Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 21:01
Thứ tư, 31/08/2022 15:08
TMO - Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma cho biết sẽ thúc đẩy các bên liên quan của các nước phát triển tiếp tục chuyển giao công nghệ và tài chính để Việt Nam hoàn thành cam kết mạnh mẽ tại COP26.
Vừa qua tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có buổi tiếp và làm việc với ông Alok Sharma, Chủ tịch COP26 để thảo luận về việc thúc đẩy triển khai các cam kết ứng phó biến đổi khí hậu tại COP26 và hướng tới COP27 sẽ diễn ra vào tháng 11/2022 tại Ai Cập.
Theo đó, với tinh thần triển khai quyết liệt các cam kết tại COP26, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và trình phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch giảm phát thải khí mê-tan và nhiều văn bản quan trọng khác nhằm hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại COP26. Cùng với đó, ngay đầu tháng 9 này, Bộ sẽ tiếp tục chủ trì tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ và các đối tác quốc tế.
Về Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến 2050 của Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình chủ trì xây dựng đã đưa vào các quan điểm xuyên suốt về vị trí và vai trò, mức độ ưu tiên, trách nhiệm, phương thức và nguồn lực cho ứng phó biến đổi khí hậu.
Triển khai cam kết tại Hội nghị COP26, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và trình phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050...
Đặt ra mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cùng với các chỉ tiêu chủ yếu được đề ra theo các giai đoạn đến năm 2030 và đến năm 2050 đảm bảo đạt mức phát thải ròng bằng “0”. Đồng thời, đề xuất nhiệm vụ và giải pháp thực hiện về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và nguồn lực ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, đảm bảo việc đóng góp về giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam phù hợp với Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.
Nội dung NDC năm 2022 sẽ bám sát các nội dung trong bản NDC cập nhật năm 2020, bổ sung thêm các hành động để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26; tính toán cụ thể các cam kết của Việt Nam đến 2030 trên cơ sở các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Đồng thời, tập trung xây dựng NDC cập nhật và sẽ gửi Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) trước Hội nghị COP 27.
Quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng trong hợp tác quốc tế được nhấn mạnh triển khai
Về Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định rất coi trọng việc hoàn tất đàm phán Tuyên bố chính trị về JETP để báo cáo, trình các cấp có thẩm quyền xem xét. Vì vậy, Bộ trưởng mong muốn Chủ tịch COP 26 phối hợp trong chỉ đạo Nhóm làm việc kỹ thuật của 2 bên đàm phán để đi đến thống nhất trong nhận thức và tiến đến thống nhất nội dung Tuyên bố chính trị.
Theo đó, Bộ trưởng kiến nghị với Chủ tịch COP26 cần phải đưa quan điểm công bằng, công lý trong ứng phó với biến đổi khí hậu xuyên suốt quá trình đàm phán và thực hiện Tuyên bố chính trị JETP để đảm bảo trách nhiệm của các nước phát triển hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng.
Cùng với đó, cần gắn kết JETP với các cơ chế hợp tác đã được thống nhất trong Công ước và Thỏa thuận Paris nhưng đến nay chưa được thực hiện, như việc huy động 100 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu. Có thể xem xét sử dụng hỗ trợ từ cơ chế này để bảo lãnh cho các khoản vay của doanh nghiệp để thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng.
Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Chủ tịch Alok Sharma xem xét chỉ đạo, các cơ quan chuyên môn của hai bên có thể tổ chức các cuộc họp kỹ thuật theo hình thức trực tuyến, lựa chọn một số vấn đề chính như phương pháp luận tính toán về lượng phát thải, thời gian đạt đỉnh phát thải trong lĩnh vực điện, năng lượng… và vấn đề về cơ chế hỗ trợ tài chính, để cung cấp một bức tranh tổng thể về JETP.
Việt Nam là một trong những nước chịu tác động của biến đổi khí hậu, vì vậy, việc chuyển đổi năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu là mối quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước. Chính phủ sẽ tiếp tục xem xét có lộ trình giảm nhiệt điện than phù hợp với điều kiện của Việt Nam với sự hỗ trợ của đối tác quốc tế. Việt Nam mong muốn thúc đẩy quá trình đàm phán thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các đối tác trong đó có các nước thuộc Nhóm G7.
Minh Tân
Bình luận