Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 19:11
Thứ ba, 11/07/2023 13:07
TMO - Trồng rừng gỗ lớn là chủ trương lớn và cũng là giải pháp quan trọng để cơ cấu lại ngành lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên-Huế xác định, trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng bền vững FSC còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu.
Thừa Thiên-Huế là địa phương có tiềm năng và lợi thế sản xuất kinh doanh rừng trồng, đặc biệt là rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng bền vững FSC. Toàn tỉnh có gần 99.000 ha rừng trồng, với sản lượng khai thác hằng năm đạt khoảng 600.000 m3. Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, cho phép hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp để đẩy mạnh tuyên truyền và chuyển đổi trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu từ rừng, nhất là các hộ dân tại các vùng núi và vùng gò đồi.
Tính đến năm 2022, diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn trên địa bàn tỉnh đạt 11.316,55 ha, trong đó có 394,69 ha rừng trồng sản xuất các loài cây bản địa; 10.921,86 ha rừng trồng sản xuất gỗ các loài Keo. Diện tích được cấp chứng chỉ FSC đã tăng thêm 592 ha nâng tổng diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững toàn tỉnh đạt 11.300,72 ha. Trong đó, diện tích có chứng chỉ FSC: 10.484,15 ha, diện tích có chứng chỉ VFCS/PEFC là 816,57 ha.
Thu hoạch rừng gỗ lớn đạt chứng chỉ FSC tại HTX trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong bối cảnh đóng cửa hoàn toàn rừng tự nhiên, ngành lâm nghiệp đang tập trung nâng cao chất lượng rừng trồng định hướng kinh doanh rừng trồng gỗ lớn thay thế cho nguyên liệu gỗ gia dụng, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đây được xác định là hướng đi mới, nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích đất lâm nghiệp, cải thiện thu nhập cho các hộ lâm dân, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Việc tăng thêm diện tích rừng trồng gỗ lớn, nhất là đối với loài Keo để đa dạng hóa sản phẩm gỗ rừng trồng, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh rừng trồng tham gia chứng chỉ rừng bền vững FSC để gia tăng giá trị sản phẩm gỗ và lâm sản là nhiệm vụ ưu tiên hiện nay của địa phương.
Tuy nhiên, những thách thức như thiên tai, dịch bệnh, chính sách về lâm nghiệp chưa kịp với yêu cầu thực tiễn, thị trường lâm sản biến động thất thường, thiếu các mô hình trình diễn… đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh phát triển rừng trồng gỗ lớn. Trên cơ sở đó, các đại biểu đề xuất các giải pháp tối ưu trong quá trình thực hiện hoạt động trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn ở tỉnh.
Để thực hiện kế hoạch trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng FSC đạt hiệu quả cao trong thời gian tới,UBND tỉnh đề nghị ngành lâm nghiệp tiếp tục phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về hiệu quả của trồng và chuyển hóa rừng trồng sản xuất gỗ lớn; vận động chủ rừng tham gia thực hiện trồng và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Ưu tiên nguồn kinh phí để trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn; Nghiên cứu khảo nghiệm áp dụng các giống trồng rừng có năng suất sản lượng cao; các mô hình trồng xen để hạn chế sâu bệnh hại rừng, hạn chế rủi ro cho người trồng rừng. Nghiên cứu tham mưu áp dụng chính sách bảo hiểm rừng trồng trên địa bàn tỉnh để người dân yên tâm tham gia trồng rừng gỗ lớn.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế phấn đấu giai đoạn 2021-2025 phát triển thêm khoảng 9.900 ha rừng trồng, trong đó có khoảng 1.200 ha rừng đạt tiêu chuẩn rừng trồng gỗ lớn theo quy định của Bộ Nông nghiệp. Kết quả trồng rừng gỗ lớn tại các địa phương trên địa bàn tỉnh cho thấy, trước đây trồng rừng gỗ nhỏ, khoảng 3 - 5 năm sẽ cho thu hoạch, doanh thu đạt từ 70 - 80 triệu đồng/ha. Sau khi chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn, mỗi ha rừng cho thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng.
Bên cạnh đó, khi tham gia trồng rừng gỗ lớn, các hộ sản xuất còn được tập huấn nâng cao kiến thức trồng rừng, bảo vệ môi trường rừng, đất. Để hỗ trợ về kỹ thuật và tiếp cận nguồn vốn cho người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, Hội Chủ rừng phát triển bền vững tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai thành lập các hợp tác xã lâm nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị. Các hợp tác xã này có vai trò trực tiếp cung cấp các dịch vụ lâm nghiệp như phân bón, cây giống, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân trong suốt quá trình trồng và quản lý theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững.
Để duy trì chứng chỉ và nâng cao giá trị gia tăng từ rừng trồng, cùng với việc đầu tư phát triển diện tích trồng rừng FSC, các hợp tác xã lâm nghiệp bền vững cần phải tập trung vào mảng chế biến gỗ, lâm sản để nâng cao giá trị gia tăng và bảo đảm kết nối tiêu thụ toàn bộ sản phẩm đầu ra. Đồng thời, tiến đến hình thành Liên hiệp các Hợp tác xã lâm nghiệp bền vững nhằm thúc đẩy, hỗ trợ cho người dân tiêu thụ nội địa và trực tiếp xuất khẩu gỗ ra thị trường nước ngoài.
Trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng bền vững FSC góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu.
Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, hiện nay các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ đã chủ động được gần 80% nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến lâm sản cho cả hai thị trường trong nước và xuất khẩu. Lượng gỗ phục vụ riêng chế biến gỗ xuất khẩu có từ hai nguồn: rừng trồng trong nước và nhập khẩu. Với gỗ rừng trồng trong nước chỉ có một phần sử dụng làm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, bởi vì mặc dù lượng gỗ rừng trồng có tăng nhưng tỷ lệ gỗ lớn, có chất lượng và chứng chỉ chưa cao. Với gỗ nhập khẩu từ hơn 100 quốc gia, gỗ có giá cao, làm tăng giá thành và đòi hỏi việc giám sát chặt chẽ để tránh các rủi ro về nguồn gốc.
Trước cơ chế, chính sách đã có nhiều thay đổi về thuế chống bán phá giá, yêu cầu giảm rủi ro về thương mại, Hiệp định Ðối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), ngành chế biến gỗ phải đối mặt với nguồn nguyên liệu hợp pháp ngày một lớn hơn. Như vậy, thực tế đòi hỏi các địa phương phải trồng rừng gỗ lớn, hướng đến tự chủ nguồn nguyên liệu. Thời gian trồng rừng gỗ lớn từ 12 - 15 năm để chế biến làm gỗ xẻ, gỗ thanh, ván ép và tạo ra sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu thay vì chỉ trồng từ 5 - 7 năm làm nguyên liệu dăm, giấy xuất khẩu trong khu vực.
Giá trị lợi nhuận một hecta gỗ lớn cao hơn bình quân nhiều lần so với gỗ nhỏ, do chi phí đầu tư thấp hơn, giai đoạn về sau chủ yếu là chi phí bảo vệ rừng thay vì phải tái đầu tư chi phí giống, công trồng, chăm sóc. Ngoài ra, khi nói đến chức năng phòng hộ của rừng thì rừng gỗ lớn sẽ đóng vai trò quan trọng hơn so với rừng gỗ nhỏ, bởi vì khả năng chống xói mòn, chống sạt lở và rửa trôi đất cao hơn nhiều lần.
Với chủ trương phát triển rừng bền vững, Tổng cục Lâm nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, các địa phương triển khai áp dụng hệ thống quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, cam kết mạnh mẽ việc quản lý có trách nhiệm về kinh tế, xã hội và môi trường. Ðà tăng trưởng của ngành chế biến gỗ xuất khẩu trong những năm vừa qua và những năm tới đòi hỏi nhu cầu về nguyên liệu gỗ hợp pháp là rất lớn. Tổ chức trồng rừng gỗ lớn và quản lý rừng bền vững không chỉ mang lại những lợi ích tích cực về mặt kinh tế, bảo đảm cung ứng nguyên liệu cho chế biến gỗ xuất khẩu, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Ðể trồng rừng gỗ lớn đáp ứng các mục tiêu cơ bản nêu trên, các tổ chức, cá nhân trồng rừng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức.
Thùy Trang
Bình luận