Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 07:11
Thứ năm, 11/04/2024 07:04
TMO - Trong các tháng cao điểm nắng nóng (tháng 5, 6, 7), hệ thống điện được dự báo sẽ chịu áp lực rất lớn do nhu cầu sử dụng điện tăng cao.
Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết năm 2024 là năm tương đối phát triển mạnh mẽ nhu cầu sử dụng điện của toàn quốc gia. Do đó, kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 nhận định tốc độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng nguồn điện toàn nền kinh tế trong năm 2024 lên đến 9,6%/năm, cao nhất kể từ năm 2018.
Tính đến hết Quý I/2024, cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, nhu cầu tiêu thụ điện đã có sự tăng trưởng đột biến lên 11,84%, hơn gấp đôi so với Quý I/2023. Dự báo mức tăng có thể lên đến 13% trong giai đoạn cuối mùa khô. Để đảm bảo cung ứng đủ điện, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế trong thời gian tới, việc đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm điện rất quan trọng và phát huy hiệu quả trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, nhu cầu tiêu thụ điện đã có sự tăng trưởng đột biến lên 11,84%, hơn gấp đôi so với Quý I/2023.
Rút kinh nghiệm từ tình trạng thiếu điện nghiêm trọng xảy ra tại khu vực miền Bắc trong các tháng 5 - 6/2023, Bộ Công Thương đã chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh việc triển khai thực hiện tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo; đẩy mạnh thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030. Trong đó, đề ra các giải pháp tiết kiệm điện cụ thể tới từng đối tượng như cơ quan công sở, các tòa nhà, hộ gia đình, tạo thói quen tiết kiệm điện tới từng cá nhân...
Để không xảy ra tình trạng thiếu điện trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)và các đơn vị liên quan. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 17/02/2024 về việc đảm bảo cung cấp điện các tháng cao điểm mùa khô 2024; Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành các Quyết định phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 và kế hoạch cung cấp điện các tháng cao điểm mùa khô 2024 và gần đây nhất là Chỉ thị số 05/CT-BCT ngày 28/03/2024 về việc đảm bảo cung cấp điện các tháng cao điểm mùa khô 2024.
Ngay trong 3 tháng đầu năm, lượng điện tiêu thụ toàn quốc trung bình 762 triệu kWh/ngày, tăng cao hơn so với dự báo. Đáng chú ý, 3 ngày đầu tháng 4, lượng điện tiêu thụ đã vọt tới hơn 900 triệu kWh/ngày. Dự báo cao điểm những tháng mùa hè 2024, lượng điện tiêu thụ toàn quốc sẽ đạt tới hơn 1 tỷ kWh/ngày (trong khi con số đạt đỉnh năm 2023 là khoảng 940 triệu kWh/ngày).
Đặc biệt, khu vực miền Bắc, lượng điện tiêu thụ đã tăng rất mạnh từ đầu năm. Lượng điện sử dụng đã tăng hơn 12 triệu kWh/ngày, đạt mức 343,6 triệu kWh/ngày từ đầu tháng 4 đến nay. Dự báo, lượng điện cần sử dụng tại miền Bắc sẽ đạt 27.481MW giai đoạn tháng 4 - 7/2024, tăng 17% so với kỷ lục vận hành cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, theo tính toán của A0, dự kiến tháng 6, công suất khả dụng của tất cả hệ thống ở miền Bắc chỉ từ 23.900 - 24.500MW; Công suất tăng thêm do dịch chuyển giờ phát thủy điện nhỏ đạt khoảng 1.000- 1.200MW; Công suất tăng thêm do thực hiện điều chỉnh phụ tải và máy phát điện diesel của khách hàng sẽ đạt khoảng 400 - 2.300MW. Trong khi đó, giờ cao điểm tiêu thụ điện của miền Bắc có thể lên tới 25.2450 - 27.480MW. Như vậy, miền Bắc có thể thiếu hụt từ gần 1.600 - 2.900MW vào giờ cao điểm.
Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết, sản lượng điện tiêu thụ trong tháng 3 của 21 tỉnh thành phía Nam do đơn vị này quản lý lên đến 8,019 tỷ kWh, tăng 13,41%. Tính lũy kế 3 tháng đầu năm, khách hàng của EVNSPC tiêu thụ hết gần 21,75 tỷ kWh điện, tăng 14,42% so cùng kỳ năm ngoái. Điện tiêu thụ tại khu vực này tăng chủ yếu ở thành phần tiêu dùng, dân cư (tăng 19,3%) và công nghiệp, xây dựng (tăng 12,28%). Tại TP.HCM, sản lượng điện tiêu thụ tháng 3 cũng tăng gần 13,5% so với cùng kỳ. Trong 10 ngày đầu tháng 4, tiêu thụ điện tại khu vực TP.HCM và miền Nam tiếp tục tăng 2 con số so cùng kỳ.
Dự báo tiêu thụ điện sẽ tăng cao trong mùa nắng nóng vì vậy việc vận hành an toàn hệ thống điện, hạn chế sự cố được các đơn vị chú trọng triển khai.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nắng nóng sẽ đến sớm trong năm 2024 và lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, gây nguy cơ thiếu hụt nguồn nước vận hành các hồ thủy điện và tăng nhu cầu sử dụng điện cho các thiết bị làm mát. Để chủ động đối phó với nguy cơ thiếu điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã có nhiều giải pháp.
Cụ thể, đối với thuỷ điện, tiến hành tích nước trong các hồ, để dành nước trong các hồ thuỷ điện để sử dụng vào những lúc cần thiết, là lúc nắng nóng nhất, tháng 5, 6, 7. Đến thời điểm hiện tại, các hồ thuỷ điện tích được khoảng 11 tỷ kWh điện, cao hơn mức 7 tỷ kWh của năm ngoái. Cụ thể, hồ Lai Châu giữ nước cao hơn 20m so với năm ngoái, Sơn La cao hơn 10m, Hoà Bình cao hơn 4m. Đây là nguồn trữ lại một cách chủ động để đáp ứng cho mùa nắng nóng.
Bên cạnh đó, Trung tâm cùng các địa phương, Bộ NN&PTNT sử dụng nước tối đa cho hạ du một cách hiệu quả, giúp tiết kiệm được khoảng 1 tỷ m3 nước so với dự kiến ban đầu. Cùng đó, EVN đã lên kịch bản phát nguồn điện đắt tiền nhất, như nguồn chạy dầu (FO, DO), đưa nguồn năng lượng mới khí hóa lỏng (LNG) vào vận hành từ 15/4. Nguồn điện than, chiếm tới 50% sản lượng điện, được đơn vị này chỉ đạo sát để chuẩn bị vật tư dự phòng. Đối với nguồn nhiệt điện than, tua bin khí, EVN cùng các đơn vị ngoài ngành đã rà soát, chuẩn bị vật tư dự phòng làm sao tận dụng tối đa cả về nhiên liệu than lẫn nhiệm vụ khả dụng của các tổ máy. Hiện nguồn than chiếm 50% sản lượng, nếu có vấn đề gì cũng rất ảnh hưởng đến việc cấp điện.
Đại diện Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia cũng cho biết, Trung tâm cùng Tổng công ty Điện lực miền Bắc rà soát các thuỷ điện nhỏ. Mặc dù công suất nhỏ nhưng tổng công suất của các nhà máy thuỷ điện nhỏ cũng lên tới 5.000 MW, thực hiện dịch chuyển giờ cao điểm làm sao phát đúng giờ khách hàng sử dụng điện nhiều nhất.
Theo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), để đảm bảo cung ứng đủ điện, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, thì việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện đóng một vai trò quan trọng. EVN cũng cho rằng, công tác sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả là cần thiết và quan trọng. Để đảm bảo tốt hơn việc cung ứng điện, EVN đang chỉ đạo các công ty điện lực thành viên trong toàn tập đoàn trao đổi với khách hàng, đặc biệt các khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm để có thể xem xét dịch chuyển giờ cao điểm ra khỏi các giờ cao điểm của hệ thống điện hiện nay.
Lê Vân
Bình luận