Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ tư, 13/07/2022 22:07
TMO - Nhằm gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi, đồng thời sử dụng bền vững tài nguyên trong phát triển kinh tế-xã hội, UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Kế hoạch hành động được triển khai nhằm mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên; duy trì, bảo vệ và phát triển hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn; nâng cao tính đa dạng sinh học của rừng trồng, duy trì tỷ lệ che phủ rừng tại tỉnh ổn định với 63%, phục hồi ít nhất 7% diện tích hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái, bảo vệ các vùng đất ngập nước trên địa bàn tỉnh...
Đến năm 2050, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, nguồn gen quý, hiếm được phục hồi, bảo tồn thực sự hiệu quả; đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được lượng giá đầy đủ, sử dụng bền vững và mang lại lợi ích thiết yếu cho mọi người dân, góp phần bảo đảm an ninh sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.
Tính đến năm 2021, tổng diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp toàn tỉnh là 523.073 ha; trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 213.880 ha, rừng trồng có diện tích 219.736 ha, diện tích chưa thành rừng là 89.456 ha. Phân theo 3 loại rừng, toàn tỉnh có 130.698 ha rừng phòng hộ, 34.135 ha rừng đặc dụng, 268.783 ha rừng sản xuất và 89.456 ha chưa thành rừng. Tỷ lệ che phủ rừng của toàn tỉnh Yên Bái năm 2021 đạt 63%.
Vùng núi Mù Cang Chải được đánh giá là khu vực có rừng nguyên sinh với hệ động thực vật phong phú. Ảnh: KQ
Yên Bái nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, giữa hai vùng sinh thái Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam, lớp vỏ phong hóa dày đã tạo ra thảm thực vật phong phú về chủng loại và giàu về trữ lượng. Với diện tích đất có rừng khá lớn, rừng Yên Bái được tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI), Quỹ bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (VCF) đánh giá có độ đa dạng sinh học phong phú, đa dạng về chủng loại bao gồm rừng nguyên sinh, rừng thường xanh, rừng rụng lá mùa thu, rừng hỗn giao.
Hệ thực vật ở Yên Bái đã được ghi nhận có khoảng 1.479 loài thực vật bậc cao, trong đó có 91 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc diện cần phải bảo tồn theo tiêu chí đánh giá của Sách Đỏ Việt Nam (2007), IUCN (2016) như: Lan Kim Tuyến, Củ rắn cắn, Pơmu, Lim, Sến, Táu, Gù Hương…
Ngoài ra, địa phương này còn là nơi phát triển của các loại gỗ quý (nghiến, trúc, lát hoa, chò chỉ, pơmu), cây thuốc quý (đẳng sâm, sơn tra, hà thủ ô, hoài sơn, sa nhân), cùng nhiều khu rừng cho lâm, đặc sản (cọ, măng, song, móc, nấm hương, mộc nhĩ, trẩu, quế, chè).
Về động vật rừng có khoảng 82 loài thú với 22 loài nguy cấp quý hiếm có giá trị bảo tồn được ghi nhận tại Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục Đỏ IUCN; 237 loài chim trong đó có 10 loài có giá trị bảo tồn cấp quốc gia và quốc tế; 64 loài bò sát và lưỡng cư với 20 loài có giá trị bảo tồn cấp quốc gia và quốc tế…
Các loài này tập trung chủ yếu ở các khu rừng tự nhiên tại các huyện còn nhiều tài nguyên rừng như: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Yên, Lục Yên, Trấn Yên đặc biệt là Khu bảo tồn loài sinh vật cảnh Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải và Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, huyện Văn Yên.
Nhằm đạt được những mục tiêu đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục bảo vệ nghiêm ngặt các hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng quốc gia tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu và Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải.
Tỉnh Yên Bái nghiên cứu lập bản đồ các vùng sinh thái có tính đa dạng sinh học cao, từ đó bảo tồn và khai thác bền vững
Thúc đẩy việc quản lý hiệu quả các vùng đất ngập nước quan trọng, thực hiện kế hoạch bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên địa bàn tỉnh, ưu tiên đối với các lưu vực sông Thao, sông Chảy, sông Thia, ngòi Hút, hồ Thác Bà.
Các đơn vị tiến hành điều tra, đánh giá và lập bản đồ các vùng sinh thái, xác định các vùng sinh thái có tính đa dạng sinh học cao, các vùng sinh thái bị suy thoái, các vùng sinh thái dễ tổn thương. Từ đó, áp dụng các biện pháp khoanh nuôi, tái sinh phục hồi tự nhiên đối với các hệ sinh thái bị suy thoái, đẩy mạnh triển khai các biện pháp làm giàu rừng bằng cây bản địa, duy trì các biện pháp hạn chế tình trạng cháy rừng xảy ra.
UBND tỉnh nhấn mạnh các địa phương cần tăng cường các biện pháp nhằm bảo tồn các nguồn gen, quản lý tiếp cận nguồn gen cũng như chia sẻ lợi ích và bảo vệ tri thức truyền thống về nguồn gen. Trong đó, thực hiện hiệu quả Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án tăng cường năng lực quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen trong giai đoạn 2016-2025.
Tổ chức thực hiện điều tra kiểm kê tình hình phân bố của các nguồn gen cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh; đánh giá mức độ đe dọa các giống, loài bản địa, đặc hữu, quý, hiếm làm giống để thu thập thông tin lưu giữ và có phương án bảo tồn hiệu quả. Trong đó, các nguồn gen quý hiếm được xác định cần bảo tồn như: táo mèo Mù Căng Chải; chè shan tuyết Suối Giàng, lúa nếp Tú Lệ, cam sành, quýt sen hồng không hạt Lục Yên, quế Văn Yên...
Tỉnh chú trọng bảo tồn các loài bản địa như chè Shan tuyết suối Giàng. Ảnh: Khai Tâm
Tổ chức thực hiên hiêu quả Ðề án kiểm kê, quan trắc, lâp báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó ưu tiên thực hiện kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực đa dạng sinh học cao, các loài nguy cấp, quý hiếm cần được ưu tiên bảo vệ,
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng tiến hành điều tra, đánh giá tiềm năng và quy hoạch mạng lưới du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh, xây dựng mô hình du lịch sinh thái tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải.
Đồng thời, phát triển sản xuất các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp gắn với bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên sinh vật trên địa bàn, góp phần cải thiện sinh kế, xóa đói giảm nghèo cho vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số; triển khai các biện pháp bảo vệ, phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ có giá trị, đặc biệt là các loài cây thuốc quý hiếm
Trong thời gian tới, nhằm thực hiện hiệu quả Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Yên Bái sẽ tăng cường năng lực thực thi pháp luật về đa dạng sinh học; Nâng cao nhận thức, ý thức về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; đẩy mạnh lồng ghép và thực hiện các yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học trong các quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội, các dự án đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, địa phương này sẽ thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; bảo đảm nguồn lực tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học; tăng cường hợp tác trong và ngoài nước về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.
Thanh Xuân
Bình luận