Hotline: 0941068156
Thứ tư, 16/04/2025 10:04
Thứ ba, 15/04/2025 06:04
TMO - Với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và hiện đại, huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) đã và đang tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất mang lại những hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và thu nhập cho người dân.
Năm 2024, ngành nông nghiệp huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) tiếp tục ghi nhận những bước tiến tích cực trong tái cơ cấu và phát triển bền vững, góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy kinh tế địa phương.
Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp năm 2024 ước đạt gần 1.592 tỷ đồng, tăng 25,1% so với năm 2023. Đây là kết quả của việc triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với sản xuất theo hướng phát huy tiềm năng và lợi thế của địa phương.
Bên cạnh đó, huyện Tiên Yên đã tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, như triển khai công nghệ bảo quản, đóng gói, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Nhiều sản phẩm địa phương đã được cấp nhãn hiệu chứng nhận và đăng ký mã QR Code để truy xuất nguồn gốc, như mật ong, gà, tôm, trứng vịt…Gà Tiên Yên, một trong sản phẩm nổi tiếng của huyện Tiên Yên, được xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm OCOP từ ứng dụng KHCN vào trong nhân tạo giống, phát triển đàn và chăn nuôi.
Từ năm 2014, Sở KHCN tỉnh phối hợp với huyện Tiên Yên triển khai ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo giống gà Tiên Yên, với tên gọi “Dự án thụ tinh nhân tạo gà Tiên Yên”. Từ cơ sở ban đầu được ứng dụng triển khai, đến nay, dự án đã triển khai ở 3 cơ sở, với số lượng gà giống được tạo ra từ công nghệ thụ tinh nhân tạo năm 2023 của huyện đạt trên 1 triệu con giống, đáp ứng trên 90% lượng giống trên địa bàn. Cùng với việc ứng dụng KHCN trong thụ tinh nhân tạo giống gà Tiên Yên, huyện Tiên Yên còn triển khai dự án ứng dụng công thức phối trộn thức ăn.
Cùng với các Dự án ứng dụng thức ăn thảo dược trong chăn nuôi gà Tiên Yên; dự án ứng dụng công nghệ sơ chế, bao gói bảo quản gà Tiên Yên nhằm nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm gà Tiên Yên đồng đều hơn về chất lượng cũng như tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Hiện trên địa bàn huyện hình thành nên 400 trang trại nuôi từ 500 con trở lên và 7 tổ chức, doanh nghiệp, HTX nuôi gà thành phẩm, tạo ra giá trị gia tăng lớn cho người nuôi; đặc biệt, gà Tiên Yên đã trở thành sản phẩm OCOP nổi tiếng trong nước, có tính cạnh tranh cao.
Ngoài ra, huyện cũng đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch và giáo dục, như tổ chức hội thảo phát triển du lịch cộng đồng và quảng bá các điểm du lịch qua mạng xã hội.
Các mô hình trồng rau công nghệ cao, trồng rau thuỷ canh được người dân Tiên Yên áp dụng.
Đầu năm 2024, huyện tổ chức thành công hội thảo phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện và đưa vào khai thác du lịch cộng đồng xã Đại Dực và các điểm du lịch sinh thái. Huyện tận dụng hiệu quả nền tảng mạng xã hội (facebook, zalo, tiktok) tuyên truyền, quảng bá các điểm du lịch, hoạt động du lịch diễn ra trên địa bàn, như: Lễ hội Đền Đức ông Hoàng Cần, Ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc Tày huyện Tiên Yên, Ngày hội văn hóa của người Sán Dìu huyện Tiên Yên…, thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham gia, trải nghiệm, mua sắm, tiêu thụ sản vật địa phương. Lãnh đạo UBND huyện Tiên Yên, cho biết: Địa phương tích cực hỗ trợ tổ chức, cá nhân đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng KHCN vào trong hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế.
Hiện rất nhiều sản phẩm thương hiệu địa phương được cấp nhãn hiệu chứng nhận và đăng ký mã QR Code để truy xuất nguồn gốc hàng hóa sản phẩm, như mật ong, gà, khâu nhục, tôm, trứng vịt biển Đồng Rui. Địa phương tiếp tục chỉ đạo các cơ sở cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, nhãn mác, nâng cao thương hiệu sản phẩm để đưa các sản phẩm địa phương vào thị trường ngoài tỉnh và quốc tế.
Phát huy kết quả đạt được, hiện nay, huyện Tiên Yên đang bám sát Nghị quyết số 57-NQ/TW (ngày 22/12/2024) của Bộ Chính trị về “Đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” và Chương trình hành động số 46-CTr/TU (ngày 15/1/2025) của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW để tiếp tục triển khai các giải pháp ứng dụng KHCN, chuyển đổi số trong các lĩnh vực.
Trong đó, UBND huyện đề ra 7 nhóm giải pháp, 32 nội dung chính để thực hiện các mục tiêu cho giai đoạn 2025-2030 và định hướng đến năm 2040. Với những kết quả đạt được trong năm 2024 và mục tiêu phấn đấu trong năm 2025, ngành nông nghiệp huyện Tiên Yên đang từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương.
Huyện Tiên Yên chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ và đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp không chỉ thể hiện quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng mà còn khẳng định hướng đi đúng đắn trong phát triển kinh tế nông thôn.
Thông qua các mô hình sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, trồng trọt, truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng mã QR, huyện đã từng bước nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, gia tăng giá trị hàng hóa và cải thiện thu nhập cho người dân.
Những kết quả đạt được cho thấy tiềm năng lớn để Tiên Yên tiếp tục bứt phá, trở thành điểm sáng trong xây dựng nền nông nghiệp thông minh, bền vững gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và mục tiêu phát triển nông thôn mới nâng cao; thúc đẩy kinh tế Tiên Yên phát triển bền vững.
Ngọc Thanh
Bình luận