Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 04:11
Thứ ba, 08/03/2022 15:03
TMO - Trong lộ trình phát triển của mình, các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ muốn phát triển thẳng lên thành phố trực thuộc thành phố mà không lên quận như Nhà Bè và Hóc Môn để phát huy hiệu quả về đất đai, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và diện mạo đô thị.
Kế hoạch xây dựng đề án đầu tư các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP. HCM) giai đoạn 2021-2030 do UBND TPHCM vừa ban hành, các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè sẽ thành quận (hoặc thành phố thuộc thành phố) trước năm 2025; huyện Củ Chi và Cần Giờ thành quận trong giai đoạn 2025-2030.
Theo Sở Nội vụ TP. HCM, các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ chủ yếu ở vị trí cửa ngõ thành phố, kết nối các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ. Những năm qua, các địa phương này tốc độ đô thị hoá nhanh, nhiều khu đô thị, hạ tầng, tuyến cao tốc đã và đang hình thành. Trình độ dân trí, lối sống đô thị được hình thành và không khác biệt nhiều so với các quận nội thành.
Do đó, việc đầu tư xây dựng các huyện để lập đơn vị hành chính quận hoặc thành phố; chuyển các xã, thị trấn thuộc huyện thành phường là cần thiết, phù hợp Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Trong 5 huyện ngoại thành, Bình Chánh là địa phương đạt nhiều tiêu chí lên quận hoặc thành phố nhất với 26/30.
Một phần của huyện Bình Chánh (TP. HCM)
Theo Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, mô hình chính quyền địa phương theo đơn vị hành chính của huyện, xã không còn phù hợp tốc độ đô thị hóa và sự phát triển kinh tế xã hội Bình Chánh nên huyện đặt mục tiêu chuyển lên thành phố vào năm 2025. Bình Chánh có diện tích rộng thứ 3 của TP. HCM, chỉ sau Cần Giờ và Củ Chi. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa không đều, trong khi xã Bình Hưng phát triển nhà cửa rất nhanh thì xã Bình Lợi thuần nông. Điều này phù hợp tiêu chí của thành phố là vừa có phường, vừa có xã, còn quận thì toàn bộ đơn vị hành chính là phường.
Về lộ trình triển khai, huyện Bình Chánh đang rà soát lại các tiêu chí lên thành phố để xác định phân kỳ đầu tư 4 năm tới, ước tính kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản như giao thông, trường học... khoảng 44.000 tỷ đồng. Để huy động nguồn lực này, địa phương cần điều chỉnh quy hoạch phù hợp và tạo ra cơ chế thu hút đầu tư xã hội hóa, khai thác nguồn lực quỹ đất nông nghiệp.
TP. HCM rộng hơn 2.060 km2, với gần 9 triệu dân (năm 2019), thành phố có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm một thành phố (Thủ Đức), 16 quận và 5 huyện. Quá trình phát triển, thành phố nhiều lần tách nhập, chuyển đổi đơn vị hành chính, gần nhất là sáp nhập quận 2, 9, Thủ Đức thành TP Thủ Đức.
Năm 1997, TP. HCM lập các quận 2, 7, 9, 12 và Thủ Đức trên cơ sở tách một phần từ huyện Thủ Đức, Nhà Bè, Hóc Môn; năm 2003 lập thêm quận Tân Phú (tách từ quận Tân Bình), Bình Tân (tách từ huyện Bình Chánh).
Lê Huýnh
Bình luận