Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Thứ hai, 31/07/2023 07:07
TMO - Thời gian qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã thực hiện hiệu quả trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế góp phần thực hiện tốt Chỉ thị số 13/CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) có hiệu lực trên phạm vi cả nước từ ngày 1/1/2011 theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ đã khẳng định hướng đi đúng đắn, góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng và đồng bào các dân tộc thiểu số ở các vùng miền núi.
Việc triển khai thực hiện chính sách DVMTR đã phát huy hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thực tế, góp phần bảo vệ và phát triển diện tích rừng trên địa bàn theo chiều hướng bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rừng tự nhiên bị các tổ chức, cá nhân xâm hại. Ngoài tác động tích cực đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao ý thức giữ rừng và cải thiện đời sống của người dân, chính sách chi trả DVMTR còn góp phần hỗ trợ nguồn kinh phí hàng năm cho các đơn vị chủ rừng.
Hiện nay, việc ủy thác chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đang thực hiện ở hai nhóm đối tượng là thủy điện và nước sạch. Đối với lưu vực nội tỉnh đã trực tiếp ký 15/15 hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR, trong đó có 13 đơn vị thủy điện và 2 đơn vị nước sạch. Ngoài ra, có thêm hai lưu vực liên tỉnh là lưu vực thủy điện Sông Côn 2 và lưu vực thủy điện Đakrông 1,2,3,4 nằm trên địa bàn tỉnh.
Có 12 cộng đồng thôn, 38 nhóm hộ và 43 hộ gia đình, cá nhân được ký hợp đồng nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) của các ban quản lý rừng phòng hộ; trong đó số lượng thành viên tham gia là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 89% (831/931 hộ gia đình, cá nhân). Qua đó góp phần QLBVR hiệu quả, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho các hộ dân sống ven rừng tham gia công tác tuần tra, canh gác, bảo vệ rừng.
Việc triển khai hiệu quả chính sách chi trả DVMTR góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ, phát triển rừng từ người dân. Ảnh: QQ.
Theo thống kê từ Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, diện tích chi trả tiền DVMTR năm 2022 hơn 157.808ha rừng/282.750ha có rừng của tỉnh (chiếm 56%). Có 10 chủ rừng là tổ chức Nhà nước, 4 hạt kiểm lâm phối hợp quản lý phần diện tích chi trả DVMTR được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý và 631 chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình với tổng số tiền chi trả trên 71 tỷ đồng.
Thừa Thiên Huế là một trong 6 tỉnh vùng Bắc Trung bộ được tham gia thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ (ERPA) với Ngân hàng Thế giới (WB). Đây là hoạt động chi trả giảm phát thải dựa vào kết quả tiếp nối quá trình chuẩn bị, sẵn sàng thực thi REDD+ (giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng carbon rừng, quản lý rừng bền vững và tăng cường trữ lượng carbon rừng), tiến tới triển khai toàn diện về DVMTR theo quy định. Qua đó, huy động thêm nguồn thu cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh nhà.
Để đảm bảo tính bền vững của chính sách, với sự hỗ trợ của các dự án, tổ chức quốc tế, những năm qua, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đã ứng dụng nhiều công nghệ như ảnh viễn thám phục vụ công tác giám sát hiện trạng rừng; sử dụng hệ thống giám sát, đánh giá chính sách chi trả DVMTR trên nền tảng WebGIS, góp phần phục vụ hiệu quả trong công tác QLBVR trên địa bàn tỉnh, cũng như minh bạch hóa và công bằng trong hoạt động chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2014 đến nay, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh chi trả cho 645 chủ rừng trên địa bàn tỉnh với hơn 158,46 ngàn ha, chiếm 56% diện tích có rừng toàn tỉnh với số tiền hơn 322 tỷ đồng từ DVMTR. Trong đó, có 14 tổ chức, 5.758 là hộ gia đình, cá nhân tham gia quản lý bảo vệ rừng (có đến 66% là đồng bào dân tộc thiểu số).
Người dân cùng lực lượng kiểm lâm tham gia tuần tra bảo vệ rừng tại huyện A Lưới.
Tỉnh Thừa Thiên Huế có tổng diện tích tự nhiên 494.710,95 ha; diện tích đất có rừng là 305.560,09 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên 205.602,31 ha, rừng trồng 99.957,78 ha; tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh hiện nay đạt 57,15%. Hiện các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và công ty lâm nghiệp đang quản lý 200.450 ha rừng và đất rừng. Ngoài ra, thông qua Đề án giao rừng, tỉnh đã tiến hành giao 31.626,8 ha rừng tự nhiên cho các cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình, lực lượng vũ trang quản lý, bảo vệ, bao gồm: 88 cộng đồng, 225 nhóm hộ, 157 hộ gia đình và 02 Đồn Biên phòng.
Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều Chương trình, Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 13, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có nhiều chuyển biến tích cực.
Cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể đã thật sự quan tâm, thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trách nhiệm quản lý của các chủ rừng là cộng đồng dân cư, nhóm hộ và hộ gia đình được giao rừng, giao đất được nâng cao, phát huy hiệu quả sử dụng rừng, đất rừng, góp phần nâng cao thu nhập của người dân từ rừng.
Về phát triển rừng đã có những thành tích nhất định, nhất là phát triển rừng ngập mặn ven biển, trồng và phục hồi rừng phòng hộ, đặc dụng, đặc biệt là công tác trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng FSC. Công tác phòng chống chặt phá rừng, lực lượng chức năng toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức 3.217 đợt truy quét tại rừng, xử lý 2.279 vụ vi phạm; khởi tố 14 vụ với 31 bị can, đã truy tố, xét xử 31 bị cáo.
Việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện đảm bảo theo quy định của pháp luật và được giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện; theo đó, từ năm 2017 đến nay có 98 công trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với tổng diện tích 1.191,8 ha, trong đó rừng trồng 1.145,8 ha và rừng tự nhiên 46,01 ha (trong đó chủ yếu là đối tượng rừng sản xuất). Về quản lý, thu hồi và ngăn chặn lấn chiếm rừng, từ năm 2017 đến nay, cơ quan chức năng địa phương đã lập 529 vụ vi phạm, thu hồi 606 ha đất rừng trả lại cho chủ rừng, xử phạt vi phạm hành chính 1.631.000.000 đồng, xử lý hình sự 16 vụ.
Lê Minh
Bình luận