Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ ba, 21/05/2024 08:05
TMO - Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng xét về tổng thể một số tỉnh vẫn còn lạc hậu, thiếu đồng bộ, tính kết nối chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; chưa hình thành được hệ thống các chợ đầu mối, trung tâm phân phối hàng hóa lớn.
Theo đó, tại Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ X, năm 2024 vừa diễn ra mới đây, Bộ Công Thương cho biết, mặc dù ghi nhận kết quả khả quan, song, ngành công thương khu vực phía Bắc vẫn tồn tại những hạn chế. Trong đó, một số các tỉnh, thành phố chỉ tiêu được giao còn đạt thấp, có chỉ tiêu còn tăng trưởng âm (công nghiệp, xuất nhập khẩu). Việc xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp ưu tiên, phát triển mô hình nhà máy thông minh, phát triển công nghiệp xanh… của một số địa phương còn lúng túng chưa xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện được.
(Ảnh minh họa)
Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng xét về tổng thể một số tỉnh vẫn còn lạc hậu, thiếu đồng bộ, tính kết nối chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; chưa hình thành được hệ thống các chợ đầu mối, trung tâm phân phối hàng hóa lớn.
Công tác liên kết kết nối vùng, khu vực (nhất là các tỉnh, thành phố có địa bàn giáp danh) để phát triển đồng bộ các lĩnh vực của ngành (quy hoạch hạ tầng công nghiệp, thương mại, năng lượng, logictic...) còn hạn chế, cơ chế chính sách của các địa phương cũng có sự khác nhau, việc phối hợp liên kết chưa thường xuyên và thiếu chiều sâu; chưa xây dựng được quy chế hợp tác phát triển giữa các thành viên trong vùng... ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển chung ngành công thương khu vực và cả nước. Việc phối hợp các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư như diễn đàn đầu tư, hội chợ triển lãm, trưng bày giới thiệu sản phẩm của các địa phương trong khu vực chưa được tiến hành thường xuyên và hiệu quả chưa cao. Lĩnh vực thương mại điện tử phát triển chưa đồng đều ở các địa phương nhất là các địa phương khu vực miền núi…
Theo Bộ Công Thương, năm 2024 được xác định là năm bứt phá, bản lề của cả nước. Do đó, các địa phương phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025. Thời gian qua Bộ Công Thương đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển ngành và đạt nhiều hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, kể từ sau Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ IX, năm 2023 tại Quảng Ninh, hoạt động liên kết giữa các địa phương ngày một được tăng cường. Từ đó, đóng góp tích cực vào kết quả tăng trưởng của ngành, của địa phương.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2024, góp phần quan trọng vào việc thực hiện hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025 và thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của toàn ngành công thương, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương tiếp tục phát động và tổ chức các phong trào thi đua trong các doanh nghiệp, phấn đấu đạt được các mục tiêu về sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tập trung rà soát nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp. Cùng đó, cần tập trung triển khai Đề án cơ cấu lại ngành công thương giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đồng thời, triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch các địa phương, nhất là quy hoạch trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản… tạo ra dư địa và xung lực mới cho các địa phương.
BẢO HÂN
Bình luận