Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Thứ ba, 26/11/2024 05:11
TMO - Giữa bối cảnh bùng nổ công nghệ số, nhu cầu trong khám phá, tìm hiểu sâu rộng các hiện vật, cũng như các di sản văn hoá của người dân ngày càng cao. Để đáp ứng được yêu cầu đó, bảo tàng TP.Đà Nẵng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, công nghệ thực tế ảo…tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho du khách tham quan.
Nếu như trước đây, khi tham quan bảo tàng, nhiều người thường cảm thấy ngần ngại bởi sự khô cứng của các hiện vật hay không gian trưng bày thiếu sự hấp dẫn, thì hiện nay, cùng với những nỗ lực thay đổi trong cách trưng bày, sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, không gian số hóa đã khiến nhiều bảo tàng, trong đó có bảo tàng TP.Đà Nẵng trở thành bảo tàng thông minh, thu hút đông đảo khách tham quan.
Cụ thể, tại các bảo tàng TP.Đà Nẵng đã ứng dụng công nghệ thực tế ảo, công nghệ số vào các hoạt động triển lãm nghệ thuật. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp cận khách tham quan về cả chiều rộng và chiều sâu, mở thêm không gian trưng bày mới tăng sức hút đang là những nỗ lực của các bảo tàng trên địa bàn TP. Đà Nẵng để thu hút du khách, đặc biệt là du khách quốc tế.
Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng trực tiếp quản lý Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Chăm và Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Quân khu 5 - Bảo tàng Chi nhánh Hồ Chí Minh tại Đà Nẵng cùng những bảo tàng ngoài công lập. Theo Sở Văn hóa và Thể thao, hoạt động bảo tàng trong thời gian qua phát triển về cả số lượng và chất lượng hoạt động.
Bên cạnh các phương thức hoạt động truyền thống thì gần đây các bảo tàng còn chú trọng vào chuyện giáo dục, tìm cách để bảo tàng đi vào đời sống của học sinh, thanh niên và các hội đoàn thể. Một số bảo tàng ở Đà Nẵng còn đưa những chuyên đề về đến tận cơ sở, giới thiệu những nội dung hoạt động của bảo tàng tại các địa bàn dân cư.
Một số bảo tàng có đặc thù như Bảo tàng Mỹ thuật còn có những chương trình như vận động sáng tác, tổ chức sáng tác trực họa phù hợp với sinh hoạt của nghệ sĩ nhằm bảo tồn các giá trị nghệ thuật lâu đời. Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng cho biết, công tác truyền thông và vận động sự hiến tặng của các nhà sưu tập trong và ngoài nước đã góp phần rất lớn trong sự phát triển của các bảo tàng.
Gần đây nhất có bộ sưu tập của Lê Bá Đảng do ông bà Lê Tất Luyện và Thụy Khuê hiến tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Trước đó nữa có những nhà sưu tập rất lớn của Nhật Bản sở hữu rất nhiều tác phẩm mỹ thuật của Việt Nam và Đông Dương. Qua đó khẳng định năng lực quản lý, lan tỏa của bảo tàng.
Đầu tháng 11 vừa qua, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã chính thức ra mắt không gian trưng bày nghệ thuật Lê Bá Đảng do ông bà Thụy Khuê - Lê Tất Luyện hiến tặng. Không gian này trưng bày 38 hiện vật và 113 tư liệu nghệ thuật Lê Bá Đảng. Đây là một trong những thành công to lớn đối với bảo tàng trẻ như Bảo tàng Mỹ thuật.
Từ đầu năm đến nay, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã tổ chức hơn 10 sự kiện triển lãm với hơn 20.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham dự. Trước đó, năm 2023, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cũng ứng dụng công nghệ VR360 vào các hoạt động triển lãm, trưng bày của đơn vị này.
Thông qua công nghệ VR360, người dùng có thể di chuyển, khám phá, cảm nhận và trải nghiệm một cách chân thực nhất bằng những thao tác như tiến, lùi, quay trái, phải để có được những góc nhìn chân thật nhất tại bảo tàng. Theo Lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, ngoài việc ứng dụng công nghệ số, công nghệ thực tế ảo trong việc tham quan thì Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng còn đẩy mạnh việc truyền thông qua các triển lãm, biểu diễn nghệ thuật.
Du khách tham quan hiện vật tại bảo tàng trên địa bàn TP.Đà Nẵng. (Ảnh minh hoạ: BND).
Lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng chia sẻ thêm, vì mỹ thuật, văn hóa là những hoạt động tạo nên chiều sâu cho bản sắc của thành phố Đà Nẵng nên thời gian qua Bảo tàng Mỹ thuật luôn chú trọng việc phải làm thế nào để giáo dục nâng cao về thị hiếu thẩm mỹ, giáo dục về tinh thần, tình yêu quê hương đất nước. Ngoài các bộ sưu tập của bảo tàng, đơn vị cũng quan tâm sưu tầm những tác phẩm nghệ thuật, ký họa, điêu khắc có đề tài về cách mạng, tinh thần yêu nước.
Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, thu hút nhiều hơn sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước, trong thời gian tới, TP.Đà Nẵng nói riêng và Nhà nước nói chung, cần phải có những cơ chế, chính sách phù hợp hơn nữa để thu hút các nguồn vốn xã hội hóa, đẩy mạnh hợp tác công - tư, đặc biệt trong lĩnh vực phát huy giá trị hiện vật bảo tàng trên nền tảng số.
Bởi khi có những cơ chế, chính sách, các bảo tàng sẽ có cơ hội lựa chọn được nhiều đối tác phù hợp, chất lượng. Bên cạnh đó, có khả năng áp dụng công nghệ hiện đại, cập nhật kịp thời cũng như đoán định các xu hướng công nghệ trên thế giới để đáp ứng nhu cầu hoạt động của bảo tàng cũng như nhu cầu thưởng lãm của công chúng. Đồng thời, cần phải tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong quá trình xây dựng các nội dung trưng bày để khi ứng dụng công nghệ vào sẽ tạo nên sự hấp dẫn hơn với du khách thăm quan.
Đà Nẵng đang nỗ lực xây dựng và đẩy mạnh chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa, di sản. Ngành văn hóa, thể thao Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025, các bảo tàng, công trình kiến trúc-văn hóa mang giá trị lịch sử trên địa bàn thành phố thực hiện 100% ứng dụng thuyết minh trên thiết bị di động thông minh và công nghệ thực tế ảo; xây dựng hệ thống thư viện số thành phố… Tiếp cận giá trị văn hóa di sản từ hệ thống các bảo tàng thông qua công tác số hóa bảo tàng không chỉ giúp người dân, du khách hiểu biết hơn về mảnh đất, con người Đà Nẵng, mà còn góp phần giữ gìn, lan tỏa các giá trị đó trên không gian số.
Ngọc Lan
Bình luận