Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 07:11
Thứ tư, 17/07/2024 13:07
TMO - Nhiều dự án giao thông trọng điểm đang bị thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường khi nguồn cung, công suất khai thác chưa đáp ứng yêu cầu, điều này ảnh hưởng lớn đến tiến độ hoàn thành của các công trình này.
Theo báo cáo của Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải), với các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, đến nay mặt bằng bàn giao khoảng 717,47/721,25km (đạt 99,5%), mặt bằng có thể thi công được khoảng 714,88/721,25km (đạt 99,1%). Về tiến độ thi công, một số dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam triển khai đáp ứng tiến độ yêu cầu và có sản lượng thực hiện cao đạt trên 45% hợp đồng gồm: Bãi Vọt-Hàm Nghi, Bùng-Vạn Ninh, Vạn Ninh-Cam Lộ, Chí Thạnh-Vân Phong, Dự án Vũng Áng-Bùng và Vân Phong-Nha Trang sản lượng đạt trên 54% hợp đồng.
Tuy nhiên, một số dự án thành phần tiến độ triển khai có nguy cơ chậm như đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, Cần Thơ-Hậu Giang, Hậu Giang-Cà Mau. Ngoài nguyên nhân do thủ tục cấp mỏ vật liệu xây dựng chậm, công suất khai thác mỏ cát chưa đáp ứng, một số nhà thầu triển khai thi công chưa đáp ứng yêu cầu.
Cụ thể, với 2 dự án thành phần đoạn từ thành phố Cần Thơ đến Cà Mau, các địa phương đã xác định nguồn cung và cấp bản xác nhận khai thác cho dự án là 16/19 triệu m3 cát, còn thiếu 3 triệu m3; thực tế đang khai thác 14,9 triệu m3, chưa thể khai thác 1,1 triệu m3. Đến nay, 5,93 triệu m3 cát đã được đưa về công trường, trong khi nhu cầu cát cần đưa về công trường để hoàn thành công tác đắp gia tải theo kế hoạch là 10,8 triệu m3. Công suất khai thác còn hạn chế, hiện chỉ đạt trung bình 27.000m3/ngày, trong khi nhu cầu cần cung ứng là 70.000-90.000m3/ngày.
Thi công dự án cao tốc đoạn từ thành phố Cần Thơ đến Cà Mau. Ảnh: VH.
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư 2 dự án thành phần cao tốc đoạn từ Cần Thơ đến Cà Mau) cho biết đến nay, tiến độ của dự án đạt hơn 34% so với kế hoạch, chậm 14% do còn thiếu hụt về nguồn cát. Để hoàn thành dự án trong năm 2025, từ nay đến ngày 31/10/2024 phải hoàn thành công tác đắp cát gia tải, nhu cầu cát là khoảng gần 9,6 triệu m3. Ban quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng tiếp tục hỗ trợ dự án về thủ tục điều phối, tăng công suất đối với các mỏ cát sông và cát biển.
Để xử lý dứt điểm các vướng mắc về vật liệu cát đắp, Bộ GTVT đề nghị các tỉnh có nguồn vật liệu cát đắp (An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre…) phối hợp chặt chẽ với tổ công tác liên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì để tiếp tục rà soát, thực hiện việc điều phối nguồn vật liệu, đảm bảo việc cung ứng đáp ứng cho các dự án, ưu tiên cung ứng cho các dự án hoàn thành vào cuối năm 2025. Các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp cho phép các nhà thầu được khai thác tối đa công suất hoạt động của thiết bị và thời gian khai thác trong ngày đối với các mỏ đang khai thác trên cơ sở quan trắc, giám sát chặt chẽ mức độ sạt lở; cấp thêm mỏ mới, ưu tiên nguồn mua thương mại để đáp ứng tiến độ của dự án.
Bên cạnh các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, cao tốc trục ngang đang triển khai, hai dự án giao thông quan trọng khác ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng đang gặp khó về nguồn cát đắp nền đường.
Trong đó, đối với dự án cầu Đại Ngãi trên QL60, tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, tính đến nay, công tác bàn giao mặt bằng đã cơ bản hoàn thành. Sản lượng thi công (chủ yếu phần cầu) gói thầu cầu Đại Ngãi 2, tuyến và các công trình trên tuyến (gói thầu 11-XL) đạt hơn 32%, chậm gần 9,7% so với kế hoạch do khó khăn về nguồn vật liệu cát đắp nền đường. Theo tính toán, tổng nhu cầu vật liệu cát đắp của dự án khoảng 1 triệu m3. Trong đó, gói thầu 11-XL cần hơn 0,6 triệu m3. Tính đến nay, các bên liên qua mới xác định nguồn được 0,45 triệu m3, khối lượng huy động về công trường được khoảng 0,16 triệu m3
Còn tại dự án nâng cấp QL30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 3 đang chậm tiến độ do thiếu ật liệu cát đắp phục vụ công tác gia tải, xử lý nền đất yếu Theo báo cáo, tính đến đầu tháng 7/2024, sản lượng thi công dự án đạt hơn 71%, chậm hơn 5,8% so kế hoạch, 12/13 cầu đã hoàn thành thi công bản mặt cầu. Riênh phần đường còn thiếu 85.000 m3 cát để hoàn thành toàn bộ công tác đắp gia tải (còn hơn 0,1km chưa đắp gia tải giai đoạn 1 và gần 1,3km chưa đắp gia tải giai đoạn 2).
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ, địa phương phải giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc cung ứng vật liệu xây dựng phục vụ đắp nền đường cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam (Ảnh minh họa).
Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ, địa phương phải giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc cung ứng vật liệu xây dựng phục vụ đắp nền đường cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam. Để hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng các tuyến giao thông kết nối liên vùng, các Thành ủy, Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố trong vùng cần tiếp tục nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động trong việc cung ứng vật liệu đắp nền đường cho các dự án; các bộ, địa phương phải đưa ra cách làm rõ ràng, công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc để cung ứng vật liệu xây dựng phục vụ đắp nền đường (cát) cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam; tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ.
Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục duy trì Tổ công tác để bám sát tình hình triển khai hoạt động cấp phép khai thác mỏ ở các địa phương, đặc biệt là tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng để hỗ trợ, giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc phát sinh, trường hợp vượt thẩm quyền thì đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các Ban quản lý dự án Mỹ Thuận rút kinh nghiệm trong việc chậm hoàn thiện hồ sơ để tỉnh An Giang triển khai thủ tục điều chuyển linh hoạt cát san lấp từ Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sang Dự án Cần Thơ - Cà Mau; yêu cầu các đơn vị phải hoàn thiện hồ sơ để tỉnh An Giang giải quyết trước ngày 31 tháng 7 năm 2024.
Khẩn trương chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thuỷ nội địa tại khu vực khai thác mỏ cát; công bố danh mục khu vực nạo vét các tuyến đường thuỷ nội địa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông Vận tải trên cả nước (trong đó có tỉnh An Giang) để phục vụ hoạt động nạo vét, hoàn thành trước ngày 20 tháng 7 năm 2024.
Các địa phương thiếu nguồn vật liệu xây dựng, các chủ đầu tư, doanh nghiệp chủ động làm việc với các địa phương, nhập khẩu vật liệu xây dựng, có phương án khi phê duyệt dự án đầu tư; các địa phương trên tinh thần hợp tác, chỉ đạo việc hỗ trợ cung cấp vật liệu xây dựng cho các địa phương thiếu vật liệu xây dựng, không để tình trạng cát cứ đứt gãy chuỗi cung ứng vật liệu xây dựng.
Đối với các công trình, dự án đường địa phương (trong đó có các dự án của tỉnh Cà Mau), đề nghị các chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu và đơn vị có liên quan chủ động làm việc với các địa phương có nguồn vật liệu san lấp để cung cấp cho các dự án theo quy định của pháp luật; không kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề thuộc trách nhiệm giải quyết của chính quyền địa phương, doanh nghiệp.../.
Đức Tuấn
Bình luận