Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 22:11
Thứ ba, 11/04/2023 14:04
TMO - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các địa phương, đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý nghiêm hành vi phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, phòng cháy chữa cháy rừng, giữ vững trật tự kỷ cương pháp luật...
Theo đó, tại Công văn số 2929/UBND-NN Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các địa phương, đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, đảm bảo hoạt động có hiệu quả gắn với trách nhiệm quản lý của kiểm lâm, chính quyền địa phương cấp huyện, xã, chủ rừng tại các vùng trọng điểm cháy rừng, phá rừng. Xử lý nghiêm người có trách nhiệm quản lý, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ, nhất là hành vi tiêu cực, tiếp tay cho người vi phạm pháp luật.
Đồng thời, giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nhất là chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Thực hiện phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, vai trò của người đứng đầu chính quyền các cấp, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, để xảy ra vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.
Lực lượng chức năng bắt giữ một vụ vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn tỉnh vào đầu tháng 3 vừa qua.
Đấu tranh, truy quét các “đầu nậu” mua bán, vận chuyển, tàng trữ gỗ, động vật rừng, các loại lâm sản trái pháp luật và xử lý nghiêm theo quy định. Tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án trọng điểm về phá rừng, lấn chiếm đất rừng đã được lực lượng chức năng phát hiện và các cơ quan truyền thông phản ánh.
Phân công trách nhiệm thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát hiện sớm mất rừng, cháy rừng đảm bảo hiệu quả. Các cơ quan kiểm lâm, công an, quân đội tăng cường phối hợp chặt chẽ, thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng...
Các địa phương không để xảy ra cháy lớn; khi xảy ra cháy rừng chỉ đạo điều tra, xác định nguyên nhân và đối tượng gây ra cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; thực hiện nghiêm Quyết định số 855/QĐ-UBND ngày 17/4/2021 của UBND tỉnh về ban hành kế hoạch thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy rừng.
Quản lý chặt chẽ, kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ, nhất là sử dụng gỗ rừng tự nhiên; xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật, kiên quyết đình chỉ hoạt động cơ sở chế biến gỗ vi phạm các quy định của Nhà nước trên địa bàn. Ưu tiên thực hiện kế hoạch, các giải pháp đồng bộ giải quyết tình trạng dân di cư tự do, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp, không để trở nên phức tạp; kiên quyết thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, sử dụng trái pháp luật.
Rừng tại Thừa Thiên-Huế bị lâm tặc đốn hạ thời gian gần đây. Ảnh: LH.
Trước đó, vào cuối tháng 3 vừa qua một vụ phá rừng được phát hiện tại xã Thượng Quảng của huyện Nam Đông. Khu vực rừng bị phá thuộc địa bàn xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông. Đã có 19 cây gỗ bị đốn hạ, trong đó có 12 cây gỗ đào, trám, chò mới bị đốn hạ, còn nhiều dấu vết mới và 7 cây gỗ bị đốn hạ vào khoảng cuối năm 2022.
Trong số 12 cây gỗ mới bị đốn hạ có 5 cây gỗ có gốc đường kính dưới 40 cm và 7 cây gỗ gốc có đường kính từ 40 - 60 cm. Số cây gỗ này nằm rải rác ở các tiểu khu 394 (rừng phòng hộ), tiểu khu 395 và 397 (rừng sản xuất). Các diện tích rừng này thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Đông, UBND xã Thượng Quảng và các cộng đồng thôn, nhóm hộ.
Phan Ấn
Bình luận