Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 23:11
Thứ hai, 19/12/2022 06:12
TMO - UBND tỉnh Đồng Nai vừa hoàn thành Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí dự kiến hơn 5,1 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2025.
Theo đó, trong giai đoạn 2022-2025, đề án có tổng kinh phí dự kiến hơn 5,1 nghìn tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 sẽ được rà soát bổ sung phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn kinh phí từ kinh phí sự nghiệp môi trường (cấp tỉnh và cấp huyện) hơn 2,6 nghìn tỷ đồng; kinh phí xây dựng cơ bản hơn 129 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải hơn 2,3 nghìn tỷ đồng.
Về nguồn chi, đối với cấp tỉnh, Sở TN&MT sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường triển khai các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải khoảng 5 tỷ đồng. Đối với cấp huyện, UBND cấp huyện sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường và kinh phí xây dựng cơ bản cấp cho địa phương đầu tư cải tạo, xây dựng mới các trạm trung chuyển, lắp Camera giám sát hoạt động thu gom rác thải; bố trí khu vực, thùng chứa chất thải nguy hại trong sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp. Đối với các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sử dụng nguồn kinh phí của doanh nghiệp để nâng cấp phương tiện, công nghệ, nhà máy xử lý chất thải và đầu tư các hạng mục tái chế.
Tỉnh Đồng Nai hướng đến mục tiêu giảm chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng rác thải
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, hiện nay khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 2.018 tấn/ngày; tỷ lệ thu gom xử lý đạt 100%. CTRSH trên địa bàn Đồng Nai đang được xử lý tại 04 Khu xử lý chất thải (KXLCT) theo quy hoạch. Trong đó, KXLCT Quang Trung xử lý khoảng 1.200 tấn/ngày, KXLCT Vĩnh Tân 450 tấn/ngày, KXLCT Túc Trưng khoảng 110 tấn/ngày. Các dự án này đều đạt tỷ lệ chôn lấp CTRSH dưới 15% với phương pháp tái chế chất thải thành mùn compost, công suất cơ bản đáp ứng được khối lượng CTRSH phát sinh giai đoạn từ nay cho đến năm 2025.
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều khu xử lý rác đang trong quá trình sửa chữa, nâng cấp,.. nên hạn chế sức tiếp nhận rác. Trong đó, khu xử lý rác tại xã Quang Trung (huyện Thống Nhất) kiến nghị giảm công suất từ 1.200 tấn/ngày còn 800 tấn/ngày từ đầu năm 2023 để bảo dưỡng máy móc và đầu tư thêm một số công trình. Khu xử lý rác Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) xin tạm ngưng tiếp nhận rác để hoàn thiện hạ tầng. Khu xử lý rác Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) báo rằng khoảng 2-3 năm nữa hết đất chôn lấp rác. Khu xử lý Túc Trưng (huyện Định Quán) xin chủ trương đổi sang công nghệ đốt rác phát điện.
Đồng Nai đặt mục tiêu giảm chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt xuống còn khoảng 5%. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi ngoài Đề án, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 khu xử lý đã đảm bảo chôn lấp dưới 15%, một số khu đang đầu tư dây chuyền, lò đốt để được tham gia đấu thầu xử lý chất thải sinh hoạt. Bên cạnh đó, Đồng Nai đang đẩy mạnh thực hiện phân loại, tái chế và tái sử dụng chất thải. Ngoài ra, tỉnh đang triển khai dự án Nhà máy đốt rác phát điện quy mô 800 tấn/ngày (giai đoạn 1), dự án này sẽ giải quyết khoảng 50% tổng lượng rác phát sinh của toàn tỉnh. Tỉnh cũng cần các Bộ, ngành hỗ trợ định hướng công nghệ, quy chuẩn kỹ thuật, khung giá xử lý chất thải theo loại công nghệ đốt.
Phan Hoài
Bình luận