Hotline: 0941068156
Thứ hai, 14/10/2024 15:10
Chủ nhật, 19/11/2023 06:11
TMO - Hiện tiến độ thi công hai dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau đang chậm khoảng 5 tháng so với kế hoạch do thiếu nguồn vật liệu san lấp cũng như những vướng mắc về mặt bằng.
Dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau có chiều dài 110,87 km, tổng vốn đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng. Dự án có quy mô 4 làn xe hạn chế (giai đoạn 1); mặt cắt ngang 17m. Điểm đầu dự án tại Km15+350 (nút giao IC2, là nút giao nối vào Quốc lộ 91 - Nam Sông Hậu, thành phố Cần Thơ). Điểm cuối kết nối vào tuyến tránh thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau). Tuyến cao tốc này bao gồm 2 dự án thành phần: đoạn Cần Thơ - Hậu Giang dài 36,7 km, vốn đầu tư 9.769 tỷ đồng; đoạn Hậu Giang - Cà Mau dài 72,8 km, vốn 17.485 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án), dự án thành phần đoạn Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau thuộc Dự án Đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2. Dự án được khởi công từ ngày 1/1/2023, các nhà thầu đã tổ chức 140 mũi thi công, huy động 440 máy móc thiết bị các loại, cùng 1.072 kỹ sư và công nhân. Hiện tiến độ thi công hai dự án thành phần này đang chậm khoảng 5 tháng so với kế hoạch.
Thiếu nguồn vật liệu san lấp, hai dự án thành phần của Dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đang chậm tiến độ 5 tháng so với kế hoạch.
Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường nên nhà thầu chỉ có thể triển khai thi công các hạng mục cầu trên tuyến và đào đất không thích hợp, đắp bờ bao và thi công đường công vụ, cầu tạm. Ngoài ra, một số vị trí trên tuyến còn vướng mặt bằng, một số vị trí vướng công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di dời (đặc biệt là đường điện cao thế) nên khó khăn trong việc tiếp cận để di chuyển thiết bị vào thi công, đặc biệt thiếu nguồn vật liệu.
Về nhu cầu vật liệu chính cho toàn dự án, với 6 mỏ đá và 4 mỏ đất cơ bản đáp ứng cho cầu cho dự án. Riêng về vật liệu cát đắp nền, tổng nhu cầu dự án cần khoảng 18,46 triệu m3. Các tỉnh đã giới thiệu cho dự án 14 mỏ mới và tăng công suất các mỏ đang khai thác với trữ lượng khoảng 16,3 triệu m3; trong đó đã xong thủ tục 3,6 triệu m3, khai thác đưa về công trường 1,5 triệu m3.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, hiện nay đoạn tuyến có thời gian gia tải lớn nhất là 15,5 tháng. Như vậy, để hoàn thành dự án trong năm 2026 thì phải đắp xong gia tải trước ngày 30/10/2024. Tổng khối lượng cát cho dự án Cần Thơ-Cà Mau là 18,5 triệu m3, nhưng đến nay đã lắp được 1,5 triệu m3. Khối lượng cát cần huy động còn lại là 17 triệu m3. Hiện nay, các mỏ hiện hữu khai thác và đưa về dự án khoảng 8.000m3/ngày. Dự kiến 13/14 mỏ còn lại xong thủ tục và đưa vào khai thác từ 1/1/2024 thì với 14 mỏ cấp đồng thời cho dự án cần công suất tối thiểu khoảng 56.000m3/ngày, trung bình mỗi mỏ cấp cho dự án khoảng 3.700m3/ngày/mỏ.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các tỉnh ưu tiên bố trí ngay nguồn cát đắp cho dự án; trong đó An Giang là 7 triệu m3, Đồng Tháp 7 triệu m3 và Vĩnh Long 5 triệu m3 để đảm bảo tiến độ thi công. Hiện, tỉnh An Giang đã xác định được nguồn cung cho dự án là 6,56 triệu m3, đã và đang khai thác 1,61 triệu m3 và đang hoàn thiện các thủ tục 4 mỏ với trữ lượng 4,95 triệu m3. Tỉnh Đồng Tháp xác định nguồn cung cho dự án là 7,02 triệu m3, trong đó đã và đang khai thác1,52 triệu m3 và đang hoàn thiện thủ tục 6 mỏ với trữ lượng 5,5 triệu m3. Tỉnh Vĩnh Long xác định nguồn cung cho dự án là 3,32 triệu m3, đã và đang khai thác 0,5 triệu m3 và đang hoàn thiện thủ tục 3 mỏ vơi trữ lượng 2,82 triệu m3.
Khó khăn hiện nay là dự án có thời gian gia tải, chờ lún dài, nếu không cung cấp đủ vật liệu sẽ khó đảm bảo tiến độ yêu cầu. Các địa phương đã hoàn thiện thủ tục để cung ứng và khai thác cấp cho dự án tổng cộng 3,64 triệu m3. Tuy nhiên công suất khai thác hiện nay rất thấp, chỉ khoảng 7.000 m3/ngày, trong khi nhu cầu của dự án khoảng 50.000 m3/ngày. Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư), dự án cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, giai đoạn 1’có tổng chiều dài 22,97km.
Trong số đó, đoạn qua địa phận tỉnh Vĩnh Long dài 12,53km, tỉnh Đồng Tháp dài 10,44km. Tổng mức đầu tư dự án hơn 4.826 tỷ đồng. Dự án có ba gói thầu xây lắp, đến nay đã thi công đạt hơn 77% giá trị hợp đồng. Đã hoàn thành toàn bộ 15 cầu trên tuyến chính. Về phần đường đã hoàn thành việc dỡ gia tải, thi công nền đường đạt 84%, thảm nhựa mặt đường đạt 33%.
Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các tỉnh hỗ trợ, phấn đầu hoàn thành các thủ tục cấp mỏ trong năm 2023, đảm bảo nguồn cung cho dự án. Ảnh: BK.
Để đảm bảo tiến độ thi công hoàn thành trước ngày 31/12/2023, các nhà thầu đang gấp rút triển khai thi công nhưng hiện hay vẫn còn thiếu hơn 90.000m3 cát để thi công các hạng mục còn lại. Để bảo đảm nhu cầu đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào sử dụng năm 2026, Ban Quản lý dự án đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long quan tâm hỗ trợ cấp quyền khai thác các mỏ trong thời gian tới bảo đảm tối thiểu 3.700m3/ngày/mỏ. Riêng đối với dự án cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, để bảo đảm tiến độ thi công hoàn thành trước ngày 31/12/2023, các nhà thầu đang gấp rút triển khai thi công nhưng hiện nay vẫn còn thiếu hơn 90.000m3 cát để thi công các hạng mục còn lại.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề nghị các tỉnh Vĩnh Long và An Giang xem xét hỗ trợ nguồn vật liệu cát phục vụ thi công dự án từ mỏ vàm Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) khoảng 80.000 m3 và từ dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy sông Vàm Nao (tỉnh An Giang) khoảng 44.000 m3 ngay trong trong tháng 11/2023.
Trước thực tế trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các tỉnh hỗ trợ, phấn đầu hoàn thành các thủ tục cấp mỏ trong năm 2023; hoàn tất thủ tục ĐTM sao cho các mỏ có thể khai thác được ngay, đảm bảo cung cấp 9,1 triệu m3 trong năm 2023 và khối lượng của năm 2024. Trước mắt, đề nghị Đồng Tháp, Vĩnh Long tháo gỡ cho các mỏ cát theo như đề nghị của Ban QLDA. Tỉnh An Giang hỗ trợ rà soát lại dự án nạo vét sông Vàm Nao làm thế nào có thể nâng công suất nạo vét lên, ưu tiên khai thác cát cho dự án trước còn khai thác thương mại thì lùi lại sau. Còn Ban QLDA Mỹ Thuận và các nhà thầu tiếp tục phối hợp với các địa phương để đẩy nhanh công tác khảo sát, cấp phép khai thác cát nguồn cung cấp cho dự án. Đồng thời phối hợp rà soát các mỏ mới và quản lý chặt chẽ nguồn cát cung ứng đảm bảo tiến độ dự án.
Mạnh Dũng
Bình luận