Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 22:11
Chủ nhật, 14/05/2023 07:05
TMO - Phát triển kinh tế tuần hoàn hiện nay đang là xu thế chung để phát triển kinh tế xanh và bền vững. Trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao, nông nghiệp tuần hoàn thật sự là một giải pháp hợp lý nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.
Đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam” được Chính phủ ban hành (6/2022) nhằm tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn sẽ hình thành quá trình sản xuất khép kín thông qua ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào tái chế các chất thải, phụ phẩm để làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, từ đó tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, an toàn, thân thiện môi trường, hướng tới nền nông nghiệp xanh trong tương lai gần.
Phát triển kinh tế tuần hoàn hiện nay đang là xu thế chung để phát triển kinh tế xanh và bền vững. Theo thống kê, ngành nông nghiệp có nguồn phế phụ phẩm vô cùng lớn với khoảng 156,8 triệu tấn tổng sản lượng phụ phẩm. Trong đó, đối với ngành hàng lúa, khối lượng phụ phẩm ước tính 47 triệu tấn rơm rạ, 8,6 triệu tấn tro trấu, 5,6 triệu tấn cám. Đối với tôm, khối lượng phụ phẩm ước đạt 314.944 triệu tấn. Với trái cây, khối lượng phụ phẩm ước đạt 4.400.000 tấn,…
Đây là nguồn phế phụ phẩm rất lớn có thể sản xuất, chế biến ra nhiều sản phẩm có giá trị như: phế phụ phẩm từ lúa có thể sản xuất ra phân bón sinh học, thức ăn chăn nuôi, giá thể trồng nấm, đệm lót sinh học, đồ thủ công mỹ nghệ. Phụ phẩm từ tôm sản xuất ra được chiết suất, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, dầu tôm, phân bón, năng lượng tái tạo. Phụ phẩm từ cá tra sản xuất ra được chiết xuất collagen, enzyme, phân bón, dầu cá, thức ăn chăn nuôi, năng lượng tái tạo,…
Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chất thải từ hoạt động chăn nuôi được tái sử dụng kết hợp với các phụ phẩm khác sản xuất thành phân hữu cơ vi sinh. Ảnh: HN.
Những năm gần đây, ngành nông nghiệp nhiều địa phương đã triển khai các chương trình hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất có trách nhiệm với môi trường thông qua việc tái sử dụng nguồn phụ phẩm, chất thải như một nguồn nguyên liệu cho chu kỳ sản xuất tiếp theo nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn.
Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã hình thành một số mô hình nông nghiệp sử dụng phụ phẩm sản xuất theo quy trình nông nghiệp tuần hoàn và mang lại hiệu quả cao như: mô hình vườn-ao-chuồng; mô hình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp; mô hình sản xuất ủ phân bò-trùn quế-trồng cây; mô hình trồng ngô-gia súc.... Một số HTX trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng công nghệ sinh học xử lý chất thải rắn từ những phụ phẩm bỏ đi như: cành, lá, vỏ cây: nhãn, xoài, chuối… để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh dạng lỏng và rắn, bón lại cho cây trồng theo quy trình nông nghiệp tuần hoàn. Hiện trên địa bàn tỉnh có 132 trang trại hoạt động chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 514,8ha. Các trang trại sử dụng công nghệ hệ thống chuồng lạnh, sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng đệm lót sinh học...
Với diện tích canh tác lúa hàng năm trên 320.000 ha, trung bình mỗi năm, sản lượng rơm tại tỉnh Sóc Trăng đạt trên 02 triệu tấn. Nếu được tận dụng hợp lý, lượng rơm sau mỗi đợt thu hoạch lúa sẽ là nguồn nguyên vật liệu đa dụng cho một số mô hình sản xuất khác. Tại huyện Thạnh Trị, nghề trồng nấm rơm đã và đang phát triển mạnh tại huyện Thạnh Trị nhờ việc tận dụng lượng rơm có được sau mỗi đợt thu hoạch lúa. Từ mô hình trồng nấm theo phương thức truyền thống, nhằm hạn chế tác động từ thời tiết, những năm gần đây, nông dân Thạnh Trị còn có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng để phát triển mô hình trồng nấm trong nhà kín.
Ngoài lĩnh vực trồng trọt, nguồn phế, phụ phẩm trong chăn nuôi tại Sóc Trăng cũng khá lớn, đặc biệt là nghề chăn nuôi bò. Với lượng chất thải lớn từ hoạt động chăn nuôi, tỉnh đã triển khai nhiều dự án nhằm giúp người dân xử lý và tận dụng lượng phân làm nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng, giúp giảm ô nhiễm môi trường và cải tạo đất… Các mô hình cụ thể từ dự án như: Hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp; xây dựng hầm ủ bi-ô-ga, ủ phân com-pốt…
Tại huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) nghề trồng nấm rơm đã và đang phát triển mạnh nhờ việc tận dụng rơm rạ.
Tại tỉnh Hậu Giang, kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh. Năm 2022, từ nguồn kinh phí khuyến nông đặc thù, tỉnh Hậu Giang đã hỗ trợ 50% kinh phí mua con giống, vật tư, thiết bị để xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn cho 16 hộ dân. Năm 2023, tỉnh tiếp tục dành khoảng 3 tỷ đồng kinh phí từ Ðề án phát triển nông nghiệp bền vững và kinh phí khuyến nông của tỉnh để hỗ trợ các mô hình kinh tế tuần hoàn. Tùy theo điều kiện, mỗi gia đình có thể chọn chuỗi tuần hoàn khác nhau nhưng phải khép kín.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ xây dựng 3 mô hình theo tinh thần Nghị quyết 28 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 26/2020/NQ-HÐND ngày 4/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Ðề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Thông qua chương trình khuyến nông, hằng năm tỉnh sẽ ưu tiên nguồn kinh phí để hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả mang lại kinh tế cao cho người dân. Ðồng thời, ngành tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp nông thôn theo hướng phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh...
Để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp Việt Nam cho rằng cần xây dựng hành lang pháp lý cho kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích kinh tế tuần hoàn như: xây dựng các chính sách khuyến khích ưu đãi cho các mô hình kinh tế tuần hoàn tương tự như các ưu đãi cho doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho nông nghiệp kinh tế tuần hoàn gắn với các Chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Thí điểm Quỹ đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. thúc đẩy liên kết, hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa tổ chức khoa học công nghệ với doanh nghiệp và người sản xuất trong việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ. Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng chuyển giao công nghệ tuần hoàn, công nghệ trong xử lý phế phụ phẩm. Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế trong tổ chức đào tạo, tăng cường năng lực cho cán bộ và doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu.
Hồng Thắm
Bình luận