Hotline: 0941068156
Thứ hai, 02/12/2024 21:12
Thứ bảy, 02/11/2024 11:11
TMO - Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, Vườn quốc gia U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) đã triển khai thực hiện trồng mới hơn 15.000 cây tràm nội để phát triển và phục hồi hệ sinh thái của rừng.
Vườn quốc gia U Minh Thượng là một trong ba khu vực trọng yếu của khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang sở hữu giá trị đa dạng sinh học bậc nhất tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với việc triển khai nhiều giải pháp từ địa phương, tỉnh Kiên Giang đẩy mạnh trồng mới cây rừng nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái tại khu vực này.
Gần đây nhất, nhằm mục tiêu phục hồi, bảo vệ hệ sinh thái rừng đầm lầy than bùn trước sự sụt giảm và hao hụt do biến đổi khí hậu và cháy rừng gây ra, hàng chục nghìn cây xanh đã được trồng mới tại Vườn quốc gia U Minh Thượng
Theo đó, trong giai đoạn 1, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cùng đơn vị doanh nghiệp phối hợp với Vườn quốc Gia U Minh Thượng đã tiến hành trồng 1ha rừng tràm đất phèn với 15.000 cây tràm nội (tràm cừ).
Trong suốt 3 năm tiếp theo, các đơn vị sẽ tiếp tục theo dõi, chăm sóc diện tích rừng tràm mới trồng, đảm bảo cây được sinh trưởng và phát triển tốt. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh – Vì một Việt Nam xanh, do Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan cùng thực hiện.
Qua đó, góp phần thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP-26 đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Lãnh đạo Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường cho rằng, biến đổi khí hậu tác động đến các hệ sinh thái, đa dạng sinh học, môi trường, gây ảnh hưởng trực triếp đến đời sống người dân.
Để ứng phó biến đổi khí hậu có nhiều cách, trong đó việc trồng cây bảo vệ môi trường, bảo vệ các hệ sinh thái đặc thù như Vườn quốc gia U Minh Thượng là điều cấp thiết. Lãnh đạo Vườn quốc gia U Minh Thượng cho biết, công tác bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn tính đa dạng sinh học luôn được đơn vị đặt lên hàng đầu.
Hiện nay, Vườn quốc gia U Minh Thượng đã hoàn thành hồ sơ thiết kế trồng 280ha rừng đặc dụng trên đất than bùn bị cháy và suy thoái, hơn 10,6ha rừng phòng hộ và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên 450ha. Gieo ươm 40.000 cây bản địa triển khai trồng 70ha rừng đặc dụng. Ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển rừng và sự nghiệp bảo vệ môi trường, Vườn quốc gia U Minh Thượng còn vận động các tổ chức quốc tế viện trợ không hoàn lại 2 dự án (giai đoạn từ 2024-2027) với tổng kinh phí hơn 11 tỷ đồng.
Bên cạnh đó còn tiến hành triển khai kiểm kê đa dạng sinh học, xây dựng quy trình điều tiết nước, giám sát các loài thú nguy cấp và tổ chức các lớp tập huấn về nâng cao năng lực bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư sống quanh vùng đệm đối với công tác bảo vệ rừng.
Vườn quốc gia U Minh Thượng trồng mới hơn 15.000 cây tràm nội để phục hồi hệ sinh thái rừng. (Ảnh minh hoạ).
Tăng cường sự tham gia, phối hợp của chính quyền địa phương, cộng đồng, các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ứng dụng phần mềm SMART (Spatial Monitoring and Reporting Tool) trong tất cả các cuộc tuần tra, kiểm soát vi phạm rừng và giám sát đa dạng sinh học.
Theo nghiên cứu của các ngành chức năng, trong hệ sinh thái rừng úng phèn của Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ còn duy nhất hệ thực vật rừng của vùng lõi thuộc Vườn quốc gia U Minh Thượng có những đặc điểm của rừng cực đỉnh nguyên sinh. Đó là các ưu hợp rừng tràm hỗn giao và rừng tràm trên đất than bùn, với diện tích gần 3.000ha. Với đặc điểm này, Vườn quốc gia U Minh Thượng là một trong hai khu vực quan trọng nhất của rừng đầm lầy than bùn còn lại ở Việt Nam.
Bên cạnh các giá trị về đa dạng sinh học, đây còn là nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa quan trọng, là căn cứ cách mạng qua các thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ của khu vực Tây Nam bộ.
Việc Vườn quốc gia U Minh Thượng triển khai thực hiện trồng mới hàng nghìn cây tràm nội bởi đây là loài cây có sức sống mãnh liệt, phù hợp thổ nhưỡng đất ngập phèn và điều kiện thời tiết tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Ngoài ra, cây tràm nội có khả năng chống xói mòn và hấp thụ lượng CO2e tốt hơn nhiều loại cây trồng khác.
Theo Ban thư ký Công ước Ramsar, khả năng hấp thụ CO2 ở các khu vực đất ngập nước có thể cao gấp 55 lần rừng nhiệt đới. Trong đó, cây tràm có khả năng hấp thụ CO2 từ 200 tấn/ha (đối với cây dưới 10 năm tuổi) đến 270 tấn/ha (đối với cây trên 10 năm tuổi). Bên cạnh đó, 1ha rừng tràm nội được trồng mới, trong tương lai sẽ góp phần “khóa" 120 tấn CO2e sau 5 năm và 240 tấn CO2e sau 10 năm. Dự tính này được đánh giá dựa trên kết quả của các nghiên cứu về sinh khối, khả năng hấp thụ carbon và lượng hấp thụ CO2e của các loài cây do trung tâm tổng hợp và thực hiện.
Thế Anh
Bình luận