Hotline: 0941068156
Thứ tư, 04/12/2024 15:12
Thứ sáu, 29/11/2024 06:11
TMO - Những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên Đán, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tươi sống từ gia súc, gia cầm tăng mạnh. Để phục vụ tốt nhu cầu thị trường, đảm bảo cung ứng đủ thực phẩm trong dịp Tết cổ truyền, người chăn nuôi tỉnh Yên Bái đã và đang tích cực, tập trung tái đàn và phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Nhằm hạn chế rủi ro trong chăn nuôi, ngành chăn nuôi tỉnh Yên Bái và các địa phương trên địa bàn tỉnh đang triển khai đồng bộ, quyết liệt, các giải pháp tái đàn, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi theo chỉ đạo của ngành Nông nghiệp tỉnh, trong đó, chú trọng công tác tiêm phòng vaccine tạo miễn dịch chủ động cho đàn vật nuôi; thực hiện nghiêm việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, tránh tình trạng phát sinh dịch bệnh và lây lan trên diện rộng, nhất là thời điểm giao mùa như hiện nay.
Đồng thời tích cực tái đàn vật nuôi, nhất là sau khi bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, toàn tỉnh thiệt hại gần 8.750 con gia súc và 327.450 con gia cầm. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại thiệt hại ước tính trên 1.420 tấn; trong đó, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc chính trên 842 tấn. Đại diện phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) cho biết, tại huyện Trấn Yên, hoàn lưu bão số 3 đã làm trôi, làm chết 222 nghìn vật nuôi, trong đó đa số là gia cầm ở 18/21 xã, thị trấn. Các địa phương bị thiệt hại nặng là: Việt Thành, Minh Quán, Cường Thịnh, Báo Đáp, thị trấn Cổ Phúc…
Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống người chăn nuôi và nhu cầu thịt hơi trên thị trường. Để nhanh chóng phục hồi đàn vật nuôi, ngành nông nghiệp huyện Trấn Yên đã tăng cường cán bộ xuống cơ sở rà soát, kiểm kê, đánh giá và hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật giúp người dân nhanh chóng tái đàn, phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp Tết.
Đặc biệt, ngành chức năng cũng khuyến cáo người chăn nuôi cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, cung cấp bởi những cơ sở cung ứng có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định; không tái đàn khi chưa đảm bảo vệ môi trường và an toàn dịch bệnh.
Để đáp ứng nhu cầu thực phẩm tươi sống trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ, ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái đã xây dựng phương án khôi phục sản xuất sau bão số 3, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi.
Đến nay, đàn lợn đã khôi phục được 10.080 con, đạt 102,7 % kế hoạch; đàn gia cầm khôi phục được 424.800 con, đạt 103,7% kế hoạch; đàn trâu, bò đã phát triển được 480 con, đạt 816% so với số thiệt hại. Thông tin từ Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái, qua đánh giá, lĩnh vực chăn nuôi đã hoàn thành vượt mức so với phương án khôi phục sản xuất sau ảnh hưởng của bão số 3 và bù đắp giá trị cho thiệt hại từ lĩnh vực trồng trọt của ngành nông nghiệp. Theo số liệu thống kê, tổng đàn gia súc chính trên địa bàn toàn tỉnh đến nay ước đạt 883.410 con, đạt 101,3% kế hoạch, trong đó đàn trâu 101.970 con, đàn bò trên 44.475 con, đàn lợn khoảng 737.000 con.
Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái có khoảng 737 nghìn con lợn. (Ảnh minh hoạ).
Tổng đàn gia cầm ước đạt trên 7,8 triệu con, đạt 103% kế hoạch. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt 75.880 tấn. Nhu cầu thực phẩm từ nay đến cuối năm sẽ tăng, nhiều hộ chăn nuôi đang tập trung tái đàn và nâng số lượng đàn vật nuôi.
Chính vì vậy, để ngăn ngừa dịch bệnh, bảo vệ an toàn cho đàn gia súc, gia cầm dịp cuối năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thời gian này đang tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng chống rét cho đàn vật nuôi, nhất là sửa chữa chuồng trại đảm bảo đủ ấm cho đàn gia súc, dự trữ thức ăn, tiêm phòng để đề phòng dịch bệnh phát sinh.
Để đảm bảo cung ứng nguồn thực phẩm từ vật nuôi trong dịp Tết cổ truyền, Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái thông tin, Chi cục đã chỉ đạo cán bộ thú y cơ sở tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, đặc biệt đối với các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm; lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi nhằm phát hiện kịp thời và nhanh chóng dập tắt.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đã thường xuyên phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại, các cơ sở giết mổ tập trung; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong dịp Tết.
Trước đó, nhằm bảo đảm ngành chăn nuôi phát triển bền vững, trong năm 2024, theo Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh Yên Bái, ngân sách tỉnh đã bố trí gần 49 tỷ đồng hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi.
Cùng với đó, trong thời gian tới, các ngành chức năng tích cực tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường không để xảy ra tình trạng sốt giá; bảo vệ người tiêu dùng và người chăn nuôi, ngăn chặn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ xâm nhập thị trường bảo đảm nguồn cung thực phẩm thịt sạch vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ - 2025. Với sự chủ động của ngành chức năng, người chăn nuôi kỳ vọng sản phẩm chăn nuôi dịp cuối năm phong phú, đa dạng và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Trung Nghĩa
Bình luận