Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 22:11
Thứ sáu, 07/04/2023 14:04
TMO - Việt Nam có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành công nghiệp mang lại năng suất cao, không chỉ phục vụ cho sức khỏe cộng đồng, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Trên bản đồ dược liệu thế giới, Việt Nam được đánh giá có nguồn dược liệu đa dạng; tỷ lệ dược liệu tự nhiên quý hiếm vẫn còn khá phong phú. Với khoảng 5.117 loài cây dược liệu Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật. Dược liệu được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau cho con người, như: sản xuất thuốc điều trị bệnh, thực phẩm thực dưỡng, đồ uống, hóa mỹ phẩm…
Hàng năm, tổng số dược liệu được sử dụng trong ngành y tế ở nước ta ước tính 100.000 tấn với tổng giá trị thị trường trên 400 triệu USD/năm. Cũng theo WHO, có đến 80% dân số toàn cầu sử dụng thảo dược để chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu năm 2021 ước tính khoảng 230 tỷ USD có thể đạt 430 tỷ USD vào năm 2028 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm CAGR 11.32%. Việc bảo tồn, phát triền bền vững cây dược liệu tạo ra vùng nguyên liệu bền vững cho ngành Y học cổ truyền, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen những loại thuốc quý, đồng thời, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Phát triển vùng cây dược liệu là một trong những giải pháp bao tồn đa dạng sinh học nói chung, bảo tồn những nguồn dược liệu quý nói riêng, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc.
Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 được triển khai thí điểm thực hiện theo hình thức dự án liên kết chuỗi giá trị tại 22 huyện, của 21 tỉnh với 18 dự án vùng trồng dược liệu quý và 4 dự án Trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao.
Dự án đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thực hiện theo chuỗi liên kết giá trị, gồm: Chuỗi liên kết 4 nhà: Nhà nông (vùng đồng bào dân tộc thiểu số) - Doanh nghiệp - Nhà quản lý - Nhà khoa học - Nhà bank (trong đó doanh nghiệp là trung tâm của chuỗi liên kết); Chuỗi giá trị: Bảo tồn nguồn gen - nhân giống - trồng trọt - chế biến, sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Tổng mức đầu tư hỗ trợ có thể lên tới 65 tỷ cho một vùng dự án. Với các nội dung hỗ trợ như: Hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề cho lao động tại chỗ: Mức hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng/1 người lao động, thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng/1 người lao động; Hỗ trợ chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, mua bản quyền công nghệ, mua công nghệ hoặc mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, cải tiến công nghệ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng: Mức hỗ trợ 80% kinh phí thực hiện, không quá 300 triệu đồng/đề tài/bản quyền/công nghệ/kết quả nghiên cứu.
Hỗ trợ tối đa 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi, tối đa không quá 150 triệu đồng/dự án. Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm tối đa không quá 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm. Mức hỗ trợ 100% chi phí nhưng không quá 126 triệu đồng/ha; Đối với các dự án trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao, Nhà nước hỗ trợ 1 lần tối đa 80% chi phí sản xuất giống gốc và 50% chi phí sản xuất giống thương phẩm. (Thông tư 15/2022/TT-BTC): Hỗ trợ đầu tư cơ sở chế biến; bảo quản đảm bảo theo quy định về GMP và GSP; cơ sở hạ tầng trong hàng rào dự án như điện; nước, đường giao thông kết nối.
Hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ Ngân hành chính sách xã hội cho cơ sơ sản xuất kinh doanh tham gia vào dự án: lần đầu tiên hạn mức cho vay lớn nhất từ trước đến nay, tổng mức cho vay tới 45% tổng mức đầu tư của dự án, không quá 96 tỷ đối với dự án vùng trồng dược liệu quý và không qua 92 tỷ đồng với dự án Trung tâm nhân giống, thời hạn cho vay lên tới 10 năm và lãi suất ưu đãi 3,96%/năm (theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP).
Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý.
Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt nhấn mạnh đến mục tiêu: Phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu ở Việt Nam trên cơ sở sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng về điều kiện tự nhiên và xã hội để phát triển các vùng trồng dược liệu, gắn với bảo tồn và khai thác hợp lý nguồn dược liệu tự nhiên; bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái. Trong đó, đối với các loài dược liệu tự nhiên thực hiện quy hoạch các vùng rừng, các vùng có dược liệu tự nhiên ở 8 vùng dược liệu trọng điểm bao gồm Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ để lựa chọn và khai thác hợp lý
Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chính phủ đã quan tâm đầu tư phát triển dược liệu thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có nội dung: Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là quyết sách mang tính chiến lược trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn phát triển dược liệu với sinh kế của người dân.
Trong đó, việc ban hành Sổ tay hướng dẫn triển khai nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý nhằm mục tiêu cụ thể hóa các nội dung và hướng dẫn việc thực hiện các hoạt động liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ dược liệu; là cơ sở giúp các địa phương, doanh nghiệp và người dân thực hiện các nguyên tắc, nội dung, quy trình hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm theo quy định của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I từ năm 2021 - 2025.
Liên quan tới công tác phát triển dược liệu Bộ Y tế cũng đặt ra mục tiêu sẽ tham gia thị trường thảo dược toàn cầu. Tuy nhiên, để làm được việc này cần phải đầu tư khoa học công nghệ, giống, vốn, phát triển vùng trồng dược liệu trên quy mô lớn. Tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn của nước nhập khẩu (phát triển các sản phẩm từ dược liệu có nguồn gốc hữu cơ (organic) gắn với truy xuất nguồn gốc xuất xứ của dược liệu, kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trong dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu); khuyến khích các nguồn lực xã hội tham gia phát triển dược liệu. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phát triển đa dạng hóa các sản phẩm từ dược liệu (thuốc, hóa mỹ phẩm, nước hoa, hương liệu, thực phẩm chức năng, thực phẩm dinh dưỡng y học...).
Bộ Y tế đã tham mưu đề xuất thực hiện đồng bộ nhóm giải pháp như xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chất lượng dược liệu. Xây dựng vùng trồng dược liệu đạt Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái cây thuốc (GACP-WHO), dược liệu hữu cơ (organic), đảm bảo dược liệu đầuu ra đạt tiêu chuẩn chất lượng theo dược điển (giới hạn vi sinh vật, giới hạn thuốc bảo vệ thực vật...).Từng bước hình thành vùng sản xuất dược liệu tập trung có quy mô đủ lớn đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của các nước nhập khẩu như EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc...
Minh Phương
Bình luận