Hotline: 0941068156
Thứ tư, 15/01/2025 22:01
Thứ tư, 14/06/2023 07:06
TMO - Hiện nay, tỉnh Cà Mau đang đẩy mạnh việc ứng dụng truy xuất nguồn gốc, trong đó tập trung hỗ trợ triển khai giải pháp truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Bằng công cụ này, các cơ quan quản lý nắm bắt được tình hình sản xuất và phân phối trên địa bàn tỉnh để đề xuất chiến lược phát triển phù hợp, thúc đẩy tiếp thị các sản phẩm chủ lực tại các địa phương khác, cũng như tiếp cận các thị trường tiềm năng ngoài tỉnh.
Nhằm nâng cao giá trị và thương hiệu sản phẩm, tỉnh Cà Mau đã và đang có nhiều chiến lược hiệu quả để hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn, một trong những chiến lược đó là kế hoạch triển khai Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm tỉnh Cà Mau. Hệ thống này đang được Chi cục Tiêu chuẩn và Đo lường chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư phối hợp đơn vị chuyên môn khác.
Truy xuất nguồn gốc là hoạt động giám sát, xác định một đơn vị sản phẩm hoặc dịch vụ qua từng công đoạn theo thời gian, địa điểm của quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối và kinh doanh (theo TCVN 12850:2019). Trong đó, mỗi sản phẩm được truy xuất nguồn gốc sẽ mang một mã số định danh duy nhất và thể hiện thông qua việc dán tem có mã QR. Toàn bộ thông tin sản xuất và phân phối sản phẩm được ghi nhận đầy đủ trong hệ thống phần mềm.Thông qua tem truy xuất nguồn gốc được dán trên bao bì, người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh để quét mã QR và tìm hiểu thông tin về sản phẩm, chứng nhận doanh nghiệp và toàn bộ quá trình sản xuất - phân phối sản phẩm.
Cổng truy xuất nguồn gốc sản phẩm tỉnh Cà Mau được xây dựng và đưa vào vận hành hiệu quả.
Hệ thống Truy xuất nguồn gốc sản phẩm tỉnh Cà Mau được xây dựng trên nền tảng công nghệ chuỗi khối (Blockchain), giúp nâng cao tính minh bạch và xác thực cho thông tin truy xuất nguồn gốc khi người tiêu dùng tra cứu Sản phẩm của doanh nghiệp sau khi được triển khai áp dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc thành công cũng sẽ được hiển thị trên Cổng truy xuất nguồn gốc sản phẩm tỉnh Cà Mau với địa chỉ như sau: https://txng.camau.gov.vn.
Kế hoạch đã triển khai giải pháp truy xuất nguồn gốc thành công cho 24 sản phẩm đặc trưng (bao gồm 14 sản phẩm OCOP và 10 sản phẩm Nhãn hiệu chứng nhận, Nhãn hiệu tập thể) thuộc 24 cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Cà Mau với hơn 50,000 tem truy xuất nguồn gốc Blockchain được phát hành. Đến nay đã đưa lên Cổng truy xuất nguồn gốc của tỉnh được 21 nhóm sản phẩm của 75 cơ sở sản xuất, kinh doanh,…
Nhằm tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh hiệu quả của việc truy xuất nguồn gốc, Sở Khoa học và Công nghệ đã lập kế hoạch triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc để quản lý tốt về chất lượng hàng hoá trong tỉnh, đảm bảo an toàn sức khoẻ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phục vụ cho việc phát triển kinh tế.
Ðảm bảo chính xác, công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hoá trong tỉnh. Cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc. Ðẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo nhằm đáp ứng trong hoạt động quản lý, giám sát về lĩnh vực truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá. Từ đó cụ thể hoá các mục tiêu, nội dung của đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc phù hợp thực tiễn đối với các nhóm sản phẩm hàng hoá chủ lực tại địa phương.
Sản phẩm OCOP của Cà Mau được dán tem truy xuất nguồn gốc và trưng bày tại siêu thị.
Theo đánh giá của các Sở, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc là một trong số những định hướng ngành nông nghiệp tỉnh nhà nỗ lực hướng đến, góp phần tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trong nền kinh tế. Hiện nay, sản phẩm nông sản (lúa gạo, thủy sản, rau màu, trái cây…) trên địa bàn tỉnh được tiêu thụ chủ yếu thông qua hệ thống phân phối truyền thống (chợ), hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại) và các cửa hàng kinh doanh.
Tuy nhiên, các nhà phân phối, tiểu thương, hộ kinh doanh trong chợ, các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng kinh doanh và người tiêu dùng hiện khá khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung ứng các sản phẩm, dịch vụ an toàn, đảm bảo chất lượng. Mặt khác, người sản xuất các sản phẩm nông sản cũng chưa có nhiều cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm đã được cơ quan chức năng chứng nhận chất lượng tới các đơn vị kinh doanh, người tiêu dùng. Việc kết nối, giới thiệu giữa người sản xuất với người kinh doanh tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ trong tỉnh hiện chủ yếu thực hiện thông qua các hội chợ nhưng chưa được thường xuyên, chi phí cao, chưa thu hút được đông đảo người sản xuất tham gia…
Do đó, việc đưa công nghệ thông tin phục vụ kết nối cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ với doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ, kinh doanh với người tiêu dùng nhằm dễ dàng kiểm tra, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận chất lượng sản phẩm, xây dựng niềm tin, tạo thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ của tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất thực phẩm an toàn, có kiểm soát, nâng cao hiệu quả cho người sản xuất, kinh doanh và bảo vệ người tiêu dùng... Dựa trên cơ sở những nền tảng số đang có, ngành nông nghiệp cần xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, xác định mã số vùng trồng, quản lý chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm kịp thời, minh bạch, chính xác, an toàn, đáp ứng thị trường, phù hợp xu hướng chuyển đổi kinh tế số hiện nay.
Thời gian tới, các ngành chức năng phối hợp triển khai thực hiện Dự án hệ thống quản lý chuỗi giá trị nông sản tập trung vào việc ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số, quản trị thông minh xây dựng hệ 3 thống chương trình quản lý chuỗi sản phẩm nông sản, quản lý toàn bộ quá trình sản xuất từ khâu thu thập dữ liệu, đánh giá tác động, xây dựng kế hoạch sản xuất, phân phối ra thị trường. Thiết lập hệ thống sử dụng tem thông minh dùng công nghệ mã vạch 2 chiều (QR code) nhằm kiểm tra, truy xuất nguồn gốc hàng hóa sản phẩm thông qua các thiết bị thông minh (Smartphone).
Từ đó, thuận tiện việc quản lý các chuỗi liên kết phát sinh; hỗ trợ liên kết các hợp tác xã, doanh nghiệp, người dùng và các đối tác khác tham gia trong chuỗi giá trị nông sản. Xây dựng một số chuỗi liên kết tiêu biểu trên hệ thống, cập nhật các thông tin sản phẩm kết nối với sàn giao dịch điện tử của tỉnh và các website thương mại điện tử trong nước. Kết nối, liên thông với các dữ liệu cũ (chuyển đổi, điều chỉnh, bổ sung các trường thông tin theo quy định) đảm bảo có thể trao đổi dữ liệu đáp ứng kết nối với cơ sở dữ liệu chuỗi giá trị nông sản.
Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Hiện nay, chúng ta đang đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động bởi đại dịch Covid-19. Chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh đã được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là giải pháp, xu hướng tất yếu để các đơn vị sản xuất kinh doanh nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tồn tại và phát triển.
Trong đó, truy xuất nguồn gốc là giải pháp thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân bằng các nền tảng số, tích hợp giá trị, tạo sự thuận lợi cho người nông dân, hợp tác xã, người tiêu dùng. Đồng thời góp phần gia tăng giá trị của nông sản của các địa phương, góp phần thiết thực tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới. Hoạt động truy xuất nguồn gốc ngày càng được Chính phủ và các bộ, ban, ngành Việt Nam quan tâm và ban hành các chính sách hỗ trợ, tiêu biểu như Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100); Thông tư 17/2021/TT-BNNPTNT ngày 20/12/2021; Nghị định số 13/2022/NĐ-CP ngày 21/01/2022,...
Lê Anh
Bình luận