Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 22:11
Thứ tư, 26/04/2023 12:04
TMO - Mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy xuất khẩu nông sản, tỉnh Cà Mau đang khẩn trương triển khai thực hiện thiết lập, quản lý mã số vùng trồng, hỗ trợ người dân sản xuất chuyên nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nông sản, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp bền vững.
Địa phương này xác định, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang trở thành xu hướng tất yếu, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản trong thị trường nội địa và được xem là “tấm vé” thông hành với những mặt hàng xuất khẩu; trong đó, mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là điều kiện cần thiết, bắt buộc cho việc truy xuất nguồn gốc.
Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát sinh vật gây hại; truy xuất nguồn gốc nông sản. Vùng trồng có thể gồm một hay nhiều điểm sản xuất, bảo đảm nguyên tắc sản xuất tập trung, sử dụng thống nhất một quy trình sản xuất, một quy trình quản lý sinh vật gây hại, có nhật ký canh tác ghi chép chi tiết các hoạt động tác động lên cây trồng.
Việc cấp mã số vùng trồng là điều kiện và cũng là cơ hội để các hộ sản xuất, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước, nhất là các thị trường khó tính, việc cấp mã số vùng trồng không chỉ giúp người tiêu dùng và cơ quan chức năng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu thông qua việc sản xuất theo quy trình, có kiểm soát dịch hại và đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm, mà còn giúp các doanh nghiệp, hộ sản xuất ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm. Có thể xem đây là chìa khóa trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản Cà Mau.
Giai đoạn 2023-2025 toàn tỉnh cấp từ 120-130 mã số vùng trồng và 1-2 cơ sở đóng gói trên cây lúa.
Theo kế hoạch thiết lập, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2023-2025, toàn tỉnh cấp từ 120-130 mã số vùng trồng và 1-2 cơ sở đóng gói trên cây lúa; 5-10 mã số vùng trồng và 1-3 cơ sở đóng gói đối với rau màu và cây ăn trái; cấp từ 2-3 mã số vùng trồng và 1-2 cơ sở đóng gói đối với cây dược liệu… Kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng thông qua công tác quản lý, giám sát chặt chẽ vùng trồng, cơ sở đóng gói của các tổ chức/cá nhân tại địa phương nhằm đảm bảo vùng trồng, cơ sở đóng gói luôn duy trì tình trạng tuân thủ quy định. Đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Nâng cao nhận thức cho các tổ chức/cá nhân về sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản qua đó nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu và trong nước.
Trong giai đoạn trên, lúa là một trong những cây trồng chủ lực được địa phương này xác định triển khai cấp và quản lý mã số vùng trồng. Tính riêng năm 2022, với diện tích gieo trồng lúa đạt gần 111.000 ha, đã mang về tổng sản lượng lúa gần 544.000 tấn. Thời gian qua, tỉnh đang tập trung phát triển sản xuất lúa theo mô hình liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm lúa an toàn và lúa hữu cơ.
Tỉnh đã xây dựng vùng nguyên liệu lúa hữu cơ theo chuỗi giá trị trên đất lúa - tôm 795,5 ha, liên kết tiêu thụ sản xuất lúa hữu cơ với 4 công ty và 9 hợp tác xã. Ngoài ra, đã xây dựng vùng sản xuất rau an toàn, rau theo hướng VietGAP, vùng sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP… Đây là những điều kiện cần thiết cùng với việc tiếp tục nâng cao chất lượng sản xuất tạo tiền để để Cà Mau thực hiện mục tiêu cấp và quản lý mã số vùng trồng đề ra.
Cà Mau hiện chỉ có 02 mã số vùng trồng trên cây chuối già Nam Mỹ.
Cà Mau hiện có 02 mã số vùng trồng trên cây chuối già Nam Mỹ tại xã Khánh Thuận, huyện U Minh, nhằm đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo các điều kiện thiết lập, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã tổ chức nhiều hội thảo thông tin tuyên truyền tại các địa phương trong tỉnh. Theo đó, Chi cục xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền thông qua việc tổ chức các hội thảo, lớp tập huấn. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ kỹ thuật tại địa phương, người sản xuất, tổ chức, cá nhân xuất khẩu và tiêu thụ nông sản nội địa về yêu cầu kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo đúng quy định.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết: Hiện nay, có 53/63 địa phương được cấp 6.439 mã số vùng trồng. Bên cạnh đó có 1.618 cơ sở đóng gói tại 33 tỉnh, thành phố được cấp mã số xuất khẩu. Có 25 sản phẩm được cấp mã số như: thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít, chuối, khoai lang… xuất khẩu đi 11 thị trường là Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Thái Lan, UAE, Malaysia và Singapore. Tuy nhiên, thời gian qua hơn 710 mã số vùng trồng bị thu hồi. Mã số vùng trồng bị thu hồi chủ yếu ở các tỉnh Tiền Giang, Tây Ninh, Lâm Đồng, Bình Thuận… phần lớn là nông sản xuất khẩu đi Trung Quốc, nguyên nhân là do không đạt yêu cầu về chất lượng kỹ thuật.
Việc quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói không chỉ để đáp ứng yêu cầu đảm bảo tuân thủ đúng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu, đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc của nông sản xuất khẩu mà còn giúp thay đổi tập quán canh tác, nâng cao nhận thức sản xuất của nông dân theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch và trách nhiệm, qua đó nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Hà Thu
Bình luận