Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ năm, 29/02/2024 08:02
TMO - Nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, nhiều cơ sở, doanh nghiệp tại các làng nghề truyền thống thuộc tỉnh Nam Định đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm bớt chi phí lao động, từ đó phát triển làng nghề theo hướng hiện đại hoá.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định, toàn tỉnh có 142 làng nghề, trong đó có 80 làng nghề được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống đạt các tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Cùng với sự phát triển của các làng nghề, cuộc sống người dân có nhiều khởi sắc.
Nghề và làng nghề đã tồn tại và phát triển như một phần không thể tách rời tại tỉnh Nam Định. Mỗi làng nghề đều hàm chứa những giá trị văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc. Việc ứng dụng khoa học công nghệ để bảo tồn, phát triển thế mạnh của mỗi làng nghề có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp giải quyết việc làm cho người lao động, xóa đói, giảm nghèo, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của các địa phương này.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong các làng nghề được UBND tỉnh và các cấp chính quyền, nhân dân địa phương chú trọng. ại làng nghề làm miến xã Nghĩa Lâm (huyện Nghĩa Hưng) với hơn 40 hộ tham gia sản xuất, nơi đây được biết đến với những sản phẩm miến gạo, miến dong nổi tiếng. Hàng chục hộ gia đình đã mạnh dạn ứng dụng khoa học, đưa máy móc thiết bị vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ miến của người dân ngày càng lớn. Các loại máy như máy làm miến, máy sấy, vắt chân không, vo gạo liên hoàn… được ứng dụng vào quá trình sản xuất giúp tăng chất lượng sản phẩm rõ rệt. Thành phẩm miến có mẫu mã đẹp hơn, sợi miến mỏng, được thái đều, dai, mềm, có vị đậm đà và ăn ngon hơn.
Hay tại xã Hải Minh (huyện Hải Hậu) từ lâu đã nổi tiếng với nghề sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ. Nhờ tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm nên thời gian qua, nhiều sản phẩm của các làng nghề đồ gỗ thủ công xã Hải Minh đã tạo được thương hiệu vững chắc trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân. Các loại máy tiện hiện đại như máy CNC đục gỗ vi tính, máy điêu khắc mỹ thuật CNC… đã tạo ra sự đa dạng, phong phú về sản phẩm, mang lại thành phẩm đẹp, sắc nét, rút ngắn thời gian hoàn thành tác phẩm so với việc sản xuất thủ công.
Sử dụng máy CNC tiện gỗ mang lại sản phẩm tinh xảo, tiết kiệm sức lao động.
Những đồ nội thất như sập gụ, tủ chè, bàn thờ, giường…nhờ có bàn tay khéo léo của người thợ kết hợp với máy móc mang lại phong cách đan xen giữa truyền thống và hiện đại. Điều đó giúp bảo tồn, gìn giữ làng nghề đồng thời phát triển làng nghề bứt phá và theo kịp sự thay đổi, thị hiếu của người dùng trong thời đại mới.
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất mang đến nhiều điều kiện thuận lợi cho người dân Việt Nam nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng. Cùng với xã Hải Minh, xã Nghĩa Lâm, các địa phương khác của Nam Định như làng nghề cơ khí, đúc Tống Xá, thị trấn Lâm (Ý Yên), làng nghề sản xuất đồ gỗ, mộc mỹ nghệ làng Kênh, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) cũng ưu tiên áp dụng máy móc hiện đại để tạo ra những sản phẩm tinh xảo về tranh phong thuỷ, đồ gỗ, câu đối…
Thời gian qua, UBND tỉnh Nam Định cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các chính sách, các mô hình khuyến công; hỗ trợ, khuyến khích các hộ làm nghề mạnh dạn đầu tư trang bị máy móc, ứng dụng KH&CN vào sản xuất dần thay thế các công đoạn thủ công, hướng đến sản xuất tự động hoá. Hỗ trợ các hộ gia đình, đơn vị tổ chức sản xuất thụ hưởng những chính sách về tài chính, ưu đãi trong nguồn vốn vay…Đồng thời với những sản phẩm OCOP (thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cũng được ưu tiên phát triển. Đặc biệt tỉnh quan tâm chú trọng quá trình bảo vệ môi trường làng nghề, xây dựng hệ thóng xử lý nước thải để giải quyết vấn đề ô nhiễm từ các làng nghề thải ra.
Mặc dù việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất hướng tới mục tiêu giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế để đẩy mạnh triển khai như nguồn vốn của người dân để đầu tư trang thiết bị máy móc còn ít, các chủ thể vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, chưa có hướng tập trung liên kết dẫn đến thị trường chưa được mở rộng, đầu ra của sản phẩm chưa tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng. Đòi hỏi phải phát triển rộng rãi theo hướng thương mại điện tử, chuyển đổi số…
Ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến hiện đại vào sản xuất tại các làng nghề là hướng đi tất yếu của các làng nghề truyền thống hiện nay. Bởi đây là yếu tố quan trọng, cấp thiết để các làng nghề nâng cao sức cạnh tranh, sản xuất lượng thành phẩm lớn, giảm giá thành sản phẩm, giải phóng sức lao động và bảo vệ môi trường bền vững.
Thanh Hải
Bình luận