Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Thứ ba, 12/09/2023 14:09
TMO - Đến nay, vẫn còn rất nhiều tồn tại, hạn chế chưa được xử lý dứt điểm, triệt để theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 03. Việc này không chỉ tác động nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu thủy sản mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh, uy tín, vị thế ngoại giao của quốc gia trên trường quốc tế.
Kết luận tại Hội nghị thúc đẩy các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) nêu rõ, sau gần 6 năm chống khai thác IUU, kết quả thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU đã có nhiều chuyển biến tích cực được phía EC ghi nhận. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn rất nhiều tồn tại, hạn chế chưa được xử lý dứt điểm, triệt để theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 03.
Việc này không chỉ tác động nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu thủy sản mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh, uy tín, vị thế ngoại giao của quốc gia trên trường quốc tế. Vì vậy, Chính phủ yêu cầu các ban, bộ, ngành và địa phương có liên quan phải đặt trách nhiệm cao nhất tại thời điểm hiện nay, tập trung triển khai hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ đã giao trước đó.
(Ảnh minh họa)
Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao tiếp tục tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra, hướng dẫn khắc phục, xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế liên quan đến chống khai thác IUU tại địa phương; xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình làm việc đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất để đón và làm việc với đoàn thanh tra của EC lần 4. Tập trung tham mưu công tác ngoại giao với các bên có liên quan, không để vấn đề "Thẻ vàng" ảnh hưởng đến hoạt động đối ngoại, đến các lĩnh vực khác và ngược lại cũng không để vấn đề "Thẻ vàng" của Việt Nam trở thành điểm nghẽn trong quan hệ, hợp tác giữa Việt Nam và các nước, tổ chức quốc tế và khu vực.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tiếp tục thực hiện cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại khu vực vùng biển giáp ranh, chồng lấn, chưa phân định giữa Việt Nam và các nước để kịp thời ngăn chặn, xử lý tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp; quyết tâm cao nhất không để tàu cá tiếp tục vi phạm từ nay đến tháng 10 năm 2023. Tập trung củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố, xét xử ít nhất 01 vụ về hành vi tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, giáo dục.
Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các địa phương ven biển chỉ đạo tập trung cao độ thực hiện các quy định chống khai thác IUU trong công tác quản lý đội tàu (hoàn thành đăng ký, đăng kiểm, cấp phép, lắp đặt VMS); kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu cá tại cảng cá. Thực hiện nghiêm túc công tác xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; nghiêm cấm các hành vi hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng xuất khẩu. Các lực lượng chức năng thực hiện cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; điều tra, xác minh, xử lý đảm bảo đầy đủ hồ sơ đối với các trường hợp tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, vi phạm quy định về ngắt kết nối thiết bị VMS…
Những bất cập chưa được xử lý dứt điểm về đánh bắt hải sản
Theo các chuyên gia, mặc dù các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương có biển đã và đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn tình trạng đánh bắt hải sản trái quy định. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU còn rất hạn chế, chưa quyết liệt, đồng đều giữa các địa phương; xảy ra hiện tượng hợp thức hóa hồ sơ xác nhận đối với các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu; đặc biệt, tình hình tàu cá tiếp tục vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và bị bắt tiếp tục diễn biến phức tạp… Với nhưng tồn tại này, phía EC khẳng định sẽ không xem xét gỡ "Thẻ vàng" nếu tiếp tục để tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và có nguy cơ bị cảnh báo "Thẻ đỏ".
LÝ LAN
Bình luận