Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 12:01
Thứ ba, 10/01/2023 11:01
TMO - Thời gian tới, tỉnh Lào Cai triển khai các nhiệm vụ trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; thực hiện tiếp cận hệ sinh thái trong bảo tồn và sử dụng đa dạng sinh học.
Tại Kế hoạch Hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, địa phương này nhấn mạnh đến mục tiêu điều tra, kiểm kê, quan trắc, thiết lập và vận hành cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh. Gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ; đa dạng sinh học được bảo tồn và sử dụng bền vững góp phần phát triển kinh tế xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đó, trong giai đoạn 2022-2025 tỉnh Lào Cai phấn đấu hoàn thành việc điều tra, thống kê, kiểm kê diện tích các vùng đất ngập nước trên phạm vi toàn tỉnh; xác lập được các vùng đất ngập nước quan trọng, các vùng đất ngập nước có dấu hiệu bị suy thoái và xây dựng cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước quan trọng; 33% các khu di sản thiên nhiên, khu bảo tồn được đánh giá hiệu quả quản lý theo tiêu đánh giá được ban hành.
Chủ động trong hoạt động bảo tồn: 40% các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ nằm trong phương án quản lý, giám sát tại các khu bảo tồn thiên nhiên và các khu vực có giá trị bảo tồn cao; ít nhất 10% các hệ sinh thái tự nhiên suy thoái được phục hồi. Cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học của tỉnh được xây dựng, cơ bản hoàn thiện, vận hành trên cơ sở nền tảng quản trị, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ và khai thác sử dụng dữ liệu mở về đa dạng sinh học.
Tỉnh Lào Cai chú trọng bảo vệ các loài thực, động vật tiêu biểu của địa phương như hoa đỗ quyên tại VQG Hoàng Liên. Ảnh: NB
Giai đoạn 2025-2030 sẽ mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống các di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên; trên 60% khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên được đánh giá đạt hiệu quả quản lý. Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt trên 60%; 100% Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên thực hiện chương trình kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học theo bộ chỉ tiêu kiểm kê, chỉ thị quan trắc.
Tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học và an toàn sinh học; 100% chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình dự án đầu tư công thực hiện lồng ghép các yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học. Nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân và các tổ chức về tầm quan trọng, giá trị của các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tự nguyện tham gia bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học.
Đặc biệt, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương này phấn đấu thực hiện hiệu quả các kế hoạch bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững đa dạng sinh học về giống, loài, nguồn gen, sinh vật và hệ sinh thái của tỉnh; có biện pháp phòng dịch, chế độ chăm sóc, chữa bệnh các loài tại cơ sở, địa phương; Các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, nguồn gen quý, hiếm được phục hồi, bảo tồn; đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được lượng giá đầy đủ, sử dụng bền vững và mang lại lợi ích thiết yếu cho người dân, góp phần đảm bảo an ninh sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu...
Đối với nhiệm vụ bảo tồn, phục hồi và phát triển đa dạng sinh học, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng triển khai quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh (lồng ghép trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh giai đoạn đến năm 2030). Củng cố hệ thống các di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên hiện có (Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát...).
Áp dụng biện pháp bảo tồn hiệu quả tại các khu vực ngoài Khu Bảo tồn thiên nhiên; khoanh nuôi tái sinh, phục hồi tự nhiên các hệ sinh thái bị suy thoái trong các Khu Bảo tồn thiên nhiên, các khu vực đa dạng sinh học cao, hành lang đa dạng sinh học. Phục hồi hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị suy thoái. Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, hệ thống quan trắc đa dạng sinh học; thử nghiệm và từng bước áp dụng các mô hình đồng quản lý Vườn Quốc gia, khu Bảo tồn thiên nhiên ở những địa bàn phù hợp (giữa Ban Quản lý và cộng đồng).
Bảo tồn và phục hồi các loài hoang dã nguy cấp, đặc biệt các loài động thực vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên, bảo vệ,thông qua việc xây dựng, thực hiện Chương trình bảo tồn các loài động thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Duy trì hoạt động Trung tâm cứu hộ động vật Hoàng Liên - Sa Pa. Điều tra, đánh giá thực trạng các loài động thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.
Định kỳ cập nhật và công bố Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Mở rộng và tăng cường năng lực mạng lưới các trung tâm cứu hộ bảo đảm nhu cầu cứu hộ các loài hoang dã phù hợp với tình hình địa phương. Thành lập, phát triển vườn cây thuốc tại Sa Pa; vườn thực vật Bát Xát (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát); Vườn thực vật Văn Bàn (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn). Thực hiện bảo tồn tại chỗ các loài cây dược liệu có giá trị.
UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương đẩy mạnh nghiên cứu, bảo vệ và phát triển các nguồn gen nhất là các loại dược liệu có giá trị cao trên địa bàn tỉnh. Ảnh: BLC
Tăng cường công tác bảo tồn nguồn gen, quản lý tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích và bảo vệ tri thức truyền thông về nguồn gen với công tác điều tra, đánh giá các nguồn gen cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật nông nghiệp; xây dựng chương trình bảo tồn sử dụng và phát triển bền vững các giống cây trồng, vật nuôi bản địa, nhất là các giống loài đặc hữu, quý, hiếm, có giá trị kinh tế - xã hội.
Đa dạng hóa các giống cây trồng, vật nuôi; bảo tồn giống cây trồng, vật nuôi và họ hàng hoang dại của các giống cây trồng, vật nuôi. Nghiên cứu lựa chọn để xây dựng thành thương hiệu các đặc sản cây, con (như mận Tam Hoa Bắc Hà, tương ớt Mường Khương, lợn đen Mường Khương...) cho nhiều vùng dân tộc gắn với việc tìm đầu ra cho sản phẩm, tạo chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm trên thị trường góp phần xoá đói giảm nghèo cho người dân.
Ngoài ra, thời gian tới địa phương này điều tra, kiểm kê, thống kê đánh giá và xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học; Sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái thông qua rà soát các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên trên địa bàn tỉnh, xác lập, công nhận/đề nghị công nhận di sản thiên nhiên theo quy định. Thực hiện các mô hình du lịch sinh thái bền vững tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát.
Phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù gắn kết và góp phần bảo tồn đa dạng sinh học. Bảo tồn, phát triển lâm sản ngoài gỗ và dược liệu đặc thù của tỉnh theo hướng thâm canh, bền vững, góp phần cải thiện sinh kế, tạo nguồn thu nhập, xoá đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nhân rộng mô hình quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên di truyền khu vực rừng cộng đồng thôn Tả Chải, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa tại các địa phương trong tỉnh.
Đồng thời, kiểm soát các hoạt động gây tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học với hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất; rừng, mặt nước, phương thức canh tác, khai thác kém bền vững và các hoạt động gây ô nhiễm môi trường; Kiểm soát nạn khai thác, nuôi nhốt, buôn bán và tiêu thụ động vật, thực vật hoang dã trái pháp luật; Ngăn ngừa, kiểm soát chặt chẽ và phòng trừ có hiệu quả các loài sinh vật ngoại lai xâm hại; tăng cường quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen...
Nguyễn Minh
Bình luận