Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 07:11
Thứ bảy, 19/03/2022 20:03
TMO - Quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở nhiều vùng miền, trong đó có khu vực vùng cao phía bắc làm nảy sinh hàng loạt vấn đề như ô nhiễm môi trường, việc làm, di dân... Tạo sinh kế cho người dân cần phải được xem là ưu tiên trong phát triển đô thị bền vững.
Các tỉnh vùng núi phía Bắc đã có những bước đổi thay nhờ chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế xanh. Một trong những thay đổi lớn nhất, quan trọng nhất, đó là những người dân ngày nào chỉ biết làm ruộng, làm nương, nay nhiều người ở các bản nội thành đã chuyển sang kinh doanh buôn bán hàng hóa, ăn uống, dịch vụ, trở thành công dân đô thị thật sự. Người dân chuyển sang sản xuất hàng hóa như sản xuất rau, củ, hoa, quả, thực phẩm cung ứng cho nội thành, sản xuất, kinh doanh cà-phê, chè, cây ăn quả. Những đồi trọc xưa kia nay đã xanh ngắt mầu xanh của cây ăn quả.
Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, quy hoạch thoát nước không được bảo đảm làm hạn chế nhiều đường thoát nước tự nhiên của thành phố gây nên cảnh ngập úng một số tuyến phố đô thị. Vấn đề này không chỉ gây ách tắc, cản trở giao thông mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân sống quanh khu vực.
Muốn giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng cục bộ mỗi khi mưa về, một số đô thị như thành phố Sơn La, Lai Châu, Hà Giang…đã chọn giải pháp trồng cây phủ hết diện tích đất trống của các cơ quan công sở, doanh nghiệp trong khu vực thành phố, nhất là những khu vực đất cao, độ dốc lớn để hạn chế bùn đất tràn xuống đường phố. Bên cạnh đó, triển khai các trang trại theo mô hình VAC (vườn - ao - chuồng), RVAC (rừng - vườn - ao - chuồng) gắn với việc xây dựng các nhà sàn hiện đại. Đây cũng chính là yếu tố phát huy truyền thống của các dân tộc trong việc gìn giữ bảo vệ môi trường sống.
Tăng khả năng tiếp cận thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số
Để tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng đô thị sống dựa vào nông nghiệp, nhiều năm qua tỉnh Điện Biên và Lai Châu đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về khoa học công nghệ, hệ thống thông tin, cảnh báo giúp người dân áp dụng nguồn thông tin có được trong việc nâng cao năng suất lúa và giảm việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Điều này cũng góp phần giúp phát triển đô thị trên cao theo định hướng mạng lưới đô thị văn minh, hiện đại, tạo môi trường sống chất lượng cao cho người dân.
Theo các chuyên gia, phát triển sinh kế chống chịu khí hậu ở Việt Nam có hai loại mô hình là mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái và mô hình tạo sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng. Để đạt được những mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu, cần xác định được các bước cơ bản sau: nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và sinh kế bền vững tại địa phương; đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và năng lực ứng phó của địa phương đó; Đánh giá hiện trạng và nghiên cứu mô hình, giải pháp sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu; hỗ trợ triển khai giải pháp, giám sát, đánh giá và điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Với những đô thị miền núi, trên cao, chính quyền địa phương cần sớm đặt ra mục tiêu tìm hướng đi mới trong sắp xếp bố trí dân cư tránh tối đa nguy cơ thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Ở những nơi vốn bất lợi về địa hình, dân cư sống phân tán, chủ trương quy hoạch đi trước được xem như một hướng tháo gỡ khó khăn. Nỗ lực xóa nhà ở tạm theo hướng sắp xếp lại dân cư hài hòa, thân thiện với thiên nhiên là mục tiêu mà các đô thị, thị tứ trên cao cần hướng đến. Muốn vậy, chính quyền địa phương cần tìm quỹ đất thích hợp, bảo đảm ổn định lâu dài, Nhà nước hỗ trợ kinh phí để làm mới, sửa chữa lại nhà ở. Các điểm bố trí dân cư mới, quy mô khu dân cư phải phù hợp với đặc điểm địa hình, phong tục tập quán của đồng bào gắn với việc khẩn trương xây dựng các hạng mục thiết yếu, như điện thắp sáng, nước sạch phục vụ sinh hoạt và điều kiện phục vụ sản xuất. Quá trình này cần bảo đảm điều kiện không tác động cơ giới vào quy hoạch tái định cư. Bởi chính việc giữ được cấu trúc đất nguyên trạng, mới giúp các khu định cư "đứng vững" trước thiên tai.
Bên cạnh đó, việc tham vấn ý kiến cộng đồng, đạt được sự đồng thuận của người dân địa phương là yếu tố tiên quyết trong số các kinh nghiệm sắp xếp, bố trí dân cư. Trước khi xây dựng khu định cư mới, chính quyền cần tổ chức họp dân, xin ý kiến của các già làng, người có kinh nghiệm, chọn những đồi núi có độ dốc ít, hình bát úp, không sạt lở, không xảy ra lũ quét, tránh được thiên tai và gần nguồn nước sinh hoạt giúp người dân yên tâm, ổn định cuộc sống lâu dài. Song song với hình thành mặt bằng, địa phương cần tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, điện sinh hoạt và các mô hình phát triển sản xuất, cải tạo đồng ruộng, khu chăn nuôi... nhằm mục tiêu vừa ổn định nơi ở (an cư), vừa gắn với ổn định cuộc sống, từng bước phát triển (lạc nghiệp) cho cư dân đô thị.
Bùi Hoàng
Bình luận