Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 20:01
Thứ hai, 11/04/2022 05:04
TMO - Với sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan, diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu, các chuyên gia nhận định cần tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sát, sớm để chủ động ứng phó tốt hơn với thiên tai.
Một hệ thống cảnh báo thiên tai sớm, đầy đủ và hoàn thiện sẽ giúp tăng cường khả năng chống chịu cho cả con người và nền kinh tế. Hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai gồm bốn yếu tố: Hiểu biết, nhận thức của con người về những hiểm họa họ phải đối phó; dịch vụ cảnh báo và giám sát kỹ thuật; phổ biến những cảnh báo cho người sống trong vùng có nguy cơ bị hiểm họa và khả năng ứng phó của cộng đồng sống trong vùng nguy cơ hiểm họa. Sự hạn chế của bất kỳ yếu tố nào cũng có thể làm giảm hiệu quả của hệ thống.
Tại Việt Nam, ngành khí tượng đã có nhiều công cụ hỗ trợ như các ảnh mây vệ tinh, ảnh radar và những mô hình dự báo thời tiết từ hạn cực ngắn đến dự báo từng ngày và cả những mô hình dự báo khí hậu, cho nên các dự báo, cảnh báo khí tượng ngày càng sát với thực tế. Tuy nhiên, các ảnh mây, ảnh radar và mô hình dự báo dù hiện đại đến đâu cũng vẫn có những hạn chế nhất định, càng dự báo xa sai số dự báo càng lớn.
Việt Nam cần đầu tư hệ thống cảnh báo thiên tai hiện đại, nhằm đưa ra cảnh báo nhanh chóng, chính xác nhất để dự báo thiên tai
Vì vậy, để nâng cao chất lượng công tác dự báo, ngành khí tượng thủy văn cần mở rộng số điểm quan trắc cũng như cần có sự liên kết với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới để học hỏi và phát triển các mô hình dự báo thời tiết, khí hậu, đồng thời tích cực đổi mới công tác truyền tin trên các nền tảng thông tin khác nhau nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Công tác cảnh báo sớm phải đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ sở dữ liệu vào thực tế để phục vụ các hoạt động ứng phó thiên tai. Điển hình như việc chủ động lập phương án ứng phó với các loại thiên tai tại TP Đà Nẵng, mỗi khi Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia phát bản tin dự báo bão có khả năng ảnh hưởng đến Đà Nẵng, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố dễ dàng có ngay số lượng các hộ dân, nhân khẩu cần sơ tán đến nơi an toàn ứng với các cấp bão.
Đặc biệt, địa phương này đã phối hợp Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ lắp đặt các trạm đo mực nước sông Túy Loan; sông Cu Đê để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo lũ, nhất là cảnh báo lũ quét...
Trong thời gian tới, Tổng cục Phòng chống thiên tai sẽ triển khai, xây dựng mô hình liên thông, tích hợp được với chuỗi dữ liệu các bộ, ngành và kể cả của Chính phủ, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo, từ dữ liệu khổng lồ có thể tự động phân tích để đưa ra các khuyến cáo, chỉ đạo cho phù hợp. Khi những thông tin cảnh báo sớm được đưa ra, người dân ở những vùng chịu ảnh hưởng có đủ thời gian để chuẩn bị, hành động kịp thời, nhờ đó có thể bảo vệ sinh kế và cuộc sống của chính mình
Cùng đó, cơ quan chức năng cần phải đánh giá, rà soát vấn đề ngập lụt tại các tuyến đường giao thông, sạt lở bờ sông, bờ biển, lũ quét, sạt lở đất, hướng dẫn xây dựng các kịch bản ứng phó thiên tai phù hợp để có những giải pháp hiệu quả, từ đó nâng cao tính chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai.
Tuấn Dương
Bình luận