Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 00:11
Thứ năm, 02/06/2022 11:06
TMO – Thủy lợi Bắc Hưng Hải có chiều dài khoảng 200km chạy qua các địa phận Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương, là hệ thống kênh, đập, trạm bơm, đê điều nhằm phục vụ việc tưới tiêu và thoát ứng cho một khu vực trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải được xây dựng từ năm 1958 với tổng chiều dài khoảng 200km, phía Tây giáp với sông Hồng, phía Bắc giáp với sông Đuống, phía Đông giáp với sông Thái Bình, phía Nam giáp với sông Luộc. Mỗi tỉnh thành Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương đều có một phần địa bàn của mình trong tứ giác này. Vì thế hệ thống thủy lợi này được đặt tên là “Bắc - Hưng - Hải”.
Khí thế sôi nổi trên đại công trường thủy lợi Bắc Hưng Hải. (Ảnh tư liệu)
Ông Nguyễn Văn Độc (huyện Gia Lộc, Hải Dương) chia sẻ: Khi chưa có hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, vụ mùa nào nông dân quê tôi cũng nơm nớp lo mưa to, nước lớn lại ngập trắng đồng. Cấy lúa hai vụ bấp bênh, năng suất thấp nên đói kém, mất mùa liên tục. Vào vụ mùa, ở những vùng trũng thấp, chúng tôi chỉ biết cấy lúa hom vì chỉ giống lúa này mới chịu ngập tốt. Năng suất lúa vụ cao nhất cũng chỉ đạt 80kg/sào. Cảnh "mười năm chín hạn", "sống ngâm da, chết ngâm xương" đã trở thành nỗi ám ảnh của nông dân nhiều địa phương trước khi có hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. “Trong khi nhiều vùng của các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang thường xuyên phải chịu cảnh khô hạn, thiếu nước thì những vùng trũng thấp ở Gia Lộc, Tứ Kỳ lại trở thành rốn lũ”, ông Độc nói.
Trước thực trạng trên, tháng 6/1956, ngành thủy lợi đã tập trung nghiên cứu xây dựng hệ thống thủy lợi Bắc hưng Hải và sau hơn 2 năm nghiên cứu, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải chính thức được khởi công xây dựng vào ngày 1/10/1958. Công trình được coi là cuộc cách mạng thủy lợi, khởi đầu cho công cuộc “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”. Công trình đã đáp ứng được yêu cầu bức thiết đổi mới sản xuất nông nghiệp, khắc phục tình trạng thiếu nước triền miên trong mùa khô hạn nhưng lại thừa nước nghiêm trọng mỗi mùa mưa bão ở các địa phương như: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên và Bắc Ninh.
Công nhân, dân công cổ vũ chương trình văn nghệ sau giờ lao động. (Ảnh tư liệu)
Từ ngày khởi công, công trường thủy lợi Bắc Hưng Hải là nơi thể hiện sức mạnh đoàn kết của toàn dân, bởi thời điểm đó điều kiện máy móc hầu như không có, chỉ có vài chiếc xe tải, cần cẩu, máy phát điện nên phần lớn các công trình được làm thủ công, hoàn toàn phụ thuộc vào sức dân. Các địa phương được hưởng lợi từ công trình này đều phải cử người tham gia xây dựng công trình.
Ông Lê Văn Thạch (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) nhớ lại những ngày cùng nam nữ thanh niên trong làng đi đắp đê, đào kênh, một trong những công trình dẫn nước lớn trong hệ thống Bắc hưng Hải. Ông chia sẻ: "Ngày ấy, trừ người già, trẻ nhỏ, toàn bộ thanh niên nam nữ trong làng đều hăng hái tự nguyện đi dân công làm thủy lợi. Công trường đào kênh chỉ cách nhà vài kg nên từ sáng sớm chúng tôi đi bộ mang cơm nắm, cuốc xẻng lỉnh kỉnh lên đường. Cả xã chia thành các nhóm đi dân công theo đợt, gối nhau. Nhóm này làm xong khối lượng công việc được giao thì nhóm khác lên thay".
Người dân vui mừng trong ngày mở van cống dẫn nước. (Ảnh tư liệu)
Tại Hải Dương, có thời điểm công trường xây đập, đào kênh Bắc hưng Hải phải huy động đến 2 vạn người. Dòng người đào đất, đắp kênh dài tới 3 cây số. Tại các công trường, lực lượng lao động được phân công nhiệm vụ khá cụ thể. Bộ đội tham gia chủ yếu vào việc đào hố, làm móng cống và các cửa kênh dẫn nước. Dân công huy động ở các địa phương chủ yếu đào kênh, làm lán trại, giải phóng mặt bằng hoặc sửa đường trên các công trường. Phong trào thi đua đào nhanh, đắp gọn được phát động khắp công trường. Nam giới có sức khỏe cường tráng được phân công đào đất còn chị em thay nhau chuyển đất lên đắp bờ kênh. Mỗi người đứng cách nhau chỉ từ 50-60 cm để chuyển đất nhịp nhàng, nhanh chóng.
Trên các công trình Bắc Hưng Hải, công nhân, lao động, dân công làm việc không ngừng nghỉ. Khí thế lao động hăng say từ công trường này truyền đến công trường khác. Ngày 30/4/1959, chính thức mở cống Xuân Quan (công trình đầu mối của hệ thống Bắc Hưng Hải) dẫn nước về đồng ruộng các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và một phần tỉnh Bắc Ninh, phục vụ tưới tiêu cho khoảng 113 nghìn ha lúa, hoa màu. Ngày lấy nước vào cống Xuân Quan đã trở thành ngày hội của nhân dân các địa phương. Người dân khi ấy tự hào gọi dòng nước Bắc Hưng Hải là “nước phấn khởi”. Bởi từ đây hàng trăm nghìn ha đất lúa, hoa màu ở những vùng khô hạn được tưới mát bởi dòng nước phù sa ngọt lành lấy từ sông Hồng chảy qua cống Xuân Quan về khắp các địa phương nơi có hệ thống Bắc Hưng Hải đi qua.
Còn nữa…[Bắc Hưng Hải]: Nỗi ám ảnh của người dân sống gần khu vực (Bài 2)
Lê Hùng – Tú Quyên
Bình luận