Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 02:11
Thứ năm, 03/10/2024 11:10
TMO – Chính quyền địa phương phải quản lý thực hiện quy hoạch xây dựng khu đô thị, điểm dân cư nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật và quy hoạch sản xuất thích ứng với đặc điểm thiên tai trên địa bàn, bảo đảm phát triển bền vững.
Thiên tai luôn là loại hình gây thiệt hại cho tính mạng và tài sản của một quốc gia nhiều hơn bất cứ loại hình nào. Theo Văn phòng Giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc, trong vòng 20 năm qua, trên toàn thế giới, các loại hình thiên tai đã tăng lên khoảng 75%, làm hơn 1 triệu người thiệt mạng và ảnh hưởng đến hơn 4 tỷ người dân, thiệt hại kinh tế gần 3.000 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu. Ước tính, trong 20 năm qua, ở nước ta, các loại thiên tai đã làm hơn 13.000 người thiệt mạng, thiệt hại kinh tế hơn 6,4 tỷ USD.
Báo cáo của các cơ quan chức năng liên quan đều nêu rõ, thiệt hại do thiên tai gây ra ở nước ta rất nghiêm trọng. Cụ thể, thống kê trong tháng 8 và 8 tháng năm 2024, thiệt hại do thiên tai trong tháng 8 chủ yếu do ảnh hưởng của mưa lớn, lũ, ngập lụt. Tính chung 8 tháng năm 2024, thiên tai làm 147 người chết và mất tích, 104 người bị thương; 32,9 nghìn ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng; 259,3 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết; 30,8 nghìn ha hoa màu và 84,5 nghìn ha lúa bị ngập, hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 3.374,6 tỷ đồng, gấp hơn 1,5 lần cùng kỳ năm 2023. Gần đây nhất (7/9) là cơn bão số 3 đổ bộ đất liền các địa phương khu vực miền Bắc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản với hơn 340 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính hơn 81.000 tỷ đồng.
(Ảnh minh họa)
Xác định công tác phòng chống, ứng phó với thiên tai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, việc phòng chống, ứng phó hiệu quả, giảm thiệt hại do thiên tai được gắn với trách nhiệm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cũng như mọi người dân. Theo đó, Điều 27 Luật Phòng, chống thiên tai quy định rõ về trách nhiệm của các Bộ, ngành và chính quyền địa phương trong ứng phó thiên tai.
Cụ thể: Điều 27 Luật Phòng, chống thiên tai nêu rõ: Căn cứ vào dự báo, cảnh báo, cấp độ rủi ro thiên tai đối với từng loại thiên tai, Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai có trách nhiệm theo dõi tình hình thiên tai; chỉ đạo bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương thực hiện biện pháp ứng phó thiên tai và điều phối hoạt động ứng phó thiên tai liên ngành với phạm vi cấp vùng từ hai tỉnh trở lên; hỗ trợ địa phương trong trường hợp vượt quá khả năng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thiên tai và hoạt động ứng phó thiên tai.
Căn cứ vào dự báo, cảnh báo, cấp độ rủi ro thiên tai đối với từng loại thiên tai, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn; huy động và điều phối lực lượng, phương tiện của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương tham gia thực hiện tìm kiếm cứu nạn trong ứng phó thiên tai theo quy định của pháp luật về tìm kiếm cứu nạn.
Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ vào dự báo, cảnh báo, cấp độ rủi ro thiên tai, diễn biến thiên tai, chỉ đạo của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn có trách nhiệm: Quyết định lựa chọn phương án và biện pháp ứng phó thiên tai; Tổ chức thực hiện biện pháp ứng phó thiên tai bảo đảm an toàn công trình và hoạt động trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó phải báo cáo Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn để phối hợp chỉ đạo ứng phó thiên tai; Phối hợp với UBND và Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh tham gia ứng phó thiên tai trên địa bàn.
Căn cứ vào dự báo, cảnh báo, cấp độ rủi ro thiên tai, diễn biến thiên tai, sự chỉ đạo, chỉ huy của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp trên, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, UBND , Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp có trách nhiệm: Quyết định lựa chọn phương án, biện pháp và tổ chức thực hiện ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai và điều kiện thực tế của địa bàn; Chỉ đạo cơ quan chức năng tổng hợp và báo cáo kịp thời tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu thiệt hại; Trường hợp vượt quá khả năng, phải báo cáo UBND hoặc cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai cấp trên.
Lực lượng vũ trang nhân dân có trách nhiệm ứng phó thiên tai theo sự điều động của cơ quan có thẩm quyền. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chủ động thực hiện biện pháp ứng phó thiên tai và tham gia ứng phó thiên tai theo sự điều động của cơ quan có thẩm quyền. Căn cứ vào các cấp độ rủi ro thiên tai và loại thiên tai cụ thể, các lực lượng tham gia ứng phó thiên tai trên cùng địa bàn phải phối hợp chặt chẽ theo sự chỉ đạo, chỉ huy của người có thẩm quyền để thực hiện biện pháp ứng phó thiên tai.
Đối với trách nhiệm của chính quyền các địa phương về phòng chống thiên tai, Điều 43 Luật Phòng, chống thiên tai quy định: UBND cấp tỉnh và cấp huyện có trách nhiệm tổ chức phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực hiện pháp luật về phòng, chống thiên tai; Xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai thuộc phạm vi quản lý; Tổ chức thực hiện việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
Quản lý thực hiện quy hoạch xây dựng khu đô thị, điểm dân cư nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật và quy hoạch sản xuất thích ứng với đặc điểm thiên tai trên địa bàn, bảo đảm phát triển bền vững; Xây dựng và phê duyệt phương án ứng phó thiên tai trên địa bàn; tổ chức việc chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm và tổ chức diễn tập theo phương án được duyệt; Kiểm tra, đôn đốc việc dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, hóa chất xử lý nước, thuốc chữa bệnh, phòng dịch, phương tiện, vật tư và trang thiết bị theo phương châm bốn tại chỗ để chủ động ứng phó khi thiên tai xảy ra;
Xây dựng, tu bổ, nâng cấp và quản lý, bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý; Tổ chức thường trực, chỉ huy công tác ứng phó thiên tai; tổng hợp, thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra; Chỉ đạo, tổ chức thực hiện biện pháp bảo vệ sản xuất khi xảy ra thiên tai để giảm nhẹ thiệt hại, nhanh chóng phục hồi sản xuất; Tổ chức quản lý, phân phối tiền, hàng cứu trợ khẩn cấp của Nhà nước, tổ chức và cộng đồng để ổn định đời sống, phục hồi sản xuất và khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định của pháp luật; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai theo thẩm quyền.
UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực hiện Luật này và các quy định liên quan về phòng, chống thiên tai; Xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Quản lý, bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn; Xây dựng và phê duyệt phương án ứng phó thiên tai trên địa bàn và tổ chức diễn tập theo phương án được phê duyệt; Tổ chức thực hiện việc dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, hóa chất xử lý nước, thuốc chữa bệnh, phòng dịch, phương tiện, vật tư và trang thiết bị theo phương châm bốn tại chỗ để chủ động ứng phó khi thiên tai xảy ra;
Tổ chức thường trực, chỉ huy việc phòng tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; thống kê thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn; Triển khai biện pháp bảo vệ sản xuất khi xảy ra thiên tai để giảm nhẹ thiệt hại, nhanh chóng phục hồi sản xuất; Tiếp nhận, quản lý, phân phối tiền, hàng cứu trợ khẩn cấp của Nhà nước, tổ chức và cộng đồng để ổn định đời sống, phục hồi sản xuất và khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định của pháp luật…/.
LÝ LAN
Bình luận