Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 00:11
Thứ hai, 19/12/2022 07:12
TMO - Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Thuận tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm trong các hoạt động thủy sản; phòng ngừa và giải quyết các sự cố môi trường; bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và môi trường sống, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học.
Tại Kế hoạch triển khai Đề án của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh, tỉnh Bình Thuận chú trọng đến các giải pháp nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; từng bước xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành thủy sản của tỉnh.
Theo đó, địa phương này phấn đấu đến năm 2030, nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản được điều tra, đánh giá, quản lý và kiểm soát; chấm dứt việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học. Xử lý các vấn đề môi trường trong hoạt động thủy sản; tăng cường năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường trong ngành thủy sản.
Ngoài ra, hoạt động bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; bảo vệ môi trường sống các loài thủy sinh, phục hồi hệ sinh thái quan trọng đối với nguồn lợi thủy sản (thảm cỏ biển, rạn san hô...) được triển khai hiệu quả, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học. 100% cán bộ, công chức, viên chức ngành thủy sản; 80% doanh nghiệp thủy sản; từ 30 - 50% ngư dân, hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh được tập huấn/phổ biến pháp luật, đề án, kế hoạch bảo vệ môi trường ngành thủy sản. Góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; duy trì hàng năm 8% diện tích nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt và bền vững. Mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong chuỗi giá trị thủy sản được nghiên cứu, áp dụng và từng bước được nhân rộng...
Tỉnh Bình Thuận hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
Để triển khai hiệu quả Kế hoạch trên, thời gian tới UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng, các địa phương rà soát, đề xuất bộ, ngành Trung ương xây dựng/sửa đổi, bổ sung các văn bản quản lý nhà nước, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản; Cập nhật, phổ biến và triển khai kịp thời các quy định, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương về phòng ngừa, kiểm soát nguồn thải trong hoạt động thủy sản; hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản; quy định thực hiện mục tiêu thu gom, giảm thiểu chất thải từ các hoạt động sản xuất thủy sản.
Trong đó, chủ động phòng ngừa, quản lý, kiểm soát nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản; quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành thủy sản (quan trắc đất, nước, trầm tích) thông qua điều tra đánh giá lượng thải từ các hoạt động sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh (hoạt động khai thác thủy sản, vùng nuôi trồng thủy sản, hoạt động tại cảng cá, cơ sở chế biến thủy sản); gắn với dự án “Điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường biển và hải đảo” của tỉnh và đề xuất giải pháp quản lý. đánh giá lượng thải từ các hoạt động sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh (hoạt động khai thác thủy sản, vùng nuôi trồng thủy sản, hoạt động tại cảng cá, cơ sở chế biến thủy sản); gắn với dự án “Điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường biển và hải đảo” của tỉnh và đề xuất giải pháp quản lý.
UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chú trọng bảo vệ môi trường trong nuôi thủy sản lồng bè
Kiểm kê, đánh giá nguồn vốn tự nhiên thủy sản phục vụ phát triển bền vững ngành thủy sản qua thực hiện điều tra, đánh giá, kiểm kê nguồn vốn tự nhiên thủy sản theo chuyên đề (giá trị vật thể, giá trị phi vật thể... của nguồn lợi thủy sản, môi trường sống thủy sản, hệ sinh thái thủy sản...) phục vụ phát triển ngành thủy sản của tỉnh; Thành lập và triển khai hiệu quả Quỹ Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh theo quy định và hướng dẫn của trung ương.
Đặc biệt, UBND tỉnh nhấn mạnh đến nhiệm vụ thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản: Chú trọng áp dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và xử lý chất thải, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên thủy sản, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong các hoạt động thủy sản trên địa bàn tỉnh; Nghiên cứu, xây dựng và từng bước áp dụng mô hình doanh nghiệp/cơ sở/tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản, chế biến, khai thác, kinh doanh thủy sản theo hướng sản xuất xanh, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường; Nghiên cứu, từng bước xây dựng và áp dụng mô hình quản lý chất thải, rác thải trong các hoạt động khai thác thủy sản trên biển; hoạt động tại cảng cá; vùng nuôi trồng thủy sản/cơ sở nuôi trồng thủy sản, cơ sở/hộ gia đình thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, thực hiện bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái quan trọng góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học với việc bảo vệ cải thiện chất lượng môi trường sống của các loài thủy sản (môi trường, các hệ sinh thái rạn san hô, rạn đá ngầm, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn,...); Phát huy hiệu quả hoạt động của Khu bảo tồn biển Hòn Cau; thành lập và đưa Khu bảo tồn biển Phú Quý đi vào hoạt động; nghiên cứu, rà soát các khu vực biển có tiềm năng để mở rộng diện tích khu bảo tồn biển hoặc thành lập các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản của tỉnh gắn với việc thúc đẩy phát triển các mô hình đồng quản lý; Nghiên cứu Xây dựng và thực hiện Dự án về phục hồi các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, các khu vực cửa sông, ven biển, biển gắn với bãi đẻ, bãi giống của các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, các loài có giá trị kinh tế, các loài đặc hữu, bản địa của tỉnh.
Minh Tuấn
Bình luận