Hotline: 0941068156
Thứ ba, 10/12/2024 15:12
Thứ tư, 05/07/2023 08:07
TMO - Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đang là xu hướng tất yếu để giảm chi phí lao động, tăng năng suất cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Trong đó, ứng dụng thiết bị bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp đang được các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đẩy mạnh triển khai.
Tại một số hợp tác xã trên địa bàn huyện Ứng Hòa, từ vụ Mùa 2022 các HTX đã đầu tư các thiết bị bay không người lái để phục vụ sản xuất lúa. Mỗi máy bay 1 ngày có thể gieo sạ hoặc phun thuốc bảo vệ thực vật được hàng chục hécta lúa. Nếu như chi phí thuê nhân công cấy tốn 500.000 đồng/sào thì sử dụng máy bay chỉ hết 350.000 đồng/sào. Không những vậy còn giảm thiểu độc hại đối với con người mà việc phòng trừ sâu bệnh hại cũng đạt hiệu quả cao hơn.
Huyện Thạch Thất là một trong những địa phương tích cực triển khai mô hình gieo sạ, phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng bằng máy bay không người lái trong vụ Xuân 2023. UBND huyện Thạch Thất cho biết, với sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT Hà Nội cùng đơn vị liên quan, nông dân địa phương đã được giới thiệu và trải nghiệm thiết bị bay không người lái 3 trong 1 (gieo giống, bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật).
Phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái tại huyện Thạch Thất. Ảnh: PV.
Tại thị xã Sơn Tây, một số địa phương đã gieo sạ giống lúa chất lượng cao ST25 bằng máy bay không người lái. Theo báo cáo, đối với gieo sạ, năng suất làm việc của thiết bị từ 3-4ha/h. Một ngày bình quân rải đc 20-25ha giống trong điều kiện thời tiết tốt và độ thuần đồng ruộng cao. Tương tự với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, một ngày làm việc, máy phun đc từ 30-40ha. Ngoài ra, khi gieo sạ bằng máy bay không người lái, độ bao phủ đều hơn, mật độ nảy mầm lên cũng sẽ hiệu quả hơn so với sạ tay. Đặc biệt, trên mặt ruộng không có dấu chân, giúp giảm chi phí và nhân công lao động. Chi phí thuê máy bay không người lái là 30.000 đồng/sào cho một lần gieo sạ hoặc phun thuốc.
Với hệ thống điều khiển từ xa, người vận hành máy bay không người lái chỉ cần đứng tại một địa hình tốt là có thể thực hiện được các thao tác vận hành thiết bị. Hệ thống radar có các chức năng tự động vượt qua chướng ngại vật và mô phỏng mặt đất để hoàn toàn bảo đảm trong quá trình vận hành. Đối với rải giống, mỗi giờ có thể rải được 3-4ha giống trong điều kiện thời tiết tốt và độ thuần đồng ruộng cao.
Đối với thuốc bảo vệ thực vật, mỗi ngày máy phun được từ 30ha đến 40ha. Ngoài ra, khi sạ bằng máy bay không người lái, độ bao phủ đều hơn, mật độ nảy mầm cũng hiệu quả hơn so với sạ tay. Trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, ứng dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật sẽ tiết kiệm được chi phí công lao động, giảm lượng thuốc sử dụng, bảo vệ sức khỏe cho nông dân…
Hà Nội có diện tích đất nông nghiệp lớn, mỗi năm sản xuất 150.000ha lúa. Trong khi đó, lao động cho nông nghiệp ngày càng khó khăn do chuyển dịch lao động sang làng nghề, dịch vụ... dẫn tới diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang ngày một gia tăng. Việc chuyên biệt hóa lao động trong nông nghiệp, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác ứng dụng cơ giới đồng bộ, áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất là yêu cầu tất yếu của nông nghiệp Thủ đô.
Trong một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội vừa được HĐND thành phố thông qua chiều 4/7 đã quy định việc hỗ trợ mua máy cấy lúa và sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật. Chính sách thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp bao gồm hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ mua máy cấy phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất lúa; hỗ trợ kinh phí cấy máy, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái. Chính sách chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản bao gồm hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, thủy sản tại các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung.
Chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Chính sách hỗ trợ cấp mã số vùng trồng; Chính sách hỗ trợ máy móc, thiết bị để chuyển đổi số trong nông nghiệp; Chính sách bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp; Chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình điểm phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch, trải nghiệm.
Hồng Nhung
Bình luận