Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 00:11
Thứ tư, 25/05/2022 08:05
TMO - Với quan điểm đầu tư phát trển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đầu tư cho phát triển bền vững gắn liền với giảm nghèo, cần tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách về đầu tư, doanh nghiệp, đầu tư công, quy hoạch… để bổ trợ, xác định ưu tiên thu hút, huy động nguồn lực đầu tư trên địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Nhìn chung, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội phát triển chậm, thiếu thốn các điều kiện về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao và phải đối mặt với các khó khăn, thách thức đặc trưng riêng của từng khu vực.
Tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển vùng núi.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về huy động, bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cấp, các ngành và cơ quan liên quan bố trí đủ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2030 để hoàn thành mục tiêu của Chương trình.
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đã được Quốc hội giao tại các Nghị quyết số 88/2019/QH14 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Nghị quyết số 120/QH14/2020 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 để sớm hoàn thiện hành lang chính sách, pháp lý triển khai Chương trình đồng bộ, hiệu quả.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương tham gia thực hiện Chương trình cần chủ động huy động nguồn ngân sách địa phương, lồng ghép với các chương trình, dự án trên cùng địa bàn để đầu tư; chủ động rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành để tạo sự thống nhất; nghiên cứu, triển khai áp dụng rộng rãi các chính sách tín dụng ưu đãi nhà nước theo hướng đơn giản hóa thủ tục và ưu tiên cho các đối tượng của Chương trình để phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững...
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã hết sức quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù và tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, sinh kế tạo việc làm, hỗ trợ sản xuất… như: hai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và Chương trình 135. Nhờ đó, đời sống của đồng bào đã dần được nâng cao; các chính sách an sinh xã hội được tăng cường; cơ sở hạ tầng thiết yếu được cải thiện.
Để đạt được mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau", Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, ngân sách nhà nước là nguồn lực đầu tư động lực, có tính định hướng để thu hút và thúc đẩy đầu tư từ khu vực tư nhân và các thành phần kinh tế, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các bộ, cơ quan hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong quá trình triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đồng thời sẽ tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh nhằm thu hút mọi nguồn lực đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bùi Hoàng
Bình luận