Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ bảy, 04/05/2024 13:05
TMO - Hiện nay, nguồn cát phục vụ các công trình giao thông tại tỉnh Bến Tre đang khan hiếm. Việc tháo gỡ những vướng mắc, đáp ứng nguồn cung vật liệu là giải pháp quan trọng để bảo đảm các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh được triển khai đúng tiến độ.
Dự kiến năm 2024, tỉnh Bến Tre sẽ khởi công xây dựng cầu Ba Lai 8 trên tuyến đường bộ ven biển. Dự án này có tổng mức đầu tư 2.255 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bến Tre làm chủ đầu tư. Dự kiến, dự án khởi công vào quý II/2024 và sẽ hoàn thành vào quý II/2026. Theo tính toán, tổng khối lượng vật liệu cát đắp nền phục vụ dự án xây dựng cầu Ba Lai 8 cần khoảng 1,68 triệu m3 (bao gồm đắp nền đường, đắp bù lún và đắp gia tải).
Ngoài ra, từ nay đến năm 2025 Bến Tre triển khai xây dựng cầu Đình Khao kết nối với tỉnh Vĩnh Long, nhà máy sản xuất hydro xanh và tới năm 2025 khởi công xây dựng công trình cống âu thuyền An Hóa ngăn nước mặn từ sông Tiền vào sông Ba Lai. Việc triển khai đồng bộ các dự án trọng điểm này đòi hỏi nguồn cát san lấp lớn.
Từ nay đến năm 2025, tỉnh Bến Tre triển khai nhiều dự án trọng điểm, theo đó nhu cầu về vật liệu san lấp tăng cao.
Toàn tỉnh hiện có 6 khu vực mỏ đã được tỉnh đưa vào quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, 3 khu vực mỏ có kết quả thăm dò từ năm 2018 và đã được phê duyệt với trữ lượng trên 4 triệu m3, gồm mỏ Quới Sơn (huyện Châu Thành), mỏ An Đức - An Hòa Tây, mỏ An Hiệp - An Ngãi Tây (huyện Ba Tri). Các mỏ trên sông Ba Lai thuộc địa bàn các huyện Bình Đại, Châu Thành, Giồng Trôm dự kiến với trữ lượng hơn 14 triệu mét khối cát.
Trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện có Mỏ cát Cẩm Sơn (thuộc xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam), năm 2020 được cấp phép khai thác cát làm vật liệu san nền. Trữ lượng cấp phép là 510.000 m3, công suất khai thác 180.000 m3/năm. Tuy nhiên, đến tháng 6/2022 đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mới chính thức đi vào hoạt động, nguyên nhân chậm khai thác là do người dân khu vực mỏ chưa đồng thuận.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết: Với trữ lượng còn lại, tính đến 12/2023 vào khoảng 449.000 m3, tỉnh Bến Tre không đủ khả năng cung cấp cho các công trình trên địa bàn tỉnh. Về chất lượng cát, qua tham khảo kết quả khảo sát của Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận, chất lượng cát trên lòng sông của tỉnh không đạt theo TCVN 4198: 2014, TCVN 8821: 2011, TCVN 9436:2012 cho thiết kế các công trình cao tốc (cát có nhiều tạp chất), chủ yếu chỉ phục vụ san lấp các công trình dân sinh.
Trước thực trạng thiếu hụt cát san lấp, tỉnh Bến Tre đã quyết liệt triển khai giải pháp. Sở TN&MT tỉnh cho biết, tỉnh đang triển khai Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản, gồm 6 khu vực khoáng sản đưa ra đấu giá, tổng trữ lượng tiềm năng ước tính 14.917.068 m3. Trong đó, 3 khu vực mỏ đã có kết quả thăm dò, phê duyệt trữ lượng năm 2018 gồm: Mỏ Quới Sơn trên sông Tiền (thuộc xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), Mỏ An Đức – An Hòa Tây trên sông Hàm Luông (thuộc xã An Đức và xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), Mỏ An Hiệp – An Ngãi Tây trên sông Hàm Luông (thuộc xã An Ngãi Tây và xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre).
Còn 3 khu vực mỏ trên sông Ba Lai chưa có kết quả thăm dò gồm: Khu vực thuộc địa bàn xã Phong Nẫm (huyện Giồng Trôm) và xã Long Hòa (huyện Bình Đại); Khu vực thuộc địa bàn xã Phong Nẫm, xã Châu Hòa (huyện Giồng Trôm) và xã Châu Hưng, xã Thới Lai (huyện Bình Đại); Khu vực nằm trên địa bàn 2 xã gồm xã Châu Hòa, xã Châu Bình (thuộc huyện Giồng Trôm), xã Tân Mỹ (huyện Ba Tri) và 3 xã gồm xã Thới Lai, xã Lộc Thuận, xã Phú Long (thuộc địa bàn huyện Bình Đại).
Bến Tre đang triển khai Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản, gồm 6 khu vực nhằm đáp ứng nguồn cung vật liệu cho các dự án (Ảnh minh họa).
Theo UBND tỉnh Bến Tre, mục đích đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát lòng sông) trên địa bàn tỉnh Bến Tre năm 2024 là để đảm bảo công tác quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn được thực hiện theo đúng quy hoạch, tổ chức triển khai công tác quản lý việc khai thác theo đúng quy định của Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định về quản lý, cát sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.
Khuyến khích đơn vị được cấp phép khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp cho các công trình trọng yếu của tỉnh Bến Tre để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phát huy tiềm năng khoáng sản, thu hút đầu tư khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Nếu triển khai bảo đảm về chất lượng, môi trường, công suất khai thác hằng năm ở từng mỏ thì dự kiến khối lượng khai thác 6 khu vực mỏ vào khoảng 3 triệu m3/năm, cơ bản đáp ứng nhu cầu vật liệu cho các công trình trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, tỉnh đang khẩn trương lấy ý kiến của người dân ở khu vực 6 mỏ cát này; đồng thời lấy ý kiến các đơn vị liên quan như Cục Đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Hàng hải, Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Tiền Giang. Nếu thuận lợi, dự kiến cuối tháng 6.2024, tỉnh sẽ tổ chức phiên đấu giá. Sau khi có đơn vị trúng đấu giá, tỉnh sẽ khẩn trương thực hiện cấp Giấy phép khai thác cho đơn vị để nhanh chóng có nguồn cát phục vụ cho các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh cũng như khu vực lân cận.
UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền địa phương tổ chức thực hiện bảo vệ các khu vực mỏ đưa vào đấu giá, bảo vệ mặt bằng, mốc giới khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tăng cường công tác kiểm tra xử lý các trường hợp khai thác cát trái phép tại các khu vực mỏ cát này, bảo đảm nguyên trạng để bàn giao cho tổ chức, cá nhân trúng đấu giá.
Mai Hương
Bình luận