Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 12:01
Thứ bảy, 31/12/2022 07:12
TMO - Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, trong năm 2022, 5/5 chỉ tiêu của ngành đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả việc triển khai các đề án, chương trình của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong bảo vệ, phát triển và khai thác rừng trên cả nước.
Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, trong năm 2022 cả nước đã trồng được 259.615 ha rừng, đạt 106,4% so với kế hoạch (rừng phòng hộ 8.636 ha, rừng đặc dụng 1.611 ha, rừng sản xuất 249.369 ha. Ngoài ra, cả nước cũng trồng được 122 triệu cây phân tán, đạt 103% so với kế hoạch. Tỷ lệ che phủ rừng giữ ở mức 42,02%, đạt mục tiêu đề ra.
Về bảo vệ rừng 3.624 vụ phá rừng được phát hiện và xử lý. Diện tích rừng bị tác động là 1.081ha, giảm 1% so với năm 2021. Số vụ cháy rừng giảm 111 vụ, còn 85 vụ, tương ứng giảm 57% so với năm 2021. Diện tích rừng bị thiệt hại do cháy là 41,35ha, giảm 1.470ha, tương ứng giảm 97,3% với năm 2021. Về khai thác lâm sản, sản lượng gỗ khai thác ước khoảng 19.698,8 nghìn m3, đạt 106,47% kế hoạch, bằng 107,2% năm 2021; sản lượng củi đạt 18,6 triệu ste, tăng 1% so với năm 2021.
Thu dịch vụ môi trường rừng đạt 3.686,96 tỷ đồng đạt 122,9% kế hoạch thu năm 2022; tăng 20,6% so với năm 2021. Trong đó Quỹ Trung ương thu được 2.285 tỷ đồng, còn lại là quỹ tỉnh. Trong năm 2022, Quỹ tỉnh đã thực hiện chi 2.804 tỷ đồng tiền năm 2021 (đạt hơn 108% kế hoạch) và tạm ứng 961,24 tỷ đồng tiền năm 2022 cho các chủ rừng.
Năm 2022 ngành Lâm nghiệp hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong bảo vệ, phát triển và khai thác rừng. Ảnh: V. Cường
Điều này đã góp phần kích thích các chủ rừng tích cực bảo vệ rừng và nhân rộng diện tích rừng trồng. Đến nay đã có 334 chủ rừng xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt với tổng diện tích khoảng 4 triệu ha, đạt 48,53% so với tổng diện tích rừng được giao. Còn lại 195 chủ rừng đang xây dựng phương án, 212 chủ rừng chưa có phương án với tổng diện tích khoảng 4,2 triệu ha.
Đặc biệt, giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2022 ước đạt 16,928 tỷ USD, tăng 6,1% so với năm 2021. Trong đó: Gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 15,85 tỷ USD, tăng 7%; lâm sản ngoài gỗ ước đạt tỷ 1,1 USD, giảm 1,3%. 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, chiếm khoảng 91%. Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2022 ước đạt 2,82 tỷ USD, tăng 4,1% so với 2021. Xuất siêu ước đạt 14,10 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ.
Bên cạnh những thành tích đạt được, Tổng cục Lâm nghiệp cũng thông tin về những hạn chế của ngành như hạ tầng phát triển lâm nghiệp chưa được đầu tư đúng mức, nhất là tại các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp. Các chính sách chưa đủ hấp dẫn để thu hút người dân và doanh nghiệp đầu tư vào trồng rừng thâm canh. Thu nhập trên mỗi ha rừng trồng còn thấp, chỉ đạt bình quân 10 triệu đồng/ha/năm, dẫn đến thu nhập từ trồng rừng của người trồng rừng chỉ chiếm 25% tổng thu nhập. Kinh phí bảo vệ rừng còn ít, nơi có nơi không, hoặc cấp không kịp thời khiến nhiều chủ rừng phải nợ tiền.
Lực lượng kiểm lâm phối hợp với địa phương tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng
Ngành Lâm nghiệp đặt một số mục tiêu trong năm 2023 như: Tăng giá trị sản xuất từ 5 - 5,5%; giá trị xuất khẩu lâm sản 17,5 tỷ USD; trồng rừng tập trung 245.000ha, trồng phân tán 140 triệu cây; khai thác 22 triệu m3 gỗ rừng trồng; thu dịch vụ môi trường rừng 3.000 tỷ đồng và xây dựng 5 văn bản quy phạm pháp luật.
Để đạt được mục tiêu đề ra cho năm 2023, và thúc đẩy phát triển rừng và lâm nghiệp trong những năm tới, Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ phê duyệt Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp; Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2014-NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
Đề nghị phê duyệt Đề án thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu; Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Ngành Lâm nghiệp cần tập trung thực hiện phối hợp trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.
Minh Hòa
Bình luận