Hotline: 0941068156
Thứ hai, 16/09/2024 10:09
Thứ ba, 21/02/2023 10:02
TMO - Những năm qua, Trường Phục hồi chức năng và Dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu (Hưng Yên) đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm lo và động viên người khuyết tật để họ có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống, vượt qua mặc cảm bản thân, từng bước hòa nhập cộng đồng.
Trường Phục hồi chức năng và Dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu (Hưng Yên) đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm lo và động viên người khuyết tật.
Chú trọng dạy văn hoá song song dạy nghề
Người khuyết tật ở Việt Nam ngày càng nhận được sự quan tâm, chăm sóc, trợ giúp về nhiều mặt. Tuy nhiên, để người khuyết tật tự tin hòa nhập, chủ động vươn lên trong cuộc sống, tạo việc làm cho nhóm lao động đặc thù được nhà trường hết sức quan tâm.
Nhà trường triển khai phương pháp giảng dạy cho phù hợp, kết hợp với đồ dùng trực quan và các phương tiện dạy học để các em dễ hiểu bài.
Năm học 2022-2023 nhà trường đã tiếp nhận 200 học sinh khuyết tật trong biên chế và 35 học sinh dự thính can thiệp ngoài cộng đồng vào học tại trường. Với độ tuổi từ 06 đến 18 tuổi, được phân thành 16 lớp học văn hoá theo chương trình giáo dục đặc biệt bậc Tiểu học, 05 lớp can thiệp cá nhân và 01 lớp thư viện đồ chơi. Do lứa tuổi của các em ở mỗi lớp không đồng đều, mức độ nhận thức khác nhau do vậy giáo viên phải hiểu tâm lý của từng em để có phương pháp giảng dạy cho phù hợp, kết hợp với đồ dùng trực quan và các phương tiện dạy học để các em dễ hiểu bài.
Theo bà Nguyễn Thị Lan- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Các em đều là học sinh chậm nhớ, mau quên, nhiều em không làm chủ được hành vi của mình. Song với lòng nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm các đồng chí cán bộ giáo viên đã cố gắng học hỏi kinh nghiệm, tham mưu với lãnh đạo nhà trường và phòng chuyên môn để có chương trình giảng dạy phù hợp.
Cùng với việc dạy văn hoá, nhà trường chú trọng đến việc dạy nghề cho các em học sinh.
Song song với việc dạy văn hoá, việc dạy nghề cho các em là nhiệm vụ rất quan trọng và cũng rất khó khăn. Từ 13 tuổi trở lên các em được học một số nghề như: May, thêu ren, cơ khí, tin học, làm hoa lụa....bằng sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm của các thầy cô giáo. Mặc dù kinh phí dành cho học nghề còn rất hạn hẹp, trang thiết bị còn thiếu thốn, nhưng nhà trường đã cố gắng để dạy các em đạt kết quả tốt. Nhiều em đã trưởng thành và phát huy được các nghề đã học có thu nhập từ 5.000.000đ đến 7.000.000 đ/ tháng. Một số em đã xây dựng được hạnh phúc gia đình, góp phần làm giảm bớt khó khăn cho gia đình và xã hội.
Nhà trường luôn quan tâm đến công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, phối hợp với giảng viên của Trung tâm giáo dục đặc biệt quốc gia - Viện khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức lớp tập huấn để nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn cho giáo viên.
Để người khuyết tật hoà nhập cộng đồng
Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh Hưng Yên hiện có trên 24 nghìn người khuyết tật, trong đó có trên 18,5 nghìn người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng, còn lại là người khuyết tật nhẹ. Những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thành lập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội; tổ chức tư vấn, hướng dẫn người khuyết tật và gia đình làm hồ sơ theo quy định. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật.
Nhà trường chú trọng quan tâm chăm lo cuộc sống của các học sinh khuyết tật.
Cùng với sự quan tâm chăm lo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tầng lớp Nhân dân đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần giúp người khuyết tật ổn định cuộc sống, xóa bỏ mặc cảm, tự ti, vươn lên hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội…Từ sự quan tâm, chăm lo đó và sự nỗ lực của bản thân, nhiều người khuyết tật đã vươn lên hòa nhập cuộc sống.
Các sự kiện gắn với dịp đặc biệt được đều đặn tổ chức nhằm giúp các học sinh từng bước hòa nhập cộng đồng.
Trăn trở với công tác nhiều năm qua, bà Nguyễn Thị Lan cho biết: Làm công tác hội mới thấu hiểu được sự vất vả của người khuyết tật, chính sự tận tình, trách nhiệm của cán bộ hội đã góp phần giúp họ vơi đi những mặc cảm, khó khăn để vươn lên, trở thành những tấm gương sống đầy nghị lực, có ích cho xã hội.
Để làm tốt nhiệm vụ của mình, thời gian tới, Trường Phục hồi chức năng và Dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu tiếp tục tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật còn khả năng lao động; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng xã hội về các hoạt động trợ giúp người khuyết tật; tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm và cộng đồng xã hội tích cực tham gia xây dựng quỹ hội, góp phần nâng cao đời sống những người yếu thế, giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống.
Kiều Hiếu
Bình luận