Hotline: 0941068156
Thứ năm, 16/01/2025 01:01
Thứ ba, 01/02/2022 07:02
TMO - Tiếp tục duy trì tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống phân phối hiện đại đạt trên 85%, nâng tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống phân phối truyền thống lên trên 80%... Đây là những nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ giao ngành Công Thương tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước, gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025.
Theo kết quả khảo sát sau 12 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động), trên 70% khách hàng khi được hỏi đều ưu tiên lựa chọn hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Cũng theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện hàng Việt đã chiếm lĩnh chủ yếu ở các kênh phân phối trong nước, chỉ riêng nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu đã đạt trên 80%, nhóm hàng nông sản đạt trên 90%...
Ảnh minh họa
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hóa sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn từ 80% đến 90%. Bên cạnh đó, tỷ lệ hàng Việt tại các siêu thị nước ngoài chiếm từ 60% đến 96%, cụ thể: Lotte (82% theo doanh thu và 84% theo số lượng mặt hàng), Big C (96% theo doanh thu)...
Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên… Đây là những lợi thế để doanh nghiệp sản xuất hàng Việt và các đơn vị phân phối, có cơ hội phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.
Trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp thì thị trường trong nước đã trở thành trụ đỡ vững chắc cho hàng Việt. Chúng tôi đặt mục tiêu các sản phẩm hàng Việt sẽ chiếm 80% tổng mức bán lẻ hàng hóa đến năm 2030. Đặc biệt, sẽ có 70% doanh nghiệp Việt Nam tham gia chương trình “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam
Theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, năm 2021, dù dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh nhưng Ban Chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể đã tập trung chỉ đạo toàn diện công tác tuyên truyền phù hợp với yêu cầu chống dịch. Đã có nhiều hoạt động hỗ trợ đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các địa phương bị ảnh hưởng do phòng dịch...
Hơn nữa, nhằm bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho thị trường Hà Nội, thành phố đã tổ chức thành công hội nghị kết nối hàng Việt và sàn thương mại điện tử, hỗ trợ phân phối sản phẩm hàng Việt trên các sàn thương mại điện tử; đồng thời, triển khai hiệu quả các hoạt động liên kết vùng, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố…
Phát huy những kết quả đạt được, Ban chỉ đạo Cuộc vận động yêu cầu, trong năm 2022 các đơn vị thành viên tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền, đổi mới phương thức tuyên truyền Cuộc vận động; chú trọng giới thiệu, tôn vinh sản phẩm, hàng hóa Việt chất lượng cao, nhất là các sản phẩm được bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, vận động doanh nghiệp triển khai bán hàng lưu động, đưa hàng về vùng sâu, vùng xa, khu vực ngoại thành, cũng như các chương trình kích cầu nội địa, kết nối giao thương, phát triển các kênh phân phối hàng Việt ở nước ngoài…
Nguyễn Ngọc
Bình luận