Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 06:01
Thứ bảy, 19/11/2022 12:11
TMO - Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trong kiểm soát nguồn khí thải carbon, thời gian qua TP.HCM tăng cường hợp tác quốc tế nhằm nhanh chóng hiện thực hóa mục tiêu giảm 10% phát thải vào năm 2030 và tiến tới nền kinh tế carbon thấp, phát triển bền vững hoặc giảm phát thải 30%.
Theo nghiên cứu của Viện Môi trường Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP.HCM, vấn đề phát thải khí nhà kính ngày càng tăng mạnh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí, sức khỏe người dân. Cụ thể, tổng phát thải khí nhà kính năm 2019 của TP. HCM là trên 58 triệu tấn CO2. Trong đó, hoạt động công nghiệp phát thải hơn 17,6 triệu tấn CO2. Những ngành có lượng phát thải cao là hóa học (chiếm 63%), dệt may (16,1%), sản xuất kim loại (14,7%)... Các hoạt động giao thông đường bộ phát thải hơn 13,4 triệu tấn CO2, riêng xe máy là phương tiện xả khí thải lớn nhất - chiếm gần 63%.
Báo cáo của Cơ quan Phát triển quốc tế Nhật Bản cũng cho thấy, mức tiêu thụ điện đến năm 2030 của TP.HCM ước khoảng 14 tỷ kWh, tương đương mức phát thải gần 12 triệu tấn CO2. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính gây hiệu ứng nhà kính, làm biến đổi khí hậu, đã và đang tác động đến nhiều mặt đời sống, phát triển kinh tế của thành phố.
TP. HCM đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc thúc đẩy các giải pháp kiểm soát nguồn khí thải carbon từ hoạt động giao thông. Ảnh: HP
Trước sự gia tăng của nguồn khí thải carbon trên địa bàn, UBND TP.HCM hợp tác với thành phố Osaka (Nhật Bản) ký kết bản ghi nhớ chương trình phát triển thành phố phát thải carbon thấp giai đoạn 2021-2025, do hai thành phố ký kết năm 2021. Sở TN&MT làm đầu mối hợp tác với Cục Môi trường, thành phố Osaka triển khai các công tác thúc đẩy chuyển giao công nghệ, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong hoạt động sản xuất.
Trước đó, tại hội thảo kỹ thuật “Thúc đẩy thành phố trung hòa carbon”, Cục Môi trường thành phố Osaka nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu giảm phát thải carbon về 0 cần phải sử dụng tốt các nguồn năng lượng tái chế, tái tạo để cắt giảm triệt để việc phát thải carbon. Dùng công nghệ mới nhất để xây dựng đô thị dựa trên công nghệ giảm phát thải carbon, đòi hỏi sự hợp tác của các cơ quan, các quốc gia. Đồng thời, các doanh nghiệp tại TP.HCM cần lắng nghe và ứng dụng tốt để có thể tận dụng những lợi ích từ cơ chế tín chỉ chung JCM; phát huy hiệu quả hợp tác giữa chính quyền với doanh nghiệp và người dân thông qua những dự án giảm phát thải carbon.
Thành phố thực hiện kiểm kê khí nhà kính đối với hoạt động phát thải cao như công nghiệp, vận tải... (Ảnh minh họa)
Thời gian qua, TP. HCM chủ động thúc đẩy các cơ chế hợp tác quốc tế để đẩy mạnh các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, hợp tác đầu tư và triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, TP.HCM sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo khung pháp lý thuận lợi để tiếp nhận các nguồn lực cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính, thu hồi khí thải và các dự án hỗ trợ tăng cường năng lực thích nghi với tác động của biến đổi khí hậu cho các khu vực và cộng đồng dễ bị tổn thương.
Từ đầu năm 2022, UBND TP.HCM đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới thành lập Nhóm công tác chung giữa hai cơ quan về sự phát triển toàn diện, bền vững của TP.HCM. Nhóm công tác chung có 8 nhóm kỹ thuật để tập trung xây dựng 8 đề án thành phần phục vụ mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững của thành phố, trong đó có nhóm phát thải carbon thấp. Mục tiêu của các Nhóm phát triển carbon thấp là xây dựng một kế hoạch đưa TP.HCM thành đô thị carbon thấp. Trong đó, kế hoạch bao gồm các khuyến nghị và đề xuất hành động cần thiết nhằm đạt mục tiêu phát triển của thành phố trong lĩnh vực ưu tiên, trong đó có danh mục Các dự án phát triển tiềm năng giữa TP.HCM và nhóm Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Nguyễn Hằng
Bình luận