Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 01:11
Thứ sáu, 17/05/2024 07:05
TMO - Các thủy điện ở miền Bắc phải tiết kiệm triệt để nguồn nước, đặc biệt các hồ có mực nước thấp. Ở miền Trung và miền Nam có thể huy động tiết kiệm các thủy điện theo tình hình thủy văn thực tế và mực nước kế hoạch tháng để đảm bảo cung ứng điện.
Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, tuần 19 (từ 6/5-12/5), sản lượng điện trung bình ngày trên cả nước đạt 909,6 triệu kWh, cao hơn so với tuần trước khoảng 70,4 triệu kWh và thấp hơn so với phương thức tháng 5 khoảng 4 triệu kWh). Việc cung cấp điện tiếp tục được đảm bảo tốt. Tính từ đầu năm đến nay, phụ tải Quốc gia tăng trưởng khoảng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó miền Bắc tăng 11,8%, miền Trung 9,6%, miền Nam 11,7%.
Báo cáo của Cục Điều tiết Điện lực cho thấy, tuần qua tình hình nước về các hồ thủy điện khu vực miền Bắc ngoại trừ Thác Bà có nước về tương đương trung bình nhiều năm (TBNN), Tuyên Quang cao hơn TBNN (116%), còn lại các hồ đều có lưu lượng nước về thấp, chỉ đạt khoảng 37 – 79% TBNN. Ở miền Trung có 24/27 hồ có diễn biến nước thấp hơn nhiều so với TBNN (từ 3-85% TBNN), một số hồ có nước về rất tốt như ĐakĐrinh, Thượng KonTum, Đak Re (từ 101-208% TBNN). Miền Nam ngoại trừ Đồng Nai 2 có nước về cao hơn TBNN, các hồ còn lại đều có nước về thấp hơn so với TBNN (từ 22-59% TBNN).
Từ ngày 6/05 – 10/05, do ảnh hưởng của diễn biến mưa rào và dông tại khu vực miền Bắc, Bắc Trung Bộ, trong đó cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 20-40 mm, có nơi đạt trên 90 mm lượng nước về các hồ thủy điện tại miền Bắc cải thiện, đặc biệt là các hồ Tuyên Quang, Bản Chát, Lai Châu …Tính tổng sản lượng điện theo nước về bao gồm cả thuỷ điện nhỏ đạt trung bình khoảng 116.6 tr.kWh/ngày.
Tính đến 12/5, sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống là 9045.5 tr.kWh, cao hơn 2153.2 tr.kWh so với kế hoạch (KH) năm. So sánh với kế hoạch tháng 5, sản lượng còn lại thực tế trong hồ cao hơn 30.7 tr.kWh. So với cùng kỳ năm 2023, sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống cao hơn 6062.4 tr.kWh.
Từ ngày 6-12/5, sản lượng khai thác từ nguồn thuỷ điện trung bình ngày đạt 114.5 tr.kWh (thấp hơn 44.4 tr.kWH so với KH tháng 5). Cơ quan điều độ cũng thực hiện điều hành linh hoạt, tiết kiệm các hồ thủy điện đồng bộ với các giải pháp thay đổi kết dây lưới truyền tải để giữ mực nước hồ tối đa, bảo đảm phù hợp khả năng lấy nước hiệu quả của công trình thủy lợi, đồng thời bảo đảm nước cho phát điện, nhất là thời kỳ xảy ra nắng nóng cao điểm, đảm bảo cung cấp điện năm 2024.
Các thủy điện ở miền Bắc phải tiết kiệm triệt để nguồn nước, đặc biệt các hồ có mực nước thấp để đảm bảo cho phát điện.
Về vận hành nguồn thuỷ điện trong thời gian tới, cơ quan quản lý yêu cầu các nhà máy thủy điện khai thác theo tình hình thủy văn thực tế và định hướng điều tiết tối ưu trong kế hoạch vận hành tháng 5/2024, đáp ứng ràng buộc lưới điện/nhu cầu hệ thống, mực nước và yêu cầu cấp nước hạ du theo Quy trình liên hồ.
Các thủy điện ở miền Bắc phải tiết kiệm triệt để nguồn nước, đặc biệt các hồ có mực nước thấp. Ở miền Trung và miền Nam có thể huy động tiết kiệm các thủy điện theo tình hình thủy văn thực tế và mực nước kế hoạch tháng để đảm bảo cung ứng điện. Cơ quan quản lý cũng yêu cầu các đơn vị vận hành linh hoạt hồ chứa theo lưu lượng nước về để đảm bảo mục tiêu tích nước tối đa cho cao điểm mùa khô năm 2024.
Điều tiết và vận hành các hồ chứa thủy điện giữ cao mức nước ở miền Bắc (tối thiểu duy trì được cột nước tính toán đến 01/07) nhằm hạn chế suy giảm công suất do cột áp và nâng cao công suất khả dụng cho hệ thống điện miền Bắc; chấp nhận nguy cơ xả tràn trong trường hợp lũ về bất chợt. Bám sát tình hình vận hành thức tế (phụ tải, thủy văn, sự cố…) để đánh giá nhu cầu điều chỉnh chiến lược vận hành phù hợp, cập nhật trong các phương thức tháng/tuần/ngày. Ưu tiên dành nguồn nước dự phòng tối đa để phát điện trong thời gian cao điểm, tăng cường các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm theo đúng chỉ đạo tại Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15/4/2024.
Ngoài ra, theo thống kê của Cục Điều tiết Điện lực, trong 19 các nguồn điện được huy động để tối đa để đảm bảo cung ứng. Theo đó, nhiệt điện than sản lượng trung bình ngày trong tuần khoảng 570,9 triệu kWh (cao hơn 21,8 triệu kWh so với kế hoạch tháng 5. Hiện tại đã huy động toàn bộ các tổ máy nhiệt điện than khả dụng trên hệ thống. Tổng sản lượng thiếu hụt do sự cố và suy giảm công suất trong tuần lần lượt là 256,85 triệu kWh và 133,49 triệu kWh. Không có tổ máy bất khả dụng do thiếu than.
Sản lượng trung bình ngày của nhiệt điện khí khoảng 92,3 triệu kWh (cao hơn 6,6 triệu kWh so với kế hoạch tháng 5. Các tổ máy huy động để đảm bảo khả dụng nguồn, đáp ứng nhu cầu phụ tải, tiết kiệm thủy điện và chế độ lưới điện cũng như yêu cầu vận hành của hệ thống cấp khí. Trong tuần qua tiếp tục huy động các tổ máy Phú Mỹ 21, Phú Mỹ 4 sử dụng khí LNG để tăng khả dụng nguồn và hỗ trợ tiết kiệm thủy điện miền Bắc. NMĐ BOT Phú Mỹ 3 tiếp tục huy động bằng nhiên liệu khí LNG để tăng khả dụng nguồn và hỗ trợ tiết kiệm thủy điện miền Bắc.
Năng lượng tái tạo trung bình ngày khoảng 117,1 triệu kWh (cao hơn 17,9 triệu kWh so với kế hoạch tháng 5), trong đó nguồn gió là 28,4 triệu kWh (cao hơn 8,2 triệu kWh so với kế hoạch tháng 5). Huy động theo công bố và khả năng phát dự kiến theo năng lượng sơ cấp của nhà máy có xét đến ràng buộc truyền tải của lưới điện và khả năng hấp thụ của hệ thống.
Các đơn vị tiếp tục vận hành, đảm bảo cung ứng điện ổn định, an toàn nhất là trong các tháng cao điểm nắng nóng.
Để đảm bảo cung ứng điện, Cục Điều tiết Điện lực yêu cầu các nhà máy điện bám sát kế hoạch sửa chữa thiết bị của nhà máy đảm bảo khả dụng vận hành sau sửa chữa chuẩn bị cho mùa khô 2024; khẩn trương khắc phục và đưa vào vận hành trở lại các tổ máy bị sự cố. Cục Điều tiết Điện lực đề nghị Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGas) tăng cường các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao khả năng vận hành linh hoạt, an toàn, ổn định của hệ thống khí, đáp ứng việc huy động các tổ máy tuabin khí theo nhu cầu hệ thống điện, đồng thời đảm bảo ưu tiên cấp khí cho phát điện đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 14/02/2024.
Các nhà máy điện có khả năng chạy dầu đảm bảo nguồn nhiên liệu FO/DO để sẵn sàng huy động đáp ứng phụ tải đỉnh cũng như bù đắp sản lượng điện năng trong trường hợp xảy ra sự cố xếp chồng các tổ máy lớn trên hệ thống. Đặc biệt, các nguồn nhiệt điện than dự kiến có tổng sản lượng huy động chiếm ~52 – 60% tổng sản lượng hệ thống điện Quốc gia trong giai đoạn các tháng cao điểm mùa khô.
Do đó, chủ đầu tư các nhà máy điện (đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện than tại miền Bắc) đảm bảo độ khả dụng sẵn sàng, độ tin cậy của các tổ máy và cả nhà máy, không để xảy ra sự cố trong các tháng cao điểm mùa khô; chuẩn bị đủ nhiên liệu cho phát điện theo nhu cầu huy động của hệ thống. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, có tính quyết định đến khả năng đảm bảo cung cấp điện an toàn trong các tháng cao điểm mùa khô.
Cục Điều tiết Điện lực cũng yêu cầu các đơn vị phát điện chủ động báo cáo, cung cấp thông tin khả thi, có tính chính xác về tình hình vận hành tổ máy, nguyên nhân sự cố, thời gian khắc phục, tồn kho than, dự kiến tiến độ và kế hoạch nhập than, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhà máy sẵn sàng phát điện nhưng thiếu nhiên liệu than không phát đủ công suất, để có cơ sở lập kế hoạch vận hành cho các tháng còn lại trong năm 2024.
Việc không cung cấp hoặc cung cấp thông tin không có tính khả thi và chính xác sẽ gây ảnh hưởng tới huy động các nhà máy điện khác cũng như việc đảm bảo an ninh cung ứng điện toàn hệ thống Quốc gia/miền. Cục Điều tiết Điện lực yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền tiết kiệm điện, kiên trì thực hiện chương trình điều hòa, điều tiết phụ tải nhằm đáp ứng công suất đỉnh hệ thống điện trên phạm vi ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Lê Thành
Bình luận