Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 01:11
Thứ hai, 18/12/2023 07:12
TMO - Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, sử dụng than toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm 2023 do nhu cầu ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển vẫn còn mạnh.
Ước tính tổng lượng tiêu thụ than toàn cầu sẽ tăng 1,4% trong năm 2023 lên khoảng 8,54 tỷ tấn do nhu cầu sử dụng điện (chạy bằng than đá) ngày càng tăng tại các quốc gia đang phát triển, trong bối cảnh sản lượng thủy điện suy yếu do hiện tượng thời tiết El Nino. Theo IEA do mức sử dụng ở Ấn Độ dự kiến sẽ tăng 8% và ở Trung Quốc tăng 5% do nhu cầu điện tăng và sản lượng thủy điện yếu.
Than là nguồn phát thải CO2 liên quan đến năng lượng lớn nhất, cùng với các loại khí nhà kính khác gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. IEA cho biết một nửa lượng than sử dụng trên thế giới đến từ Trung Quốc, vì vậy triển vọng về than sẽ bị ảnh hưởng đáng kể trong những năm tới bởi tốc độ triển khai năng lượng sạch, điều kiện thời tiết và sự thay đổi cơ cấu trong nền kinh tế Trung Quốc.
Ảnh minh họa.
Cơ quan Năng lượng quốc tế cũng nhận định rằng rất khó để dự báo nhu cầu ở Nga, hiện là nước tiêu thụ than lớn thứ tư, do cuộc xung đột vẫn tiếp diễn ở Ukraine. Nhưng IEA lưu ý rằng tổng mức sử dụng than dự kiến sẽ không giảm cho đến năm 2026, khi việc mở rộng đáng kể công suất tái tạo trong ba năm tới sẽ giúp giảm mức sử dụng 2,3% so với mức năm 2023, ngay cả khi không có chính sách năng lượng sạch mạnh mẽ hơn.
Báo cáo cho biết mức tiêu thụ toàn cầu được dự báo sẽ duy trì ở mức trên 8 tỷ tấn vào năm 2026. Để đạt được các mục tiêu đặt ra trong thỏa thuận khí hậu Paris – đạt được vào năm 2015 bởi các chính phủ đã đồng ý loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch để chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo trong nửa sau của thế kỷ – việc sử dụng than không suy giảm sẽ cần phải giảm nhanh hơn đáng kể.
Tại cuộc đàm phán về khí hậu COP28 của Liên Hợp Quốc ở Dubai vừa mới đây, các nhà lãnh đạo thế giới đã đồng ý một thỏa thuận lần đầu tiên thúc đẩy các quốc gia chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, thỏa thuận đã không đi xa đến mức tìm cách “loại bỏ dần” nhiên liệu hóa thạch, điều mà hơn 100 quốc gia đã kêu gọi. Thỏa thuận kêu gọi “chuyển đổi khỏi sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng, một cách công bằng, có trật tự và bình đẳng, thúc đẩy hành động trong thập kỷ quan trọng này”.
Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm hơn một nửa mức tăng trưởng năng lượng tái tạo toàn cầu trong ba năm tới, khiến nhu cầu than ở nước này giảm vào năm 2024 và ổn định cho đến năm 2026. Một nửa lượng than sử dụng trên thế giới đến từ Trung Quốc, vì vậy triển vọng về than sẽ bị ảnh hưởng đáng kể trong những năm tới bởi tốc độ triển khai năng lượng sạch, điều kiện thời tiết và sự thay đổi cơ cấu trong nền kinh tế Trung Quốc.
Năm nay, Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á dự kiến sẽ chiếm 3/4 lượng tiêu thụ than toàn cầu, tăng so với 1/4 vào năm 1990, với mức tiêu thụ ở Đông Nam Á dự kiến sẽ vượt qua Mỹ và EU vào năm 2023. Đến năm 2026, Ấn Độ và Đông Nam Á là những khu vực duy nhất có mức tiêu thụ than dự kiến sẽ tăng đáng kể.
Thu Thảo
Bình luận