đoàn, Tổng công ty và Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trong cả nước, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các Quy hoạch, Kế hoạch theo quy định, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất, tạo dư địa, không gian phát triển bền vững cho các ngành, địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Tuy nhiên, qua rà soát tình hình triển khai các quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản tại các địa phương, Bộ Công Thương nhận thấy tình hình thực hiện các quy hoạch, kế hoạch này, nhất là triển khai các dự án đầu tư trọng điểm, quan trọng, ưu tiên đầu tư còn chậm. Với thực trạng trên, khả năng không đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành trong thời kỳ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiềm ẩn nguy cơ cao ảnh hưởng tới việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và sự phát triển của ngành, địa phương trong những năm tới.
Chính vì vậy, để thực hiện hiệu quả các quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và tạo dư địa, không gian phát triển mới cho các ngành, địa phương, Bộ Công Thương đề nghị các Ban Thường vụ Tỉnh ủy/Thành ủy và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm, tăng cường chỉ đạo, quán triệt, đôn đốc các cơ quan chức năng ở địa phương và các chủ đầu tư dự án có liên quan bám sát các mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ đề ra tại các quy hoạch và kế hoạch thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoảng sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, khẩn trương tổ chức thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao, trong đó chú trọng tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Bộ Công Thương yêu cầu các địa phương ưu tiên bố trí quỹ đất cho phát triển các công trình năng lượng, khoáng sản theo quy định của pháp luật về đất đai. Ảnh: HL.
Cụ thể, khẩn trương chỉ đạo rà soát, cập nhật các quy hoạch, kế hoạch chuyên ngành của địa phương (quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng), bảo đảm phù hợp với các quy hoạch/kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia, làm cơ sở tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư phát triển lĩnh vực năng lượng, khoáng sản theo quy định của pháp luật. Cùng đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục lựa chọn chủ đầu tư các dự án năng lượng, khoáng sản thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư, nhất là các dự án điện quy mô lớn, điện nền và dự án truyền tải trên địa bàn, các dự án thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản có giá trị cao, ứng dụng công nghệ cao.
Ưu tiên bố trí quỹ đất cho phát triển các công trình năng lượng, khoáng sản theo quy định của pháp luật về đất đai; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư thực hiện việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, di dân, tái định cư cho các dự án theo quy định. Đặc biệt, thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc tình hình triển khai thực hiện các Kế hoạch thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu đề ra. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm theo quy định.
Bên cạnh đó, chú trọng làm tốt công tác truyền thông, phổ biến sâu rộng tới các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân tại địa phương; cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế về vai trò, tầm quan trọng và các nội dung cốt lõi của các quy hoạch và kế hoạch thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản nhằm tạo đồng thuận xã hội, thống nhất về tầm nhìn, định hướng phát triển và hành động, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra trong các quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch.
Đối với lĩnh vực điện lực, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, văn bản số 2295/BCT-TKNL ngày 06/4/2024 của Bộ Công Thương về việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tưởng Chính phủ.
Theo Bộ Công Thương, thực hiện tốt việc tuyên truyền về những khó khăn trong việc cung ứng điện, lợi ích của việc thực hành sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tới tất cả các khách hàng sử dụng điện nhằm chia sẻ khó khăn với ngành điện hiện nay, qua đó nâng cao nhận thức trong thực hiện sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Định kỳ hàng quý đề nghị các địa phương có báo cáo về tình hình, tiến độ triển khai các kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, nhất là tình hình triển khai các dự án đầu tư trọng điểm, quan trọng, ưu tiên đầu tư đã được đề ra trong quy hoạch, gửi về Bộ Công Thương để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện hiệu quả các quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản.
Trong bối cảnh nhu cầu ngày càng cao và yêu cầu chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, các Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản được xem là có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của ngành năng lượng và công nghiệp khai khoáng quốc gia, mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
Đây là các cơ sở pháp lý quan trọng phục vụ công tác quản lý nhà nước của Ngành; mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng và ngành khai khoáng Việt Nam hiệu quả hơn, bền vững hơn phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và khả năng thực tế của đất nước cũng như xu thế phát triển của quốc tế.
Các Quy hoạch cũng đề xuất một loạt cơ chế mới, gồm đa dạng hóa nguồn vốn, hình thức đầu tư, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư trong lĩnh vực năng lượng và thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước trong tình hình mới. Thực hiện Luật Quy hoạch và nhiệm vụ được giao, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, Bộ Công Thương đã khẩn trương triển khai xây dựng các Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch này. Sau nhiều vòng tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, các Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 333/QĐ- TTg ngày 23/4/2024 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản; Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 24/4/2024 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; và Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 25/4/2024 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia.
Để tổ chức thực hiện thành công các Kế hoạch này, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công quán triệt thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nhiệm vụ được giao tại các Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; trong đó:
Bộ Công Thương và các bộ, ngành Trung ương sẽ cùng phối hợp nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định, cơ chế chính sách liên quan, bảo đảm đủ mạnh, đồng bộ, khả thi, nhất là chính sách liên quan tới các cơ chế tài chính, cơ chế giá điện, giá khí và các cơ chế gắn hoạt động thăm dò, khai thác đồng bộ, liên kết với đầu tư chế biến khoáng sản… để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư các dự án trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, đồng thời nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương và doanh nghiệp, góp phần hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về lĩnh vực năng lượng và quản lý tài nguyên khoáng sản, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và quản lý chặt chẽ việc khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các tài nguyên khoáng sản.
Tập trung xây dựng, triển khai có hiệu quả các Chương trình quốc gia về khoa học - công nghệ và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành năng lượng và khai khoáng, nhất là trong các ngành năng lượng mới, năng lượng tái tạo, dầu khí và nhân lực kỹ thuật tay nghề cao vận hành máy móc, thiết bị khai thác chế biến khoáng sản nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới và nâng cao năng suất, chất lượng khai thác, chế biến các loại khoáng sản.
Các địa phương chủ động chỉ đạo rà soát, cập nhật, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh các nội dung liên quan của quy hoạch tỉnh để bảo đảm phù hợp với các Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản theo quy định của pháp luật về quy hoạch; đồng thời, rà soát, cập nhật các quy hoạch, kế hoạch chuyên ngành của địa phương (quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Quy hoạch xây dựng), bảo đảm tính đồng bộ, liên thông, làm cơ sở tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư về năng lượng và khai khoáng theo quy định của pháp luật.
Tổ chức lựa chọn chủ đầu tư tư thực hiện các dự án năng lượng, khoáng sản trên địa bàn được đề ra trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia theo phân cấp quản lý và theo quy định của pháp luật về đầu tư, nhất là các dự án đầu tư trọng điểm. Đồng thời, quản lý chặt chẽ quỹ đất dành cho Quy hoạch năng lượng và khoáng sản theo tiến độ thực hiện của Kế hoạch và chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di dân, tái định cư (nếu có), tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai cho các dự án theo quy định.
Đức Minh
Bình luận