Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 12:11
Thứ hai, 01/01/2024 06:01
TMO - Thời gian qua, huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ rừng trong đó có vận động bà con thực hiện chương trình trồng rừng thay thế bằng cây bản địa, đến nay đã có hơn 200 hộ dân thực hiện công tác phủ xanh đất trống.
Tuyên Hóa là một huyện phía tây của tỉnh Quảng Bình có trên 94.000 ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, phân bổ khắp các xã, thi trấn. Rừng nơi đây có trữ lượng gỗ lớn, gỗ quý như dạ hương, cánh kiến, lim, gõ, mun, dổi... Trước đây, trình trạng khai thác, phá rừng trái phép trên địa bàn huyện vẫn diễn ra nhất là các địa bàn trọng điểm như Cao Quảng, Kim Hoá, Lâm Hoá, Hương Hoá, Tiến Hoá, Sơn Hoá…
Trong những năm qua, lực lượng chức năng của huyện Tuyên Hóa phát hiện nhiều hộp gỗ đã bị lâm tặc đốn hạ, cưa xẻ và chuẩn bị đưa ra khỏi rừng. Đến nay, toàn huyện Tuyên Hoá có tổng diện tích rừng tự nhiên bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm chuyển đổi mục đích sử dụng trên địa bàn 19 xã, thị trấn là 3.745ha. Trong đó, diện tích rừng bị phá, rừng tự ý chuyển đổi sai mục đích trên 2.443ha; đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trên 1.302ha.
Cán bộ ngành kiểm lâm huyện Tuyên Hoá hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng bằng cây bản địa. Ảnh: XV.
Thực hiện chỉ thị số 03/CT- UBND tỉnh về tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý rừng, quản lý đất lâm nghiệp và phòng cháy chữa cháy rừng. Thời gian qua, huyện Tuyên Hoá đã truyên truyền các hộ vi phạm, yêu cầu người dân ký cam kết khai thác rừng trồng trên đất vi phạm phải trồng lại rừng bằng cây bản địa. Mục tiêu của dự án là khôi phục rừng tự nhiên bằng hình thức trồng cây bản địa với nguồn vốn được vận động từ cộng đồng. Người dân tham gia trồng rừng được dự án hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật và chi phí trồng, chăm sóc rừng đến năm thứ 3. Ngoài trồng rừng, người dân địa phương cũng có thể trồng cây ngắn ngày, cây thuốc nam và thực hiện mô hình nông lâm kết hợp dưới tán rừng để đảm bảo cuộc sống trước mắt và lâu dài.
Nhờ đó, đến nay đã có 213 hộ đăng ký trồng lại rừng bằng cây bản địa trên đất vi phạm với diện tích trên 398,5ha. Diện tích trồng rừng mới bằng cây bản địa tập trung ở các xã: Hương Hoá 19 ha, Tiến Hoá 21 ha, Sơn Hoá 5ha. Giống cây được trồng chủ yếu là lim xanh, lát, huynh, dổi, huê.. từ sự hỗ trợ từ chương trình trồng rừng đầu nguồn sông Gianh và chương trình trồng rừng thay thế. Ngoài sự hỗ trợ từ chương trình thì một số hộ dân trên địa bàn huyện cũng mạnh dạn đầu tư trồng rừng cây bản địa với diện tích khoảng 100ha tại xã Hương Hoá, Thanh Hoá, Cao Quảng. Nhờ đó, toàn huyện Tuyên Hoá có gần 500 ha rừng trồng bằng cây bản địa.
Ngoài kết quả trồng rừng đã đạt được, công tác trồng, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Tuyên Hoá còn có những khó khăn nhất định. Số lượng rừng trồng chưa cao, vướng mắc trước đây trên đất lấn chiếm đã được người dân trồng cây keo do đó nhiều hộ gia đình chưa triển khai dự án trồng rừng thay thế ngay được. Theo chính quyền địa phương huyện Tuyên Hoá thì huyện cũng đã có những phương án xử lý phù hợp, tiếp tục truyên truyền, vận động đến cuối 2024 trường hợp chủ rừng vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt, không trồng lại rừng bằng cây bản địa thì lập hồ sơ thu hồi đất theo đúng quy định.
Người dân tham gia trồng rừng được dự án hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật và chi phí trồng, chăm sóc rừng đến năm thứ 3.
Thời gian qua, huyện Tuyên Hóa khuyến khích người dân bảo vệ và trồng rừng gỗ lớn bằng những giống cây bản địa, góp phần phát triển rừng bền vững. Chính quyền địa phương và các tổ chức khác hỗ trợ 100% giống cây bản địa như lim, dổi, sưa… Những cánh rừng cây bản địa không phải trồng để bán gỗ rừng mà nhiều gia đình đã có thu nhập nhờ trồng cây ngắn ngày, cây dược liệu dưới tán rừng.
Năm 2023, tỉnh Quảng Bình trồng mới 9.000 ha rừng tập trung và hàng triệu cây phân tán nhằm tiếp tục nâng cao độ che phủ rừng. Nhờ làm tốt công tác bảo vệ rừng tự nhiên, tỷ lệ che phủ rừng tại Quảng Bình đạt 68%, đứng thứ 2 cả nước. Trồng rừng và bảo vệ rừng là 2 nhiệm vụ quan trọng đễ giữ gìn độ che phủ, giữ màu xanh của rừng. Theo lộ trình, đến năm 2025, vùng rừng trồng nguyên liệu của tỉnh Quảng Bình có hơn 100.000 ha, trong đó, diện tích rừng gỗ lớn trên 16.200 ha.
Theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2023-2025, tỉnh Quảng Bình chuyển nhượng hơn 2,4 triệu tấn tín chỉ carbon rừng cho Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế và được chi trả khoảng 235 tỷ đồng. Riêng năm 2023, tỉnh Quảng Bình được chi trả hơn 82,4 tỷ đồng từ việc bán tín chỉ carbon rừng. Các nội dung chi trả bao gồm: Hỗ trợ các hoạt động lâm nghiệp để giảm phát thải khí nhà kính; Hoạt động đóng góp trực tiếp cho giảm phát thải khí nhà kính, gồm: Bảo vệ rừng tự nhiên, khoán bảo vệ rừng tự nhiên; Các biện pháp lâm sinh; Hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế; Hoạt động quản lý.
Nguyễn Hoàng
Bình luận