Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ hai, 25/07/2022 07:07
TMO - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu, thời gian qua, tỉnh đã chủ động ban hành nhiều giải pháp, tổ chức trình diễn, giới thiệu, chuyển giao các ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ mới để người sản xuất được tiếp cận, ứng dụng, nhằm giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả…
Với diện tích trên 136.000ha canh tác nuôi trồng thủy sản (chiếm hơn 50% diện tích tự nhiên toàn tỉnh) Bạc Liêu được xếp là một trong 6 tỉnh trọng điểm nuôi tôm của cả nước và được đánh giá có vai trò đóng góp khá lớn trong nhiều khâu của “chuỗi cung ứng tôm” khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Đến nay, Bạc Liêu là tỉnh đứng thứ hai cả nước về diện tích, sản lượng với nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hàng đầu quốc gia và là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm của cụm sản xuất, chế biến, xuất khẩu, tiêu thụ tôm.
Qua hơn 2 năm thực hiện Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, Bạc Liêu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh đã nhân rộng thành công mô hình nuôi tôm công nghệ cao đến các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.
Ảnh minh họa
Hiện tại, tỉnh đã đầu tư xây dựng hoàn thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (giai đoạn 1), đang chuẩn bị triển khai giai đoạn 2. Toàn tỉnh có 23 doanh nghiệp, hợp tác xã và 650 hộ dân đầu tư nuôi tôm công nghệ cao trên diện tích hơn 3.900ha (vượt gần 45% so với kế hoạch và tăng gấp 3 lần so với năm 2019).
Từ việc cho ăn, kiểm tra nguồn nước, độ mặn, độ pH, thức ăn thừa… đều được số hóa. Kỹ thuật nuôi tôm hiện nay không thiếu, còn lại phụ thuộc vào giá vật tư đầu vào và giá sản phẩm thu được. Tại Bạc Liêu, khoa học kỹ thuật đã được ứng dụng trong phát triển ngành tôm qua các mô hình như: Ứng dụng công nghệ 4.0 trong giám sát môi trường nuôi tôm; Quản lý trại nuôi tôm bằng công nghệ thông minh; Công nghệ nuôi tôm tuần hoàn 100% nước thải và chất thải.
Vừa qua, tại Bạc Liêu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu phối hợp cùng Tổng cục Thủy sản và Hội nghề cá Việt Nam tổ chức Diễn đàn tôm Việt năm 2022 với chủ đề "Ứng dụng công nghệ trong phát triển tôm tại Việt Nam."
Thống kê từ Tổng cục Thủy sản cho thấy trong năm 2022, diện tích nuôi tôm ước đạt 750.000ha (tôm sú 625.000ha, tôm thẻ 125.000ha). Sản lượng tôm các loại khoảng 980.000 tấn; trong đó, tôm sú 275.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 675.000 tấn, còn lại là tôm khác. Kim ngạch xuất khẩu đạt 4 tỷ USD (dự kiến tăng 2,56% so với năm 2021).
Để đạt được các mục tiêu trên, Tổng cục Thủy sản cũng đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; ưu tiên phát triển ngành tôm nước lợ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Quang Huy
Bình luận