Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 23:11
Thứ tư, 10/05/2023 14:05
TMO - Việt Nam được đánh giá là một quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). Trong những năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu, tần suất và cường độ các thiên tai ngày càng gia tăng, gây nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, về kinh tế, văn hoá, xã hội, tác động xấu đến môi trường.
Các khu vực dễ bị tổn thương nhất là đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, vùng duyên hải miền Trung. Đặc biệt, đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương và dễ bị ảnh hưởng nhất khi nước biển dâng. Theo thống kê, từ năm 1949 - 2018 có 453 cơn bão/áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào bờ biển Việt Nam (trung bình 6-7 cơn mỗi năm). Tần suất hoạt động bão cao nhất là ở khu vực giữa của vùng biển phía Bắc. Bão đổ bộ vào tất cả các vùng ven biển của Việt Nam, nhưng vào những thời điểm khác nhau.
Các khu vực bờ biển Quảng Ninh - Thanh Hóa và Nghệ An - Hà Tĩnh có nguy cơ cao nhất về nước dâng do bão với mực nước dâng cao hơn 6 m. Theo Kịch bản BĐKH cập nhật năm 2020, nếu nước biển dâng 100cm thì diện tích nhiều vùng sẽ bị ngập như: 13,20% diện tích Đồng bằng sông Hồng; 1,53% diện tích đất các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; khoảng 1,53% diện tích đất các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; khoảng 17,15% diện tích TPHCM; 47,29% diện tích ĐBSCL…Đối với khu vực vùng bờ, BĐKH, nước biển dâng gây ra nhiều tác động đến mọi mặt tự nhiên, kinh tế - xã hội, sức khỏe, đời sống nhân dân và an ninh, trật tự xã hội.
Đến năm 2050, mực nước biển dâng trung bình cho toàn khu vực Biển Đông là 24 cm hoặc 28 cm. Đến năm 2100, mực nước biển dâng trung bình cho toàn khu vực Biển Đông là 56 cm hoặc 77 cm. Mực nước biển dâng trung bình ven biển Việt Nam có khả năng cao hơn mực nước biển trung bình toàn cầu. Mực nước biển dâng khu vực ven biển các tỉnh phía nam cao hơn so với khu vực phía bắc. Khu vực giữa Biển Đông (trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mực nước biển dâng cao hơn so với các khu vực khác.
Biến đổi khí hậu tác động tới các hệ sinh thái theo nhiều cách khác nhau. Nhiệt độ tăng sẽ tác động tới các loài động, thực vật nhạy cảm với nhiệt độ; Lượng mưa giảm sẽ thu hẹp diên tích đất ngập nước ven biển, làm tăng phát thải khí nhà kính vào khí quyển do sự phân hủy của các chất hữu cơ, than bùn. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng dẫn tới sự thu hẹp diện phân bố địa lý của vùng ven biển.
Biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ra nhiều tác động đến mọi mặt tự nhiên, kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân tại khu vực vùng bờ.
Nước biển dâng làm gia tăng quá trình xâm nhập mặn ở khu vực ven biển dẫn đến thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, hệ số sử dụng đất có thể giảm từ 3-4 lần/năm xuống còn 1-1,5 lần/năm. Ngập mặn sẽ nghiêm trọng với vùng đa dạng sinh học và đặc biệt với vùng ĐBSCL. Nếu nước biển dâng 100 cm thì 45% diện tích đất ở ĐBSCL bị nhiễm mặn (1,77 triệu ha), 85% dân số bị ảnh hưởng. Mực nước biển dâng, các công trình bảo vệ bờ biển (kè, đê biển...), cảng sẽ phải chịu tác động gia tăng của sóng do chiều sâu nước trước công trình tăng lên và mất bãi do xói lở hoặc biến mất của dải rừng phòng hộ. Mực nước biển dâng kèm mưa bão lớn hơn có thể sẽ gây ngập lụt, phá hủy cơ sở hạ tầng ở các vùng duyên hải như đường giao thông, sân bay, cầu cống và hệ thống ống dẫn.
Sạt lở bờ sông, bờ biển đang có diễn biến ngày càng nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân tại các khu vực ven sông, ven biển, đặc biệt tại ĐBSCL và dải ven biển một số tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Bình Thuận, Cà Mau là khu vực tập trung đông dân cư và nhiều hoạt động kinh tế xã hội đang có tốc độ phát triển nhanh....
Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định nhiệm vụ chiến lược đến năm 2030 đối với việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng bao gồm: Tăng cường năng lực giám sát biến đổi khí hậu, dự báo, cảnh báo, hệ thống truyền tin cảnh báo sớm rủi ro trên biển và vùng ven biển để chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu; định kỳ cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Đến năm 2030, hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu được hiện đại hóa và được kết nối thông suốt. Nâng cao khả năng chống chịu và phục hồi của hệ thống tự nhiên và xã hội vùng biển và ven biển trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; phát triển mô hình cộng đồng ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu; giám sát tác động của biến đổi khí hậu đến các ngành kinh tế biển và đời sống, sinh kế cộng đồng trên vùng biển và ven biển.
Triển khai các giải pháp ứng phó, trong đó có giải pháp ứng phó dựa vào hệ sinh thái và các giải pháp dựa vào tự nhiên thông qua việc bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái biển và ven biển nhằm giảm thiểu thiệt hại do nước biển dâng, xâm nhập mặn, lũ lụt, hạn hán và các tác động liên quan khác đối với vùng biển và ven biển. Chủ động chuẩn bị các phương án, điều kiện phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo phù hợp với từng ngành kinh tế biển, các vùng biển và ven biển. Rà soát và đổi mới công nghệ và hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo theo hướng giảm thiểu phát thải khí nhà kính theo cam kết của Việt Nam tại COP 26 về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Hiện nay, Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được xây dựng và lấy ý kiến hướng đến mục tiêu phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia hoàn chỉnh, hiện đại, đồng bộ, đạt trình độ ngang bằng với các nước phát triển trong khu vực Châu Á vào năm 2030, có khả năng lồng ghép, tích hợp, kết nối, chia sẻ với mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia và mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn toàn cầu, đáp ứng nhu cầu thông tin, dữ liệu phục vụ công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ TN&MT) cho biết, thời gian qua Việt Nam đã áp dụng được các bài học kinh nghiệm và thực tế tại các nước trong khu vực và trên thế giới về dự báo. Cụ thể, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã ban hành các quyết định về loại, thời hạn và nội dung bản tin cho các đơn vị thuộc Hệ thống dự báo quốc gia, trong đó nhấn mạnh tất cả các loại bản tin phải cung cấp các thông tin về khả năng tác động của các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn và thiên tai đối với môi trường, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng và các hoạt động kinh tế-xã hội.
Việc chủ động triển khai các phương án ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng góp phần hạn chế thiệt hại cho các địa phương trực tiếp chịu ảnh hưởng.
Đến nay, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống công trình đê điều có quy mô rất lớn, với chiều dài khoảng 9.220 km đê (6.458 km đê sông, 1.171 km đê cửa sông, 1.320 km đê biển). Trong đó, hơn 2.740 km đê được phân cấp từ cấp III đến cấp đặc biệt, cùng với số lượng khổng lồ các công trình trên tuyến, với hơn 1.035 km kè bảo vệ đê, 1.563 cống dưới đê, 632 kho, bãi vật tư dự trữ phòng, chống lụt, bão, 1.405 điếm canh đê,…
Đây là hệ thống công trình có nhiệm vụ chống lũ triệt để, bảo vệ cho các khu vực dân cư tập trung, diện tích và độ sâu ngập lụt lớn, các cơ sở hạ tầng, trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị quan trọng của đất nước. Cùng với hệ thống hồ chứa thượng nguồn các dòng sông góp phần giảm thiểu và điều tiết lũ, hệ thống đê điều có vai trò đặc biệt quan trọng, là thành trì vững chắc trước thiên tai lụt, bão, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân cũng như những thành quả phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững.
Ngoài ra, Đề án Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 được Chính phủ phê duyệt với mục tiêu quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả diện tích rừng vùng ven biển hiện có, đặc biệt là đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên vùng ven biển. Tăng cường năng lực và phát triển sinh kế cho cộng đồng, người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển. Đồng thời khôi phục và phát triển rừng, cụ thể, trồng mới 20.000 ha rừng, gồm: 9800 ha rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (rừng ngập mặn); 10.200 ha rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay (trên lập địa đất, cát).
Trong những năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về thích ứng BĐKH đang dần được hoàn thiện. Một số nội dung về thích ứng với BĐKH đã được cụ thể hóa tại Điều 90 Luật Bảo vệ môi trường 2020. Cục Biến đổi khí hậu đã nghiên cứu, tham mưu xây dựng nhiều văn bản, chính sách hướng dẫn triển khai các hoạt động thích ứng tại Trung ương và địa phương như Quyết định 1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH cấp quốc gia; Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 07/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về đánh giá tác động của BĐKH và đánh giá khí hậu quốc gia.
Cùng với việc hoàn thiện hệ thống cơ chế và chính sách, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều chương trình, dự án, hoạt động thích ứng với BĐKH và đã có những kết quả cụ thể trong nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên và xã hội. Công nghệ dự báo khí tượng thủy văn được phát triển, dần tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á...
Minh Phương
Bình luận