Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 10:11
Chủ nhật, 30/07/2023 07:07
TMO - Những năm gần đây nghề nuôi tôm ở các tỉnh duyên hải miền Trung phát triển mạnh. Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế...có nhiều lợi thế về nghề nuôi tôm. Đặc biệt khi khoa học - kỹ thuật phát triển, góp phần thúc đẩy nghề nuôi tôm tại các địa phương này, nâng cao giá trị sản xuất.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, ngành tôm Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thách thức để trở thành ngành hàng mũi nhọn có đóng góp quan trọng trong nền nông nghiệp và kinh tế-xã hội của đất nước. Kim ngạch xuất khẩu tôm trong năm 2022 lập kỷ lục khi đạt 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021; năm 2023 nước ta đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hơn 4,3 tỷ USD.
Thông qua một số đề án, chương trình, hiện nay, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã và đang triển khai các dự án nuôi tôm như: Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ nuôi tôm tuần hoàn, nuôi tôm xen ghép, nuôi theo hướng hữu cơ, VietGAP... Qua đó hỗ trợ người nuôi tôm tiến đến sản xuất bền vững, có hiệu quả cao.
Trong đó, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đạt chứng nhận VietGAP khu vực Bắc Trung Bộ đã mang lại hiệu quả cho người nuôi tôm. Mô hình triển khai áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới nuôi 2 giai đoạn sử dụng ao lót bạt phù hợp với điều kiện vùng bãi cát trắng ven biển miền Trung, mô hình đã giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, môi sinh; giảm phát thải khí nhà kính; bảo vệ sức khỏe cho người lao động và có trách nhiệm với xã hội do việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật; sản xuất các sản phẩm đạt các chỉ tiêu an toàn thực phẩm cho năng suất 16 tấn/ha, doanh thu 1,6 tỷ đồng/ha.
Mô hình ứng dụng hệ thống cảnh báo môi trường tự động nên chủ động kiểm soát các khâu kỹ thuật trong quy trình nuôi. Từ đó giảm rủi ro, thiệt hại, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời mô hình cũng làm giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người nuôi tôm. Đặc biệt khi áp dụng mô hình nuôi tôm đạt chứng nhận VietGAP đã cung ứng cho thị trường và người tiêu dùng tôm sạch (không kháng sinh) để bảo đảm sức khỏe.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật đang phát huy hiệu quả kinh tế tại các tỉnh miền Trung.
Tại Quảng Bình, các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm như nuôi lót bạt, nuôi tôm 2 - 3 giai đoạn, nuôi tôm công nghệ cao... góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị của con tôm. Hướng dẫn cơ sở nuôi tôm áp dụng quy trình sản xuất hiệu quả như quy trình nuôi tôm hạn chế hóa chất, quy trình nuôi 2 - 3 giai đoạn, thả giống cỡ lớn, nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP; khuyến khích phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi nhằm giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, có truy xuất nguồn gốc...
Theo đó, nghề nuôi tôm được xem là chủ lực trong phát triển nuôi trồng thủy sản với các vùng nuôi tôm tập trung thâm canh, nuôi công nghệ cao tại xã Ngư Thủy, Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy), xã Trung Trạch, Đại Trạch (huyện Bố Trạch), Hải Ninh (huyện Quảng Ninh); nuôi thâm canh và bán thâm canh tại phường Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn), xã Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch), xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh)...
Ngành nuôi tôm ở Việt Nam có tiềm năng và lợi thế lớn. Hằng năm, ngành tôm Việt Nam đóng góp khoảng 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5 - 4 tỷ USD. Giải quyết công ăn việc làm cho hơn 3 triệu lao động. Trong giai đoạn 2010 - 2022 diện tích nuôi tôm nước lợ tăng gấp 1,2 lần, tốc độ tăng trưởng bình quân 1,2%/năm (tăng từ 618.600 ha năm 2010 lên 750.000 ha năm 2022), sản lượng tăng 1,7 lần, tăng trưởng bình quân 4,5%/năm (tăng từ 443.700 tấn lên 1.014.200 tấn). Sản lượng tôm nuôi tăng chủ yếu tập trung vào tôm chân trắng (tăng từ 119.700 tấn năm 2010 lên 735.000 tấn năm 2022).
Để phát triển bền vững ngành tôm, nhiều ý kiến cho rằng các địa phương thời gian tới cần tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, chủ động nắm bắt diễn biến giá tôm nguyên liệu, nhu cầu của thị trường tiêu thụ để thông tin đến doanh nghiệp và người nuôi có kế hoạch thả giống và giải pháp sản xuất phù hợp; tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người nuôi tôm tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, tối ưu hóa chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm...
Thu Hà
Bình luận