Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 08:11
Thứ sáu, 03/11/2023 07:11
TMO - Hệ thống giám sát tàu cá đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, chia sẻ, kết nối giữa các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan; tổ chức trực ban 24/24 giờ theo dõi, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thực hiện khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) về cắt giảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác, đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát lại toàn bộ số lượng tàu cá, cập nhật dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase (tại Quyết định số 81/QĐ-TTTg) và ban hành văn bản chỉ đạo địa phương tạm dừng việc cấp văn bản chấp thuận đóng mới cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, tạm dừng cấp văn bản chấp thuận cho phép cải hoán tàu cá có chiều dài dưới 15m thành tàu có chiều dài từ 15m trở lên từ ngày 20/12/2022; tổ chức rà soát và xem xét điều chỉnh giảm số hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng ven bờ và vùng lộng sát thực với số tàu cá hiện có của địa phương phù hợp với quy định tại Điều 49 Luật Thủy sản năm 2017 (tại Văn bản số 8498/BNN-TCTS).
Theo đó, đã có 26/28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương thực hiện xong việc rà soát, kiểm kê tàu cá hiện có tại địa phương, xác định hạn ngạch khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng theo quy định của Điều 49 Luật Thủy sản năm 2017. Tính đến nay, đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đạt 97,65% (28.797/29.489 tàu cá). Số lượng tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS đã được các địa phương lập danh sách để theo dõi, quản lý (hầu hết là các tàu cá đang nằm bờ, ngưng hoạt động và thuộc diện chờ giải bản, xóa đăng ký…).
Hệ thống giám sát tàu cá đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, chia sẻ, kết nối giữa các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan; tổ chức trực ban 24/24 giờ theo dõi, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển. Phần mềm cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia Vnfishbase đến nay đã triển khai tại 31 tỉnh, thành phố có tàu tham gia khai thác hải sản, đáp ứng được cơ bản các yêu cầu về nghiệp vụ quản lý khai thác thủy sản, trong đó thông tin dữ liệu tàu cá về đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá đã được các địa phương cập nhật, khai thác thường xuyên trên phần mềm.
Về đăng ký tàu cá, tổng số tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên đã được đăng ký và cập nhật trên cơ sở dữ liệu VNFishbase là 73.282 chiếc (giảm 1.953 chiếc so với tháng 10/2023 do hư hỏng, không còn tồn tại trên thực tế tại địa phương); trong đó tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên là 29.489 chiếc (trong đó tàu có chiều dài từ 15=<24 m là 26.934 tàu; tàu >=24 m là: 2.555 tàu), giảm 441 chiếc (do chìm đắm, hư hỏng, không còn tồn tại trên thực tế tại địa phương) so với tháng 10/2023. Đến nay, một số địa phương đã triển khai và xóa đăng ký đối với các tàu không đủ điều kiện và đảm bảo các tàu đã bị xóa đăng ký không tham gia hoạt động khai thác tại địa phương.
Thiết bị giám sát hành trình là công cụ quan trọng trong nỗ lực tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Ảnh: BQN.
Theo Tổng cục Thủy sản, thiết bị giám sát hành trình là một trong những giải pháp được đánh giá quan trọng và có tính quyết định để kiểm soát các phương tiện một cách trực tiếp, liên tục. Đồng thời, là công cụ quan trọng trong nỗ lực tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nhất là tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Thông qua thiết bị giám sát hành trình được kết nối với hệ thống giám sát tàu cá đã giúp cơ quan chức năng (ban quản lý cảng cá, các tổ IUU của Chi cục Thủy sản, các đồn, trạm kiểm soát biên phòng, chính quyền các địa phương trong tỉnh...) và chủ tàu kiểm soát được hành trình tàu cá hoạt động trên biển (vị trí tàu, hướng đi trên biển). Đồng thời, theo dõi, cảnh báo kịp thời cho tàu cá khi có dấu hiệu vi phạm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tàu cá hoạt động trên biển.
Việc vận hành hệ thống giám sát hành trình còn giúp lực lượng chức năng phát hiện tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình. Từ đó, xác định và làm rõ nguyên nhân để khắc phục; lập biên bản xử lý theo quy định nếu phát hiện hành động tác động nhằm vô hiệu hóa thiết bị hành trình. Đây là cơ sở để các cơ quan chức năng truy xuất nguồn gốc cấp giấy chứng nhận sản phẩm khai thác xuất khẩu vào thị trường châu Âu và làm căn cứ pháp lý để xử lý đối với chủ tàu cá cố tình khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài.
Bên cạnh đó, thông qua thiết bị giám sát hành trình, chủ tàu và cơ quan chức năng còn chủ động trong việc nắm bắt, xác minh thông tin để triển khai công tác tìm kiếm, cứu hộ và cứu nạn khi tàu bị sự cố trên biển. Mặt khác, công tác kiểm đếm và kêu gọi, hướng dẫn các tàu cá hoạt động trên biển tìm nơi trú ẩn an toàn khi có bão, áp thấp nhiệt đới cũng nhanh chóng hơn.
Với mục tiêu gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá không chỉ giúp công tác quản lý nghề cá được thuận lợi, tạo điều kiện kiểm tra, truy xuất nguồn gốc hải sản do ngư dân khai thác trên biển, mà còn góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn nạn khai thác hải sản bất hợp pháp, giữ gìn an ninh trật tự trên biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ngày 23/10/2018, EC đã cảnh báo thẻ vàng đối với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam với các khuyến nghị Việt Nam khắc phục IUU (khai thác trái phép, không báo cáo và không theo quy định). Thẻ vàng EC thời gian qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Liên Minh Châu Âu. Yêu cầu hoàn thiện công cụ quản lý đội tàu khai thác phù hợp với nguồn lợi, hoàn thiện hệ thống kiểm tra giám sát tàu cá trên biển và tại cảng, xây dựng hệ thống xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản đồng thời ngăn chặn, chấm dứt tình trạng khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài đã được nước ta đưa vào Luật Thủy sản 2017; sau đó, được cụ thể hóa bằng Nghị định.
Minh Hương
Bình luận