Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 05/07/2025 15:07
Thứ sáu, 04/07/2025 19:07
TMO – Một trong những điểm nhấn phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2025 là khách du lịch quốc tế phục hồi mạnh, 6 tháng đạt trên 10,6 triệu lượt, tăng 20,7%. Công tác an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Trong 6 tháng có 96,5% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ; thu nhập bình quân của lao động đạt 8,3 triệu đồng/tháng, tăng 10,1%; hỗ trợ an sinh xã hội hơn 41,1 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ người dân trên 10,3 nghìn tấn gạo.
Theo Bộ Tài chính, ước tính sớm vào cuối tháng 5, GDP quý II/2025 đạt khoảng 7,7%, 6 tháng tăng khoảng 7,3%. Cập nhật số liệu đến nay, GDP 6 tháng có thể tăng thêm 0,2 - 0,3%, tiệm cận mục tiêu đã đề ra. Điều đáng mừng là cả 3 khu vực đều tăng trưởng tốt (nông nghiệp 3,85%; công nghiệp, xây dựng 8,18%; dịch vụ 7,83%). Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 tháng tăng 9,3%.
Đặc biệt, các địa phương đầu tàu tăng trưởng đạt kết quả tốt. Tính theo 63 tỉnh, thành phố cũ, TP. HCM tăng 7,82%, Hà Nội tăng 7,63% và 10 địa phương tăng trưởng 2 con số (gồm Bắc Giang tăng 14,01%, Quảng Ngãi 12,4%, Nam Định 11,84%, Đà Nẵng 11,7%, Hải Dương 11,59%, Hà Nam 11,09%, Hải Phòng 11,04%, Quảng Ninh 11,03%, Phú Thọ 10,33%, Vĩnh Phúc 10,07%).
Quảng Ninh - một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước. Ảnh minh họa.
Tính theo 34 tỉnh, thành phố mới, có 6 địa phương tăng trưởng 2 con số (tỉnh Quảng Ngãi tăng 11,51%, TP. Hải Phòng tăng 11,2%, tỉnh Quảng Ninh tăng 11,03%, Ninh Bình tăng 10,82%, Bắc Ninh tăng 10,47%, Phú Thọ tăng 10,09%).
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, CPI bình quân 6 tháng/2025 tăng 3,27%. Xuất nhập khẩu tháng 6 đạt gần 76,15 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ; tính chung 6 tháng năm 2025 đạt trên 432 tỷ USD, tăng 16,1% (xuất khẩu tăng 14,4%, nhập khẩu tăng 17,9%), xuất siêu 7,63 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng trên 1,33 triệu tỷ, đạt 67,7% dự toán năm, tăng 28,3% so với cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng khá cao; quý I tăng 8,3%, quý II tăng 10,5%, 6 tháng tăng 9,8%. Giải ngân vốn đầu tư công cao hơn cùng kỳ. Thu hút FDI 6 tháng đạt 21,5 tỷ USD, tăng 32,5%, cao nhất 15 năm qua; vốn FDI thực hiện gần 12 tỷ USD, tăng 8,1%. Hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông. Đưa vào khai thác thêm 6 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên 2.268 km (dự kiến đến cuối năm vượt 3.000 km)…
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 vào chiều 3/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính tăng cường quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước; tiếp tục mở rộng cơ sở thu, nhất là thu từ thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống; triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; đẩy mạnh đầu tư công và thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn, hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên (thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên theo Nghị quyết Chính phủ) để làm an sinh xã hội.
Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, chú trọng làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, lượng tử, sinh học, không gian ngầm, không gian biển, vũ trụ…).
Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ điều chỉnh Nghị quyết về mục tiêu tăng trưởng của 34 tỉnh, thành phố mới; đôn đốc, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch; xây dựng cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc; khẩn trương trình dự thảo Nghị quyết triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam; bố trí kịp thời kinh phí cho các Nghị quyết 57, 59, 66, 68 của Bộ Chính trị…/.
ĐOÀN VINH
Bình luận