Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 21:11
Thứ bảy, 08/06/2024 07:06
TMO - Tỉnh Tuyên Quang xác định, phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng; tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Tỉnh Tuyên Quang hiện có hơn 448,681 ha đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 46.934 ha rừng đặc dụng, hơn 121.629 ha rừng phòng hộ, hơn 280.117 ha rừng sản xuất. Tỉnh đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia phát triển rừng. Tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2025; hoàn thành quy hoạch phân ba loại rừng và tích hợp vào quy hoạch phát triển lâm nghiệp quốc gia.
Những năm gần đây, kinh tế lâm nghiệp của tỉnh có bước phát triển nổi bật, thế mạnh ngành lâm nghiệp từng bước được phát huy, tỉnh đã sớm triển khai điều chỉnh hợp lý quy hoạch phân ba loại rừng, phê duyệt quy hoạch vùng cung cấp nguyên liệu cho năm nhà máy chế biến lớn trong tỉnh với diện tích hơn 200.000 ha, giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về giống cây lâm nghiệp, bảo vệ rừng, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; đào tạo lao động…
Địa phương này đã hình thành vùng nguyên liệu rừng trồng hơn 190.000 ha; sản lượng khai thác hằng năm hơn một triệu mét khối gỗ, là một trong những tỉnh đứng đầu trong cả nước về sản lượng khai thác; hằng năm trồng mới hơn 11.000 ha rừng; tính đến tháng 8/2023 có hơn 48.318 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; tỷ lệ che phủ rừng luôn duy trì hơn 65%, đứng thứ ba cả nước. Tỉnh đã thu hút được tám nhà đầu tư liên kết xây dựng các nhà máy chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm từ gỗ rừng trồng như: giấy, bột giấy, đồ gỗ nội thất cao cấp, ván công nghiệp, viên nén năng lượng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, châu Âu, Mỹ.
Tỉnh ủy Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết 36-NQ/TU phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, nêu rõ phát triển lâm nghiệp bền vững dựa trên tiềm năng, lợi thế, kế thừa thành quả, kinh nghiệm của những năm vừa qua. Đồng thời, quản lý, bảo vệ chặt chẽ, phục hồi hiệu quả diện tích rừng tự nhiên; bảo tồn và phát huy giá trị về đa dạng sinh học của diện tích rừng tự nhiên, phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái; đến năm 2025, đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch sinh thái.
Từ việc bảo vệ rừng hiệu quả, địa phương này đã khai thác phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.
Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, địa phương đã có chủ trương xây dựng đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon rừng. Đây là hướng đi mới trong phát triển kinh tế rừng của tỉnh. Nhằm đẩy mạnh khai thác nguồn lợi từ tín chỉ carbon rừng, địa phương này tăng cường công tác bảo vệ, phát triển và nâng cao chất lượng rừng. Toàn tỉnh Tuyên Quang có hơn 2000 tổ đội bảo vệ rừng với gần 20 nghìn thành viên. Năm 2023, tỉnh đã trồng được 11.648,97 ha rừng, vượt 15,3% kế hoạch, chiếm 12,4% diện tích rừng trồng mới khu vực phía Bắc, chiếm hơn 4,6% diện tích rừng trồng mới của cả nước.
Tuyên Quang có độ che phủ rừng tới 65%, dưới tán rừng có nhiều loài cây dược liệu quý mọc tự nhiên. Thống kê từ Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, toàn tỉnh có gần 150 ha trồng cây dược liệu, trong đó có nhiều loài cây có giá trị kinh tế cao như: Giảo cổ lam, cát sâm, sâm bố chính, đinh lăng, sachi, quế, nghệ, xạ đen, cà gai leo, hà thủ ô…
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Tuyên Quang trồng cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên được 1.200 ha. Mở rộng phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế, tỉnh đã thực hiện 10 đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh, cấp huyện về phát triển cây dược liệu, trong đó có nhiều dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng như thâm canh cây sa nhân, thảo quả, ba kích, xạ đen, cà gai leo. Tỉnh cũng đã hình thành được 11 mô hình liêu kết trồng cây dược liệu và bao tiêu sản phẩm…
Trên địa bàn Tuyên Quang hiện có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên thuộc huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên. Huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang cũng tiếp giáp với Vườn quốc gia Tam Đảo. Với khoảng hơn 2.000 loài động, thực vật, trong đó một số loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam và Thế giới như: Vọc đen má trắng, Vọc mũi hếch. Các loài gỗ quý như nghiến, lát hoa, đinh, thông tre, hoàng đàn, nhiều loài lan và hàng trăm loại cây thuốc quý…
Nghị quyết số 36 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch sinh thái và cây dược liệu dưới tán rừng. Tuyên Quang đã ban hành nhiều kế hoạch, chính sách cơ chế để phát huy thế mạnh lâm nghiệp của địa phương không chỉ phát triển quy mô sản xuất còn tạo nền tảng vững chắc cho tỉnh phát triển lâm nghiệp bền vững, giúp người dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế từ đó giảm các hành vi khai thác động, thực vật rừng.
Để tiếp tục phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng địa phương này tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp.
Nhằm khai thác, phát huy hiệu quả giá trị tài nguyên rừng, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND về thực hiện Quyết định 208/QĐ-TTg ngày 29/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể: Phát triển bền vững nguồn cung nguyên liệu gỗ thông qua việc tổ chức thâm canh, mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn để đảm bảo chủ động cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ; góp phần nâng cao năng suất, giá trị của rừng trồng và giá trị gia tăng của ngành chế biến gỗ. Phấn đấu sản lượng gỗ nguyên liệu khai thác giai đoạn đến 2025 bình quân khai thác trên 1.100.000 m3/năm, giai đoạn 2026-2030 bình quân khai thác trên 1.300.000 m3/năm; 100% gỗ và sản phẩm gỗ có sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Phát triển bền vững lâm sản ngoài gỗ, dược liệu bền vững theo chuỗi giá trị và nâng cao giá trị lâm sản ngoài gỗ, dược liệu được chế biến trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông, lâm, ngư kết hợp hiệu quả, bền vững trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của từng khu vực trong tỉnh gắn với phát huy có hiệu quả tri thức bản địa nhằm nâng cao giá trị gia tăng từ rừng, tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ; đến năm 2030 giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác được gia tăng từ 20% trở lên ngoài giá trị gỗ rừng trồng.
Phát triển dịch vụ môi trường rừng trên cơ sở các quy định của Nhà nước và điều kiện thực tế của tỉnh; đồng thời quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn từ dịch vụ môi trường rừng đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật; triển khai hiệu quả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng và giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh trên địa bàn theo quy định; phấn đấu cùng cả nước đảm bảo nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng tăng trưởng ổn định.
Phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bền vững, tập trung tại các địa bàn có rừng, có tài nguyên và tiềm năng du lịch. Phát huy tiềm năng, lợi thế, khai thác các giá trị về tài nguyên thiên nhiên, truyền thống văn hóa, tri thức bản địa; mở rộng các loại hình du lịch, quan tâm phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử và tri thức bản địa của cộng đồng địa phương. Phấn đấu nguồn thu từ hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí đến năm 2030 tăng 50% so với năm 2020, tăng 100% vào năm 2050. Nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng; duy trì ổn định diện tích rừng đặc dụng; triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động của Chính phủ về bảo tồn các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm của Việt Nam tại địa phương.
Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh sẽ phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp và nâng cao giá trị cho ngành chế biến gỗ; phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu; phát triển các hình thức nông, lâm, ngư kết hợp; phát triển dịch vụ môi trường rừng; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; thông tin, truyền thông.
Theo đó, địa phương này tiếp tục duy trì, phát triển vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung trong tỉnh, có sự liên kết chặt chẽ với các địa phương trong khu vực; tập trung phát triển rừng gỗ lớn, chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn tại các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa và thành phố Tuyên Quang. Ứng dụng công nghệ chế biến tinh, chế biến sâu; tận dụng phế phụ phẩm trong chế biến gỗ; phấn đấu hình thành kinh tế tuần hoàn trong ngành sản xuất lâm nghiệp; giảm dần tỷ trọng các sản phẩm chế biến thô; khuyến khích sản xuất và sử dụng các sản phẩm từ gỗ từ rừng trồng tại địa phương…
Phát triển các cơ sở, nhà máy chế biến sản phẩm hàng hóa thương mại gắn kết với sản xuất nguyên liệu tập trung theo chuỗi giá trị đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường; đa dạng hóa sản phẩm; xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm ngành nghề thủ công mỹ nghệ gắn với nguyên liệu từ rừng, xây dựng các sản phẩm OCOP về dược liệu, sản phẩm phù hợp với nét đặc trưng về bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số…
Tăng cường thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng bền vững, hiệu quả; lựa chọn các loài cây trồng, vật nuôi có giá trị cao, đa mục đích phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu, thị hiếu của thị trường; sản xuất và thương mại các sản phẩm nông, lâm, thủy sản không gây mất rừng và ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng…Phát triển dịch vụ môi trường rừng, đa dạng hóa và mở rộng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng phù hợp với quy định của pháp luật, đặc biệt là dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh…
Tạo lập môi trường, điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường hợp tác giữa chủ rừng với cộng đồng địa phương, khuyến khích cộng đồng tham gia vào quá trình lập kế hoạch, quản lý du lịch, cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch. Phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc sắc gắn với giá trị cảnh quan thiên nhiên tại các khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử, khu bảo tồn và các khu rừng phòng hộ, như: Tân Trào, Na Hang, Lâm Bình, Cham Chu,.. có tính kết nối vùng, liên vùng tạo nên các sản phẩm, hoạt động, thương hiệu du lịch gắn với văn hóa truyền thống địa phương, vùng địa lý.../
Thu Quỳnh
Bình luận