Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 11:11
Thứ bảy, 24/12/2022 05:12
TMO - Với những lợi thế của một địa phương ven biển, tỉnh Nghệ An đang từng bước thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững, qua đó không chỉ góp phần tạo động lực cho kinh tế phát triển mà còn góp phần củng cố quốc phòng – an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển của Việt Nam.
Nghệ An có đường bờ biển dài 82km, với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển như diện tích vùng biển lớn (4.230 hải lý vuông mặt nước do địa phương quản lý), tổng trữ lượng thủy, hải sản các loại khoảng 80 nghìn tấn. Dọc bờ biển Nghệ An có 3.500 ha diện tích mặt nước lợ sử dụng cho việc nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, lưu vực các sông Lam, sông Hoàng Mai... tạo nên các vùng hồ, đầm phá với diện tích đạt khoảng 23.440ha. Ngoài ra, cảng Cửa Lò là yếu tố thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa, hấp dẫn các nhà đầu tư và đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.
Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Nghệ An lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: Khai thác bền vững tiềm năng, lợi thế, nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế biển và ven biển; Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển, đảo với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; Đẩy nhanh việc xây dựng, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, dịch vụ logistics, khu đô thị ven biển theo hướng tiếp cận mô hình sinh thái
Tại Đề án ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nâng cao hiệu quả thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, địa phương này hướng đến mục tiêu ưa kinh tế biển tỉnh Nghệ An đạt các tiêu chí về phát triển bền vững, kinh tế biển đóng góp nguồn ngân sách lớn cho tỉnh; tập trung nguồn lực đẩy nhanh tốc độ xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh mạnh về biển của vùng Bắc Trung Bộ.
Nghệ An hướng đến mục tiêu tổng sản lượng khai thác thủy sản biển và nuôi trồng thủy sản vùng ven biển ước đạt khoảng 209.000 tấn vào năm 2025. Ảnh: BNA
Cùng với đó, hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; từng bước ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế biển, đảo gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Đẩy nhanh xây dựng, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, dịch vụ logistics, khu đô thị, khu du lịch ven biển theo hướng tiếp cận mô hình sinh thái, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư góp phần đưa Nghệ An trở thành địa phương có kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững.
Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể là: Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân của vùng ven biển giai đoạn 2021-2025 khoảng 10,5-11,5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân vùng ven biển khoảng 0,34% (năm 2025) và khoảng 0,22% (năm 2030). Tỷ trọng đóng góp kinh tế ngành du lịch vùng ven biển chiếm hơn 50% (đến năm 2025) và chiếm hơn 75% (đến năm 2030) kinh tế ngành du lịch toàn tỉnh; xây dựng và hoàn thành cơ bản kết cấu hạ tầng khu bến chính cảng nước sâu Cửa Lò; xây dựng cơ bản hoàn thiện tuyến đường ven biển Nghi Sơn – Cửa Lò. Tổng sản lượng khai thác thủy sản biển và nuôi trồng thủy sản vùng ven biển ước đạt khoảng 209.000 tấn (năm 2025), 227.000 tấn (năm 2030).
Đến năm 2030, kinh tế của vùng ven biển ước đạt 57-60% GRDP của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân vùng ven biển giai đoạn 2021-2030 khoảng 12,5-13,5%/năm. Giá trị tăng thêm bình quân đầu người vùng ven biển năm 2030 khoảng 248 triệu đồng. 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt ở các địa phương ven biển được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường.
Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo. Tiếp tục thu hút đầu tư nâng cấp, mở rộng khu bến cảng Cửa Lò, một số bến của khu bến cảng Đông Hồi; Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản vùng ven biển ước đạt 227.000. Đề án định hướng đến năm 2045, Nghệ An trở thành tỉnh có kinh tế biển phát triển bền vững, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào GRDP của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội.
Thời gian tới, tỉnh Nghệ An thu hút đầu tư nâng cấp, mở rộng khu bến cảng Cửa Lò, một số bến của khu bến cảng Đông Hồi. Ảnh: V. Dũng
Để đạt được các mục tiêu trên, Nghệ An cần tập trung phát huy tối đa các nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đối với vùng ven biển. Đó là phát triển 02 khu vực động lực tăng trưởng, thực hiện 03 đột phá chiến lược, hình thành hành lang kinh tế biển, phát huy 05 lĩnh vực trụ cột, xây dựng 03 trung tâm đô thị ven biển. Cụ thể, 02 khu vực động lực tăng trưởng được xác định là thành phố Vinh – thành phố ven biển (sau khi thực hiện Đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố Vinh) và Khu kinh tế Đông Nam ngay khi thực hiện Đề án mở rộng Khu kinh tế.
Ba đột phá mang tính chiến lược bao gồm: Thứ nhất, hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh mang tính cạnh tranh vượt trội gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính vùng ven biển. Thứ hai, tập trung xây dựng, tạo bước đột phát về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển theo hướng đồng bộ, hiện đại để đáp ứng yêu cầu phát triển. Thứ ba, phát triển toàn diện nguồn nhân lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với phát huy giá trị văn hóa, con người vùng ven biển. Hành lang kinh tế biển sẽ được hình thành dựa trên 02 tuyến giao thông đường bộ huyết mạch là quốc lộ 1 và cao tốc Bắc – Nam đoạn qua địa bàn tỉnh. Ngoài 02 tuyến đường bộ trên, hành lang này còn có tuyến đường sắt Bắc – Nam, tuyến đường ven biển và đường biển đóng vai trò khá quan trọng trong vận tải người, hàng hóa.
Đề án xác định tập trung phát triển các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên, trong đó chú trọng theo định hướng của Nghị quyết số 36-NQ/TW đối với vùng ven biển Bắc Trung bộ, Duyên hải Trung bộ là phát triển các cảng biển nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đồng thời, phát triển các trung tâm du lịch lớn; nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá.
Trên địa bàn tỉnh, các ngành kinh tế biển được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên: Du lịch biển; công nghiệp ven biển; kinh tế hàng hải; nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản; khai thác khoáng sản biển. Ngoài ra, nghiên cứu tính khả thi và triển khai khi có điều kiện đối với việc phát triển điện gió và điện mặt trời khu vực ven biển, biển và đảo; nghiên cứu phát triển một số ngành kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên, đa dạng sinh học biển như dược liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển hoặc gắn với các hoạt động bảo vệ rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển hiện có nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Hà Lê
Bình luận