Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 15:01
Thứ sáu, 27/10/2023 14:10
TMO - Trong bối cảnh các nguồn năng lượng sơ cấp đang dần cạn kiệt, bên cạnh việc khai thác các nguồn năng lượng mới, việc thúc đẩy đầu tư, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp hữu hiệu góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển năng động, với nhịp độ phát triển khá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cùng với sự phát triển nhanh chóng ấy, nhu cầu sử dụng năng lượng phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế nói chung và lĩnh vực công nghiệp nói riêng ngày một gia tăng. Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) trong cơ cấu nền kinh tế, ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng tiêu thụ năng lượng lớn nhất, với hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc.
Xác định được tầm quan trọng của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chính phủ Việt Nam đã sớm hoàn thiện các khung pháp lý, bao gồm Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và rất nhiều quyết định hướng dẫn thi hành. Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình Quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 -2030 (Chương trình VNEEP3).
Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp đang được đẩy mạnh triển khai.
Chương trình đề ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5,0 đến 7,0% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025 và từ 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019 đến năm 2030. Để đạt được các mục tiêu đề ra, cùng với những nỗ lực của Chính Phủ, tổ chức, cá nhân trong nước, Chính phủ Việt Nam cũng nhận được những hỗ trợ từ nhiều quốc gia và các tổ chức phi chính phủ.
Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh Việt Nam” là một phần trong quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc nhằm đóng góp vào các mục tiêu của Chương trình VNEEP3 đối với lĩnh vực công nghiệp và cam kết của Việt Nam về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Mục tiêu tổng quát của Dự án là đóng góp vào mục tiêu quốc gia về giảm cường độ năng lượng bằng cách cải thiện hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam; đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế và xã hội; giảm phát thải khí nhà kính để ứng phó với biển đổi khí hậu.
Dự án được triển khai từ năm 2021 đến năm 2025, bao gồm 5 hợp phần chính với các nội dung hoạt động liên quan đến lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và lĩnh vực tăng trưởng xanh, bao gồm: Hợp phần 1: Lập dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng; Hợp phần 2: Hỗ trợ thực thi quy định định mức tiêu hao năng lượng và hướng dẫn kỹ thuật về tăng trưởng xanh; Hợp phần 3: Nâng cao năng lực liên quan tới đầu tư tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh; Hợp phần 4: Khảo sát, nghiên cứu và xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh; Hợp phần 5: Phổ biến tuyên truyền về các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của các tỉnh. Trong đó, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý thực hiện các nội dung hoạt động liên quan đến lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Trong khuôn khổ Dự án, 20 doanh nghiệp công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng được lựa chọn để tham gia vào chương trình kiểm toán năng lượng. Năm 2023, Dự án đã lựa chọn 10 doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng dưới sự giám sát của các chuyên gia năng lượng Hàn Quốc. Các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau như sản xuất giấy, sản xuất thép; sản xuất sợi, sản xuất điện….
Kết quả, hàng chục giải pháp tiết kiệm năng lượng đã được đề xuất cho mỗi doanh nghiệp. Trên cơ sở hoạt động kiểm toán, dự án sẽ hỗ trợ lập báo cáo tiền khả thi cho 10 dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng và lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho 5 dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, 3-5 doanh nghiệp sẽ được lựa chọn hỗ trợ xây dựng hồ sơ đề nghị vay vốn triển khai dự án tiết kiệm năng lượng.
Doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn tài chính đầu tư dự án tiết kiệm năng lượng từ Quỹ Chia sẻ rủi ro (RSF). Quỹ RSF sẽ cấp bảo lãnh tín dụng tối đa lên tới 50% giá trị khoản vay của ngân hàng thương mại cho các dự án tiết kiệm năng lượng hợp lệ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể tiếp cận khoản tín dụng trị giá 220 triệu USD của Chính phủ Hàn Quốc, thông qua Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hàn Quốc (K-EXIM) cùng sự tham gia của các ngân hàng thương mại đối tác Việt Nam để hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị và dịch vụ từ Hàn Quốc.
Theo đại diện đơn vị tư vấn dự án, các doanh nghiệp đã quan tâm đến tiết kiệm năng lượng, nhưng vẫn còn có tiềm năng để cải tiến hơn nữa. Có thể phân các giải pháp tiết kiệm năng lượng thành 3 nhóm: không tốn chi phí đầu tư, mức đầu tư thấp và mức đàu tư cao. Các giải pháp đã được phân tích chi tiết tiềm năng tiết kiệm năng lượng, phương án kỹ thuật, lượng tiền tiết kiệm được, khả năng hoàn vốn...
Bộ Công Thương đã tăng cường phối hợp cùng các bộ, ngành hữu quan triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Ðể thúc đẩy doanh nghiệp công nghiệp gia tăng hiệu quả sử dụng năng lượng tiết kiệm, Bộ Công Thương đã tăng cường phối hợp cùng các bộ, ngành hữu quan triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Qua đó, giúp cho doanh nghiệp công nghiệp tháo gỡ các rào cản về mặt kỹ thuật và vốn đầu tư trong việc chuyển đổi công nghệ tiết kiệm năng lượng, gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, đóng góp hữu hiệu cho mục tiêu giảm phát thải chung của cả nền kinh tế.
Cùng với các chương trình hỗ trợ tài chính đầu tư tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp công nghiệp, Bộ Công Thương còn tập trung đánh giá việc sử dụng năng lượng ở các cơ sở công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm; đánh giá các trang thiết bị có sử dụng năng lượng; đào tạo nguồn nhân lực cho việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; triển khai cơ chế hỗ trợ tài chính cho các dự án tiết kiệm năng lượng; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, quy trách nhiệm rõ ràng hơn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực như giao thông vận tải, xây dựng... Cùng với đó, Bộ Công Thương còn biên soạn “Cẩm nang tiết kiệm điện trong văn phòng - nhà xưởng”, với mục tiêu cung cấp các giải pháp cũng như các cơ sở dữ liệu về sản phẩm và công nghệ mới, giúp tiết giảm chi phí điện năng, khí đốt, nhiên liệu… tại các cơ sở công nghiệp và văn phòng.
Cùng với việc chủ động áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng tại các phân xưởng, nhà máy sản xuất của nhiều doanh nghiệp công nghiệp, việc Bộ Công Thương và các ngành chức năng tại các địa phương đẩy mạnh triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất… Ðiều này sẽ tạo ra hiệu ứng kép, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp ngành công nghiệp tăng cường đầu tư công nghệ tiết kiệm năng lượng, hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng xanh, sạch và bền vững.
Trần Tuấn
Bình luận