Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 11:01
Thứ tư, 01/03/2023 16:03
TMO - Sâm Lai Châu là loài cây đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam, đồng thời là loài đặc hữu của tỉnh Lai Châu, có giá trị lớn về dược liệu và kinh tế. Thời gian qua, địa phương này chú trọng đến công tác rà soát, đánh giá và xác định điều kiện đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển loài cây dược liệu quý này.
Thông tin từ UBND tỉnh Lai Châu cho biết, Sâm Lai Châu được phát hiện và công bố lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2013. Hiện Lai Châu đã rà soát, đánh giá và xác định được trên 30.000 ha có điều kiện đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển Sâm Lai Châu; trong đó có 17.000 ha rất thích hợp để phát triển.
Thời gian qua, tỉnh Lai Châu đẩy mạnh nghiên cứu bảo tồn và phát triển cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh và các nhà khoa học, đến nay, Lai Châu bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng như: Bảo tồn 3 vườn cây mẹ ngoài tự nhiên và gây trồng trên 21.000 cây mô hình; Sâm Lai Châu đã được Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng; có một cơ sở được cấp mã số cơ sở nuôi trồng loài Sâm Lai Châu và 2 cơ sở hiện trong quá trình thẩm định hồ sơ cấp mã số theo quy định; xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận "Sâm Lai Châu" cho sản phẩm củ tươi và đang được Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định để cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "Sâm Lai Châu"…
Nâng cao chất lượng các vườm ươm cây giống được các Sở, ngành chức năng chú trọng hướng dẫn các địa phương, hộ trồng. Ảnh: Lê Dũng
Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn mạnh dạn đầu tư, liên kết thực hiện nhân giống, bảo tồn, phát triển Sâm Lai Châu tại các vùng có phân bố tự nhiên của cây Sâm Lai Châu. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045, trong đó có cây Sâm Lai Châu.
Với mục tiêu phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển Sâm Lai Châu thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển Sâm Lai Châu giai đoạn 2022 - 2030 và định hướng đến năm 2045. Theo đó, địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2030 hình thành vùng nguyên liệu trồng sâm tập trung tại những nơi có điều kiện sinh thái phù hợp với quy mô phát triển vùng trồng sâm toàn tỉnh khoảng 3000 ha.
Bảo tồn nguồn gen cây Sâm Lai Châu có phân bố trong rừng tự nhiên với diện tích khoảng 100 ha tại các huyện Tam Đường, Tân Uyên, Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá hiệu quả phát triển Sâm Lai Châu giai đoạn 2022 – 2030, sẽ định hướng cụ thể về phát triển quy mô vùng trồng Sâm, đến năm 2045 phấn đấu vùng trồng đạt khoảng trên 10000ha, hình thành các vùng trồng Sâm tập trung trên địa bàn các huyện đã xác định.
Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, trong thời gian tới, cần sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp; sự giúp đỡ tâm huyết của các nhà khoa học và quyết tâm của người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp để phát triển và hình thành chuỗi liên kết sản xuất. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng điều tra, đánh giá hiện trạng, đề xuất phương án quản lý, bảo tồn cây Sâm Lai Châu ngoài tự nhiên có phân bố trong rừng tự nhiên thuộc các huyện Tam Đường, Tân Uyên, Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè. Xây dựng vùng bảo tồn tại một số vùng sinh thái điển hình ở các huyện: Tam Đường, Mường Tè, Phong Thổ; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về bảo tồn, phát triển nguồn gen Sâm Lai Châu và xác định vùng trồng thích hợp.
Tận dụng những lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu các địa phương trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng sâm Lai Châu.
Đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong chọn tạo giống và kỹ thuật nuôi trồng Sâm Lai Châu cho năng suất, chất lượng cao; Sơ chế, chế biến và chiết xuất dược liệu nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng; giá thành cạnh tranh đáp ứng được quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Rà soát, kiểm tra, xác định cụ thể về diện tích các khu vực có điều kiện phù hợp để gây trồng, phát triển Sâm Lai Châu thu hút đầu tư theo quy định của pháp luật; Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với người dân đầu tư bảo tồn, phát triển vùng nguyên liệu, khai thác, chế biến sản phẩm gắn với sản xuất theo chuỗi, tạo giá trị gia tăng; thu hút người dân sống gần rừng tham gia vào hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, tạo việc làm và nâng cao thu nhập
Tăng cường hợp tác với các tổ chức trong nước, tổ chức quốc tế trong công tác nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu quý và Sâm Lai Châu; Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện của tỉnh để tạo đột phá trong phát triển cây dược liệu, tạo ra sản phẩm có giá trị cao; Tăng cường hợp tác, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học, hợp tác đào tạo nhân lực tại các địa phương trong nước, các nước có thế mạnh trong nuôi trồng, phát triển, chế biến cây dược liệu.
Đức Tiến
Bình luận