Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ bảy, 10/12/2022 05:12
TMO - Du lịch biển đảo đã được xác định là một trong 4 dòng sản phẩm chủ đạo, có lợi thế của du lịch Việt Nam. Để du lịch biển đảo Việt Nam phát triển, cần sớm xây dựng và triển khai các chính sách du lịch biển, đảo ở Việt Nam, qua đó, các địa phương sẽ khai thác và tạo ra nhiều sản phẩm du lịch biển đảo phù hợp.
Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3260km và sở hữu hơn 3000 hòn đảo lớn, nhỏ, có khoảng 125 bãi biển, nhiều bờ cát trắng và vịnh biển hoang sơ. Nhiều địa điểm của Việt Nam được bình chọn trong danh sách những bãi biển đẹp, quyến rũ nhất hành tinh. Trong danh sách 156 quốc gia có biển, Việt Nam được xếp hạng đứng thứ 27 và là quốc gia có diện tích ven biển lớn trong khu vực Đông Nam Á. Cùng đó, với Vịnh Hạ Long và Vịnh Nha Trang, Việt Nam được đánh giá là một trong 12 quốc gia có các vịnh đẹp nhất thế giới.
Với tiềm năng và lợi thế như vậy, du lịch và dịch vụ biển được xác định là ngành kinh tế biển đến năm 2030 phát triển thành công và đột phá theo thứ tự ưu tiên hàng đầu như đã đề ra tại Nghị quyết 36-NQ/TW của BCH Trung ương ngày 22.12.2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”. Đồng thời, du lịch biển đảo đã được xác định là một trong 4 dòng sản phẩm chủ đạo, có lợi thế của du lịch Việt Nam, điều này đã được khẳng định trong Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch và dịch vụ biển. Ảnh: TTX
Thông tin tại Hội thảo về “Phát triển Du lịch biển đảo Việt Nam - Thời cơ, thách thức và giải pháp” vừa được tổ chức, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết thời gian qua, các hoạt động du lịch biển đảo đã chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam. Trong giai đoạn 2010 - 2019, lượng khách đến các địa phương ven biển tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước với 13,6%/năm đối với khách quốc tế và 12,3% đối với khách nội địa.
Chỉ tính riêng năm 2019 đã đạt trên 34 triệu lượt khách quốc tế và 145,6 triệu lượt khách nội địa, mang lại tổng thu từ du lịch đạt 508 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 67,3% của cả nước. Có thể thấy rằng, du lịch biển phát triển đã có phần đóng góp lớn cho việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương, cũng như của nhiều ngành kinh tế khác; tạo thêm nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân địa phương ven biển.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch (Tổng Cục Du lịch), bên cạnh những kết quả đạt được về du lịch biển đảo, vẫn còn một số hạn chế cần quan tâm như: thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch biển còn thấp; thiếu sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch; tính mùa vụ còn rất cao, nhất là ở miền Bắc. Các sản phẩm du lịch cao cấp chưa có nhiều. Các nhà đầu tư còn chú trọng thu lợi nhuận ngắn hạn, chưa đầu tư dài hạn do sức ép về tài chính và muốn thu hồi vốn đầu tư nhanh. Cùng với đó là hạn chế về môi trường và nguồn lực đầu tư cho môi trường. Sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch biển đảo còn mang tính tự phát…
Để phát triển du lịch biển đảo bền vững cần đầu tư cơ sở hạ tầng, đa dạng các loại hình du lịch đáp ứng nhu cầu thị trường. Ảnh: BQN
Do vậy, để phát triển du lịch biển đảo bền vững cần phân vùng phát triển phù hợp với đặc điểm tài nguyên và định hướng thị trường ở cấp độ quốc gia, vùng, địa phương và điểm đến. Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là cảng biển du lịch, đồng thời phát triển các sản phẩm đa dạng cả về loại hình và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường, phân khúc thị trường khác nhau góp phần giảm cạnh tranh trực tiếp.
Lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Ninh cho rằng, trong phát triển du lịch biển cần quan tâm đặc biệt là bảo vệ môi trường, mỗi địa phương đều có một thế mạnh riêng, bài toán đặt ra là các tỉnh cần xây dựng sản phẩm có tính đặc thù riêng. Trong khi đó, đại diện Sở Du lịch Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ và Bộ ngành Trung ương chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải sớm tổ chức rà soát, hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước; phê duyệt quy hoạch đầu tư cảng, bến thủy nội địa phục vụ du lịch tích hợp vào Quy hoạch Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng và Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở để định hướng, đầu tư xây dựng.
Minh Thùy
Bình luận