Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ sáu, 09/08/2024 07:08
TMO - Triển khai Đề án Phòng, chống khai thác tài nguyên khoáng sản (đất, cát, sỏi…) trái phép trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, vùng giáp ranh giữa Tiền Giang với các tỉnh (Đề án) đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 983 lượt kiểm tra, qua đó phát hiện gần 300 vụ khai thác và vận chuyển khoáng sản trái phép.
Trước đó, vào ngày 21/9/2023, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án Phòng, chống khai thác tài nguyên khoáng sản (đất, cát, sỏi…) trái phép trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và vùng giáp ranh giữa Tiền Giang với các tỉnh nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp và xử lý triệt để tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh và vùng giáp ranh giữa tỉnh Tiền Giang và các tỉnh, qua đó tạo sự ổn định chính trị - xã hội cũng như bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh lựa chọn các khu vực đã xác định được trữ lượng, tài nguyên khoáng sản, thuộc quy hoạch khoáng sản đã được phê duyệt báo cáo UBND tỉnh cấp phép, đấu giá quyền khai thác khoáng sản đúng quy định nhằm hạn chế tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Công an tỉnh chủ trì thực hiện cũng như phối hợp Công an các tỉnh giáp ranh tổ chức xây dựng triển khai các phương án đấu tranh, ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép tại khu vực giáp ranh. Công an tỉnh công bố đường dây nóng và công khai số điện thoại để người dân biết, tố giác kịp thời các hoạt động khai thác, tập kết khoáng sản trái phép, có trách nhiệm bảo vệ người tố giác theo quy định của pháp luật.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quản lý thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý người, phương tiện khai thác, vận chuyển, tập kết khoáng sản trái phép, không rõ nguồn gốc hợp pháp trong khu vực biên giới biển, vùng biển. Chủ tịch UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản trên địa bàn quản lý, trong đó quy định trách nhiệm, xử lý người đứng đầu thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật.
Cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang lập biên bản, xử lý các trường hợp khai thác cát trái phép trên sông Tiền.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết, qua 9 tháng triển khai đề án phòng, chống khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép trên địa bàn, vùng giáp ranh giữa tỉnh Tiền Giang với các tỉnh trong khu vực, ngành chức năng của địa phương đã phát hiện 294 vụ vi phạm, với 405 đối tượng, tịch thu 16.800m3 cát. Tổng số tiền xử phạt khoảng 10,5 tỷ đồng.
Trong đó, lực lượng chức năng tỉnh Tiền Giang phát hiện 55 vụ việc khai thác cát trái phép, với 117 đối tượng vi phạm, đã xử phạt với số tiền hơn 8 tỷ đồng, tịch thu gần 550m3 cát; phát hiện 223 vụ vận chuyển cát không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ, với 258 đối tượng vi phạm, đã xử phạt với số tiền gần 2,5 tỷ đồng, tịch thu hơn 16.300m3 cát; phát hiện 16 phương tiện vi phạm không đăng ký, đăng kiểm với 5 đối tượng, đã xử phạt với số tiền 32 triệu đồng, còn 11 trường hợp đang xác minh xử lý theo quy định. Ngoài ra, Công an tỉnh Tiền Giang cũng đã tiếp cận khởi tố 4 vụ, với 4 bị can về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”.
Hiện nay, nguồn tài nguyên khoáng sản - cát lòng sông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chủ yếu tập trung ở 2 nhánh sông chính là sông Tiền và sông Vàm Cỏ. Theo quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát lòng sông tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 đã được HĐND tỉnh Tiền Giang thông qua tại Nghị quyết 62/2013/NQ-HĐND, trữ lượng cát có thể đầu tư khai thác đạt hiệu quả kinh tế là khoảng 50,3 triệu m3; lượng cát bổ cập hằng năm khoảng 6,4 triệu m3. Qua rà soát theo kết quả thăm dò, phê duyệt trữ lượng thì tổng trữ lượng cát trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn lại tại 35 khu vực mỏ là khoảng 40,7 triệu m3.
Thời gian tới tỉnh Tiền Giang tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản.
Để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý về khoáng sản, giúp địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tháng 5/2023, Sở TN&MT Tiền Giang đã trình UBND tỉnh Đề án “Quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên cát tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023-2025 và sau 2025”, đề án được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 8/2023. Đề án đề cập đến các giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trong mỗi giải pháp đều đề xuất các biện pháp tổ chức thực hiện, phân công rõ ràng trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan.
Cụ thể, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tài nguyên cát; nâng cao vai trò trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu từ huyện đến xã; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi và công tác quản lý nhà nước về khoáng sản của các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã.
Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh, Tổ công tác liên ngành các cấp; đảm bảo kinh phí cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; thực hiện tốt chính sách đảm bảo quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; tăng cường kiểm tra, giám sát chống thất thu thuế, tăng thu cho ngân sách Nhà nước từ hoạt động khai thác cát, sỏi; tăng cường sự phối hợp của các cấp, ngành, tổ chức chính trị xã hội trong quản lý, bảo vệ tài nguyên cát, sỏi.
Đăc biệt, UBND tỉnh Tiền Giang giao UBND cấp huyện và xã có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện “Phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”; tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn, xử lý kịp thời hoạt động khai thác tài nguyên cát trái phép; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại các khu vực có khoáng sản; đồng thời, tổ chức vận động các chủ phương tiện ghe bơm hút là người địa phương ký cam kết không tham gia khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi lòng sông trái phép.
Để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên khoáng sản, Sở TN&MT Tiền Giang cũng sẽ chủ trì, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với những giấy phép khai thác tại khu vực khoanh định không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đảm bảo đúng quy định, tăng thu cho ngân sách nhà nước từ hoạt động khoáng sản. Cạnh đó, Sở TN&MT rà soát, tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở những khu vực chưa thăm dò hoặc những khu vực nhà nước đầu tư thăm dò; đồng thời, kiểm tra, phê duyệt phương tiện khai thác phù hợp theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Vũ Hà
Bình luận