Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 10:11
Thứ ba, 26/12/2023 14:12
TMO - Nông, lâm, thủy sản là những ngành hàng quan trọng đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Thiết lập chuỗi logistics có tính liên kết giữa khu vực sản xuất với các đầu mối giao thương là yêu cầu cấp thiết để nâng cao hiệu quả xuất khẩu các ngành hàng trên.
Thông tin từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn cho biết, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu nông sản lớn nhưng sản xuất nông nghiệp phần lớn có quy mô nhỏ lẻ và manh mún, việc thu mua nông sản tập trung với số lượng lớn rất khó thực hiện. Thêm vào đó, nước ta có lãnh thổ kéo dài và hẹp ngang, sản phẩm nông nghiệp giữa các vùng miền đa dạng, phong phú và thị trường xuất khẩu chính các loại nông sản vẫn là Trung Quốc qua các cửa khẩu ở phía Bắc.
Với đặc thù lãnh thổ hẹp ngang, kéo dài nên nhu cầu dịch vụ logistics phục vụ việc tập kết, bảo quản nông sản, trung chuyển ở các vùng nguyên liệu chính rất cao. Bao gồm, hệ thống vận chuyển nông sản đa dạng dọc theo chiều dài đất nước đến các thành phố lớn; hệ thống logistics ở khu vực biên giới và hệ thống vận tải, trung tâm trung chuyển nông sản kết nối với khu vực biên giới. Với xu hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, sản phẩm ngày càng đa dạng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics trong ngành nông, lâm, thuỷ sản ngày càng tăng.
Những năm gần đây, hạ tầng logistics đã có những chuyển biến tích cực như hạ tầng giao thông được đầu tư phát triển, nhất là hệ thống đường đến nông thôn, cầu cảng phát triển kết nối sản xuất với thị trường. Hạ tầng thương mại như chợ, chợ đầu mối được nâng cấp hơn. Dịch vụ logistics bao gồm vận chuyển, bảo quản, lưu kho, phân loại, đóng gói… ngày càng đa dạng.
Chi phí logistics cao làm giảm sức cạnh tranh nông sản xuất khẩu của nước ta.
Tuy nhiên, logistics cho chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều vấn đề, đó là chi phí cao, hạ tầng phát triển không kịp so với nhu cầu thực tế, năng lực cung ứng dịch vụ có hạn…Cụ thể, chi phí logistics hiện hiếm 12% giá thành thủy sản, 23% giá thành đồ gỗ, 29% giá thành rau quả, 30% giá thành gạo…Tỷ lệ chi phí logistics Việt Nam hiện đang cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12% và Singapore tới 300%.
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông dù có sự nâng cấp và cải thiện nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển nông sản. Mất cân đối về khối lượng và loại hình, các loại nông lâm thuỷ sản vẫn được vận tải chủ yếu bằng đường bộ. Các trung tâm logistics bắt đầu phát triển nhưng còn manh mún, chưa có tính kết nối. Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics hầu hết có quy mô nhỏ thực hiện đơn lẻ từng khâu, không có sự gắn kết theo chuỗi. Đặc biệt, hệ thống logistics thương mại biên giới chưa phát triển đúng với tiềm năng và nhu cầu thực tiễn; chưa có hệ thống kho ngoại quan phục vụ xuất khẩu.
Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, một trong những hạn chế của logistics nông nghiệp là ngành nông nghiệp Việt Nam chưa có chiến lược đề án tổng thể tích hợp về phát triển logistics nông nghiệp. Cùng với đó, là chưa có chiến lược, quy hoạch phát triển logistics nông nghiệp tầm nhìn dài hạn, cũng như chính sách hỗ trợ cho phát triển logistics phục vụ các vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp còn thiếu; chính sách phát triển các trung tâm liên kết nông sản, trung tâm đầu mối nông nghiệp mới chỉ trong giai đoạn thí điểm hoặc đề xuất xây dựng…
Đông Nam Bộ là vùng tập trung nhiều doanh nghiệp logistics, nhiều kho lạnh nhất cả nước. Đây là vùng có hạ tầng logistics đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước thông qua hệ thống cảng Cát Lái (TP.HCM), Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Đặc biệt, vùng Đông Nam Bộ từ lâu đã hình thành các trung tâm dịch vụ logistics phục vụ cho nông, lâm, thủy sản. Vùng này cũng phát triển mạnh các loại cây công nghiệp và chăn nuôi. Đồng thời, hệ thống phân phối hiện đại có quy mô lớn nhất cũng như đa dạng và phong phú về loại hình nhất cả nước.
Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ đang bị quá tải và thiếu kết nối do chưa được đầu tư đồng bộ đáp ứng khối lượng vận chuyển hàng hóa lớn. Vận tải đa phương thức chưa phát huy hiệu quả, thiếu kết nối giữa đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa. Trong khi đó, các trung tâm logistics, ICD, trung tâm phân phối còn phân bố rời rạc, thiếu đồng bộ. Vùng này hiện cũng thiếu nhân lực chất lượng, có trình độ chuyên môn cao và có kinh nghiệm trong lĩnh vực logistics.
Cùng với Đông Nam Bộ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước với thế mạnh đường thủy nội địa với 23.000km có khả năng khai thác vận tải, kết nối chặt chẽ với TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ qua bốn phương thức vận tải gồm: Đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không đã và đang hình thành các khu kinh tế cửa khẩu.
Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long chưa đầu tư khai thác đúng mức đường thủy nội địa, hệ thống cảng còn lạc hậu và khó mở rộng; thiếu hạ tầng trung tâm logistics như kho bãi, các hệ thống trung tâm vệ tinh, bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, đơn vị chiếu xạ đạt chuẩn, kho lạnh; phần lớn các dịch vụ logistics còn riêng lẻ, chưa có sự kết nối giữa các phương thức vận tải.
Hoàn thiện hệ thống hạ tầng logistics phục vụ sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản là nhiệm vụ quan trọng.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước có 48 kho lạnh với công suất 600.000 pallets, trong đó, miền Nam có 36 kho lạnh với công suất 526.364 pallets. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của dịch vụ logistics của miền Nam trong chuỗi logistics nông, lâm, thủy sản xuất khẩu trên cả nước. Để logistics là động lực thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, cần phải phát triển hệ thống dịch vụ logistics đồng bộ, hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Vì vậy, việc xây dựng và triển khai Đề án "Phát triển hệ thống dịch vụ logistics nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030" là rất cần thiết để giải quyết các điểm nghẽn hiện nay, góp phần khơi thông luồng xuất khẩu nông lâm thuỷ sản.
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đề xuất thực hiện ba dự án: Thiết lập chuỗi logistics nông, lâm, thủy sản đường bộ xuyên biên giới kết nối thị trường Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc; Thiết lập chuỗi hạ tầng logistics nông, lâm, thủy sản xuất khẩu tích hợp thương mại điện tử và vận tải đa phương thức; Thiết lập chuỗi logistics nông, lâm, thủy sản đường hàng không kết nối thị trường ASEAN, Trung Quốc; trong đó chú trọng ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản là ngành mới, nhiều tiềm năng. Hiện nay, chủ trương, cơ chế, chính sách đã có nhưng áp dụng trên thực tế còn nhiều hạn chế do cơ sở hạ tầng dịch vụ logistics liên quan chưa đáp ứng. Do đó, cần nhanh chóng xây dựng hệ thống logistics nội địa, trung tâm vùng, trọng tâm là khu vực phía Nam. Đối với nông sản, khó nhất và lớn nhất là đầu tư các hệ thống kho lạnh. TP. Hồ Chí Minh sẽ làm thí điểm trung tâm logistics nông sản.
Việt Nam có 7 vùng kinh tế với điều kiện sản xuất, hạ tầng, nhu cầu kết nối thị trường khác nhau. Do đó, việc xây dựng chiến lược mạng lưới các trung tâm logistics vùng có khả năng kết nối mới chỉ giải quyết được bài toán quy hoạch tổng thể, tạo cơ chế, chính sách đồng bộ hỗ trợ cả nông nghiệp và logistics cùng phát triển. Tuy nhiên, việc thiết kế, triển khai xây dựng các trung tâm logistics vùng đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, đánh giá chi tiết nhằm đảm bảo dự án mang lại hiệu quả thực tế, đáp ứng nhu cầu phát triển trong dài hạn.
Thu Thủy
Bình luận